Giữ rừng an toàn trong nắng nóng
Năm nay cùng với lý do “bất khả kháng” về thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài, đôi khi chỉ cần một sự vô ý, bất cẩn của người dân khi thắp hương tại các khu di tích gần rừng hoặc đốt rác, đốt dọn thực bì “thiếu kiểm soát”... đều có thể làm bùng phát những đám cháy rừng lớn, gây ra những thiệt hại vô cùng lớn. Thế nhưng, điều đó đã không xảy ra tại nhiều xã, huyện của tỉnh Thanh Hóa khi chủ rừng và các lực lượng chức năng thường xuyên đấu mối, phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác quản lý phòng cháy và bảo vệ rừng.
Nằm trong vùng trọng điểm cháy rừng, nhưng trên địa bàn quản lý của Hạt Kiểm lâm Hà Trung (bao gồm 4 huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, Bỉm Sơn) lại không xảy ra vụ cháy rừng nào. Báo cáo kiểm tra công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, đoàn công tác do ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã ghi nhận và đánh giá cao huyện Hà Trung khi thời tiết nắng nóng kéo dài, thực bì dày, khô nỏ, các nguyên nhân gây cháy khó lường, xảy ra bất kỳ lúc nào, nhưng từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện Hà Trung quản lý cháy rừng không xảy ra, các vụ vi phạm được kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời.
Các lực lượng chức năng, trong đó nòng cốt là kiểm lâm đang căng mình ứng phó, chữa cháy rừng. Ảnh: P.V
Lý giải về việc “không để xảy ra cháy rừng” trên địa bàn dù nằm trong vùng trọng điểm cháy rừng, ông Nguyễn Ngọc Thảo - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hà Trung – đơn vị được giao quản lý rừng tại 4 huyện: Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, Bỉm Sơn với tổng diện tích trên 10.000ha rừng - đã nêu ra nhiều “chiêu thức” mà hạt đã tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương và chủ rừng để chủ động ứng phó một cách có hiệu quả. Với địa bàn quản lý rộng, biên chế lực lượng kiểm lâm ít chỉ có 11 người nên để quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đơn vị đã chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo huyện, xã nhiều hoạt động, giải pháp để phòng ngừa cũng như ứng trực để sẵn sàng chữa cháy.
Tại huyện Hà Trung, đơn vị đã chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo huyện chỉ đạo các xã, chủ rừng phát dọn thực bì, làm giảm vật liệu cháy được 35ha rừng gần và ven của 23 khu vực nghĩa địa, đền, chùa.
Hạt cũng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Thanh Hóa đốt trước có điều khiển được trên 115ha; phát dọn dây leo, bụi rậm, làm sạch thực bì trên diện tích được phép khai thác nhựa thông, cây phù trợ được trên 150ha... Vào thời điểm nắng nóng khô hanh, nhiệt độ từ 35 độ C trở lên, duy trì việc trực lửa rừng tại 19 điểm của Ban chỉ đạo các xã nằm tại trụ sở xã hoặc bìa rừng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn Thành - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng II tỏ ra bất ngờ khi số liệu thống kê cho thấy Thanh Hóa là tỉnh có diện tích và số vụ cháy rừng thấp so với diễn biến thời tiết nắng nóng, hạn hán gay gắt kéo dài.
“Phải nói là công tác nắm bắt thông tin, tất cả những vụ cháy, sự việc đều phát hiện kịp thời chính vì vậy mà dập tắt ngay từ đầu. Bên cạnh đó, công tác phòng, công tác chỉ đạo của các địa phương triển khai rất tốt phương châm “4 tại chỗ”, rất chủ động, sẵn sàng trong mọi tình huống, đặc biệt là công tác phối hợp giữa các lực lượng khi vụ việc xảy ra. Chính vì thế, những thiệt hại, vụ cháy rừng năm nay xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hạn chế đến mức thấp nhất, thậm chí nhiều xã, huyện không xảy ra cháy rừng”.
Đến chuyện hạn chế... cháy trong rừng nhà mình
Nhận quản lý bảo vệ và phòng chữa cháy đối với 30ha rừng đặc dụng (lim, sến), rừng phòng hộ (thông, keo), hàng ngày ông Nguyễn Văn Chương, thôn Tây Ninh, xã Hà Ninh (Hà Trung, Thanh Hóa) và gia đình thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng và làm tốt công tác đấu mối, phối hợp với chính quyền địa phương thôn, xã.
Nói về công tác phòng cháy, chữa cháy, ông Chương cho hay, gia đình luôn tích cực triển khai những phương án như: Phát trước băng cản lửa, thực hiện phương án đốt trước..., rồi tích cực thường xuyên tuần tra, kiểm tra và canh lửa rừng trong thời điểm nắng nóng, khô hạn. “Mỗi khi mình báo cáo thông tin điện thoại là các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương có mặt ngay để hỗ trợ làm tốt công tác quản lý bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng”.
1.100ha rừng đã bị cháy
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2019, ông Cao Chí Công - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – người trực tiếp đi kiểm tra cháy rừng và tập hợp số liệu để báo cáo lãnh đạo Bộ NNPTNT cho biết: “Tính đến ngày 14/10/2019, diện tích rừng bị cháy là 1.100ha, trong đó 95% là diện tích rừng trồng, hầu như không có rừng tự nhiên. Đây là việc bất khả kháng chứ không phải ai muốn để cháy rừng cả.
Đến nay, các địa phương báo cáo hiện 75% diện tích rừng bị cháy có thể khôi phục được, nó có phục hồi tốt như lúc đầu hay không thì chúng tôi phải kiểm tra lại.
Qua kiểm tra, thực sự các địa phương đã rất tích cực trong việc phòng chống, chữa cháy rừng trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, Chính phủ cũng rất quan tâm đến vấn đề này và ngày 5/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định bố trí một nguồn kinh phí cấp bách để bố trí cho công tác phòng chống, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng cấp bách. Bộ NNPTNT và 30 tỉnh được sử dụng nguồn kinh phí này trong công tác phòng chống, chữa cháy và bảo vệ rừng”.
|
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn khang trang, ông Phạm Văn Quý, thôn Ba Vai, xã Xuân Thái (Như Thanh, Thanh Hóa) - người nối nghiệp cha là công nhân lâm trường, nay đã nghỉ chế độ nhưng vẫn luôn đau đáu với câu chuyện phát triển kinh tế dưới tán rừng và cách thức làm giàu từ rừng.
Cả đời gắn rừng, ông Quý cho rằng, rừng trồng 3-4 năm keo bằng cổ chân mà chặt đi thì không bao giờ làm giàu, phát triển được. Nhưng nếu biết cách để rừng keo già, phát triển thành rừng gỗ lớn thì giá trị rất cao, người dân có thể làm giàu được.
Chẳng phải kể chuyện đâu xa, ông dẫn ngay chuyện người con trai Phạm Văn Lý trồng keo đúng mật độ, rồi bón phân, phát dọn đúng lịch trình nên cây keo phát triển rất nhanh – cây trồng 1 năm, nhưng lớn gấp đôi các hộ xung quanh.
Đến năm thứ tư, anh Lý tỉa bớt đi một lứa lấy vài ba chục tấn; năm thứ 6 anh tiếp tục tỉa khoảng 50 tấn và đến năm thứ 7 rừng keo 1ha có thể đem lại nguồn thu 150-200 triệu đồng. Với những khu rừng khai thác, phải tiến hành thu dọn thực bì, băm nát cành lá... và đốt có điều khiển. Nói chung, hạn chế cháy trong khu vực rừng nhà mình, đó là cách bảo vệ rừng tối ưu nhất”.
Ông Nguyễn Trọng Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thái cho biết, Ba Vai là 1 trong 4 thôn vừa đóng điện lưới năm 2018 nên việc phát triển lâm nghiệp bằng cơ giới hóa hoặc điện lưới tưới gặp nhiều khó khăn. Mô hình trồng rừng của gia đình bố con ông Quý là một trong những điển hình của xã. Tuy vậy, cả xã chỉ có khoảng
200ha rừng trồng, phần lớn diện tích đất lâm nghiệp của xã là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Cùng với UBND xã, trên địa bàn có 4 chủ rừng Nhà nước quản lý trên 9.000ha rừng, đó là: Vườn quốc gia Bến En, Ban quản lý rừng phòng hộ Như Xuân, Ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Kỳ, Công ty cao su – cà phê Thanh Hóa.
Chính vì thế, công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương rất được sự quan tâm. Hàng năm UBND huyện Như Thanh mà nòng cốt là lực lượng kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm Như Thanh thường xuyên đấu mối với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn xã.
“Đặc biệt, sau khi thực hiện Chỉ thị số 13 năm 2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tình hình an ninh rừng của xã luôn luôn được giữ vững, hàng năm không có cháy rừng xảy ra trên địa bàn” – ông Thắng khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.