Điều ít biết về Phạm Tuấn Huy, người giành học bổng danh giá của Viện Toán học Clay

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 31/01/2023 13:00 PM (GMT+7)
Có lần đang ngủ, Huy bỗng bật dậy, đeo kính rồi lật vở ra ghi chép không mở đèn. Huy ngồi hì hục 10 phút trong bóng tối, sau đó xếp vở lại rồi tiếp tục ngủ.
Bình luận 0

Ngày 31/1, ông Phạm Châu Tuấn - ba của Phạm Tuấn Huy - cho biết: "Gia đình tôi rất vui mừng vì mơ ước của con trai đã thành hiện thực".

Trước đó, ông Tuấn được con trai Phạm Tuấn Huy - cựu học sinh trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM) thông tin vừa được Viện Toán học Clay trao học bổng nghiên cứu viên năm 2023, đồng thời được bổ nhiệm nghiên cứu viên Clay (Clay Research Fellow) kể từ ngày 1/7/2023.

Bố của thiên tài toán học Phạm Tuấn Huy: Từng sợ con bị... khùng - Ảnh 1.

Thông báo của Viện Toán học Clay về hai cá nhân được nhận học bổng năm 2023. Ảnh chụp màn hình

Từng sợ con bị... khùng

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phạm Châu Tuấn cho biết, vì mẹ là giáo viên âm nhạc nên ngay từ nhỏ, hai chị em Huy đều được cho học nhạc. Từ năm lớp 4, Huy theo học âm nhạc tại Nhạc viện TP.HCM.

Tuy nhiên, đến năm học lớp 9, Huy xin ba mẹ cho nghỉ bên trường nhạc để tập trung học các môn khác. Thời điểm này, Huy đã học nhạc tương đương hệ trung cấp.

Do ba mẹ đều là giáo viên, bận rộn với giáo án và các giờ lên lớp nên không có quá nhiều thời gian chăm lo cho việc học của Huy. 

Ngoài đưa đón đi học, đáp ứng các yêu cầu cần thiết phục vụ quá trình học tập, việc học tập của Huy đều tự lập. Dù vậy, ông Tuấn rất yên tâm bởi tự học từ nhỏ tới lớn nhưng Huy rất tự giác, chịu khó và học giỏi toàn diện.

Khi nhắc về những kỷ niệm cũ, ông Tuấn không khỏi buồn cười vì từng lo "sốt vó", sợ Huy bị... khùng. Ông Tuấn kể, từ nhỏ, khi được ba mẹ đưa đi chơi, đi du lịch, Huy đều mang theo sách vở để học. Khi mọi người chơi đùa, thư giãn thì Huy lại lấy sách vở ra học bài, giải bài.

Bố của thiên tài toán học Phạm Tuấn Huy: Từng sợ con bị... khùng - Ảnh 2.

Nội dung giới thiệu về Phạm Tuấn Huy trên trang của Viện Toán học Clay. Ảnh chụp màn hình

Có lần, một người thân từ nước ngoài về chơi, ông Tuấn dẫn Huy sang thăm. Khi tới nơi, thay vì chào hỏi, Huy lại lẩm bẩm gì đó trong miệng, rồi cứ đăm chiêu, suy nghĩ về vấn đề gì đó mà không để ý bất cứ điều gì xung quanh. Thấy vậy, người thân của ông Tuấn đã nhắc nhở cần để ý Huy, xem có vấn đề gì về thần kinh không.

"Thú thật, tôi cũng lo lắm, sợ nó bị thần kinh. Sau đó, tôi gặng hỏi Huy đang suy nghĩ gì, vì sao con gặp bác không chào. Huy trả lời, tại vì con đang tập trung suy nghĩ về công thức toán, để con suy nghĩ xong sẽ chào hỏi", ông Tuấn kể.

Một câu chuyện khác về Huy cũng khiến ông Tuấn nhớ mãi: Có lần đang ngủ với ông, Huy bỗng bật dậy, đeo kính rồi lật vở ra ghi chép, không mở đèn. Huy ngồi ghi hì hục khoảng 10 phút trong bóng tối, sau đó xếp vở lại rồi tiếp tục ngủ. 

Sáng ra, ông Tuấn hỏi Huy có biết những gì đã làm tối qua, để xác định Huy bị mộng du không thì Huy tỉnh queo trả lời: "Con biết. Vì đang ngủ thì có ý tưởng lóe lên, con phải bật dậy ghi ngay kẻo sáng ra lại quên".

