Nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Hỏi xem tai họa từ đâu đến, và câu trả lời là sợi dây điện của một hộ dân mắc ngang đường bất hợp pháp, nhưng nó tồn tại suốt 11 năm cho đến khi bẫy được một mạng người thì mới được ngành điện thành phố Đà Nẵng ghé mắt tới. Dây điện rơi trúng người hoặc giăng ra đường gây tai nạn không phải là chuyện hiếm. Ở nhiều địa phương trong cả nước từng xảy ra nhiều vụ dây điện oan nghiệt từ trên trời xuống trúng đầu người đi đường. Dây điện giăng như những chiếc bẫy trên đầu, cho nên cái chết rình rập con người từng ngày từng giờ.
Hố công trình, cọc tiêu bên đường đều là những chiếc bẫy chết chóc. Nhiều vụ trẻ em rơi xuống hồ nước chết đuối, người đi đường vướng nắp hố ga văng ra đường chết, có người đụng cọc tiêu bê tông té bị tai nạn. Điển hình như vụ người phụ nữ chở con gái bằng xe máy đi trên Quốc lộ 51 từ Vũng Tàu về Biên Hòa, đụng cục bê tông nên hai mẹ con ngã xuống đường, ô tô sau chạy đến cán chết đứa con gái. Còn các vụ tai nạn do người rơi xuống hố ga, xe sụp hố công trình, cần cẩu làm rơi thanh bê tông xuống người đi đường xảy ra thường xuyên.
So với một vài nước có xảy ra khủng bố, bạo loạn thì nước mình rất an toàn. Nhưng ngoài vấn đề đó ra, VN có an toàn không khi mỗi năm có gần 13.000 người chết và vài chục nghìn người bị thương tật do tai nạn giao thông? Có an toàn không khi ra đường là bị nhiều loại bẫy tử thần rình rập? Có an toàn không khi phần lớn thực phẩm hàng ngày thuộc loại không đảm bảo vệ sinh? Có an toàn không khi người dân đang hít thở một bầu không khí ô nhiễm nặng?...
Phải đối diện với những sự thật đó để có biện pháp tự cứu chữa. Ví dụ như muốn triệt hết các loại bẫy tử thần thì phải xử lý bằng pháp luật những cá nhân, đơn vị gây ra tai nạn và bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân. Nếu cứ bao che dung dưỡng thì người chết vì các loại bẫy đó sẽ còn nhiều.
Chân Tâm (TP.Hồ Chí Minh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.