Theo ông Tuấn, sau nhiều lần như vậy thì ông cũng dần quen và không còn quá lo lắng nữa.

Học có định hướng rõ ràng

Ông Tuấn kể, từ nhỏ Huy đã có định hướng rõ ràng cho tương lai của mình. Theo đó, từ năm học lớp 7, Huy đã vạch ra mục tiêu sẽ thi Olympic quốc tế Toán học. Thời điểm này, Huy đang học tại Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa.

Vì năng lực nổi bật về học tập, các thầy cô tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa rất yêu mến và muốn Huy tiếp tục học cấp ba tại đây. Tuy nhiên, Huy lại chọn thi vào Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP.HCM.

Ông Tuấn cũng thắc mắc, hỏi Huy tại sao không tiếp tục học tại Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa vì đã quen trường, quen bạn, quen thầy cô... thì Huy cho biết, bằng mọi giá Huy phải vào được Trường Phổ thông Năng khiếu để có thể đi thi Olympic.

Cũng thời điểm này, Huy xin được học bổng học phổ thông và ĐH tại Singapore. Ông Tuấn cho biết, TP.HCM chỉ có 6 người xin được học bổng này. Thế nhưng, vì giấc mơ thi Olympic quốc tế, Huy đã từ chối để vào học lớp 10 tại Trường Phổ thông Năng khiếu.

"Đây là quyết định rất đúng đắn của Huy, khi mà năm lớp 11 và lớp 12, Huy liên tiếp đoạt Huy chương vàng toán quốc tế IMO", ông Tuấn chia sẻ.

Bố của thiên tài toán học Phạm Tuấn Huy: Từng sợ con bị... khùng - Ảnh 4.

Phạm Tuấn Huy và thầy Nguyễn Trọng Tuấn tại Stanford năm 2018. Ảnh: NVCC


Sau khi học xong lớp 12 tại Trường Phổ thông Năng khiếu, Huy theo học toán tại Đại học Stanford (Mỹ), và đang chuẩn bị hoàn thành chương trình tiến sỹ tại đây. Từ tháng 7/2023, Huy sẽ nghiên cứu 5 năm tại Viện Toán học Clay.

Theo ông Tuấn, ngoài thông báo tin vui với gia đình, Huy cho biết trong thời gian tới sẽ tìm trường để vừa dạy học vừa nghiên cứu khoa học. Tháng 6/2023 tới đây, dự kiến gia đình sẽ sang Mỹ để dự lễ trao bằng tiến sỹ của Huy.

Là người tham gia giảng dạy khi Huy học ở Trường Phổ thông Năng khiếu, TS Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Huy là học sinh có phong cách học rất nghiêm túc, tập trung, có phong cách giải toán rất độc đáo: đôi khi không dùng đến giấy bút mà chỉ nhẩm trong đầu. Đây là một trong những người hiếm hoi mà thầy Dũng gặp có được khả năng làm toán như vậy.

"Huy khá toàn diện chứ hoàn toàn không mọt sách. Cậu có học piano ở nhạc viện, học văn rất tốt nhưng không thích văn mẫu, trong cuộc sống sôi nổi, hòa đồng. Điểm đáng quý ở Huy là một người khiêm tốn, dù thành tích học tập rất xuất chúng", thầy Dũng nói.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Trọng Tuấn - người đã dạy trên lớp và dạy đội tuyển Huy trong ba năm phổ thông, đồng thời là chủ nhiệm của Huy năm lớp 11 cho biết, cũng như các học sinh khác trong đội tuyển toán của trường, Huy rất chăm ngoan, có năng lực về toán. 

"Ngoài ra, Huy còn có khả năng sáng tạo, kiên nhẫn. Đặc biệt, theo cảm nhận của tôi, Huy là người lặng lẽ, không thích thể hiện dù đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập cũng như nghiên cứu toán học sau này", thầy Tuấn nhận xét.

Học bổng nghiên cứu viên Clay là một học bổng được Viện toán học Clay trao hằng năm, mỗi năm trao cho khoảng 2 - 3 nhà toán học. Ứng viên được xét học bổng là những người mới nhận bằng tiến sĩ, hoặc đã hoàn thành luận án của mình (sắp được nhận bằng tiến sĩ). Mỗi học bổng sẽ kéo dài tối đa 5 năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem