Vụ việc xảy ra hôm 17.3, chỉ vì bớt 50.000 đồng mà chồng đưa mua rượu để mua thức ăn cho con, người vợ đã bị chồng tưới xăng đốt chết... Theo các chuyên gia, rượu làm tăng yếu tố nguy cơ, khiến người gia trưởng càng bạo lực hơn.
Táng tận lương tâm
Nạn nhân bị chồng thiêu chết là chị Bùi Thị Khê (27 tuổi, khu phố 3, phường Phú Hài, TP.Phan Thiết). 10 ngày trước, Nguyễn Đình Thành - chồng chị Khê, đưa cho vợ 100.000 đồng để đi trả tiền nợ rượu. Nhà hết gạo, con đói, chị Khê bớt 50.000 đồng để đi mua đồ ăn cho con. Khi phát hiện ra, Thành đã đánh đập, chửi bới vợ, sau đó bỏ đi nhậu.
Đến chiều tối, khi đã ngà ngà say, Thành tiếp tục về nhà đánh chửi vợ, và sẵn chai dầu hôi trong nhà, Thành tưới lên người vợ rồi châm lửa đốt. Chị Khê được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng sau 10 ngày vật lộn với sự đau đớn, chị không qua khỏi. Thành bị bắt, bỏ lại hai đứa con thơ dại không có nơi nương tựa.
Ảnh minh họa. Ảnh Internet
Rượu chỉ làm tăng nguy cơ bạo lực gia đình chứ không phải nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình”.
Bà Hoàng Tú Anh
|
Thời gian gần đây, các vụ án có “hơi men” liên tục xảy ra. Đáng nói, kẻ thủ ác lại là chồng, là cha. Cụ thể ngày, 5.3, Đinh Văn Theo (38 tuổi, ngụ thôn Yên Ngựa, xã Long Sơn, huyện Minh Long, tỉnh Nghệ An) sau khi uống rượu với hàng xóm, về nhà triền miên mắng chửi vợ con. Đến 0 giờ ngày 6.3, Theo cầm dao rựa đòi chém chết vợ con. Hoảng sợ, vợ Theo chỉ kịp ôm 2 đứa con nhỏ bỏ chạy. Trong nhà còn lại đứa con lớn 8 tuổi đã bị bố chém nhiều nhát vào đầu, cổ đến chết. Theo cũng tự cứa cổ nhưng được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Trước đó, ngày 20.2, đối tượng Tòng Văn Chi (trú tại xã Bó Sinh, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) cũng say rượu, sau đó về nhà gây sự, cãi nhau với vợ mới cưới. Bực tức, Chi dùng dao nhọn đâm vợ mình nhiều nhát đến tử vong. Tại cơ quan công an, Chi thừa nhận hành vi và cho biết, do uống rượu say nên không kiềm chế được cảm xúc.
Bà Hoàng Tú Anh – Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khoẻ dân số CCIHP khẳng định, tỷ lệ người chồng gây bạo lực gia đình (BLGĐ) có sử dụng rượu và có hành vi BLGĐ lúc say rượu là rất lớn. Tuy nhiên, rượu không phải nguyên nhân gây BLGĐ. “Rượu chỉ làm tăng nguy cơ BLGĐ chứ không phải nguyên nhân gây ra BLGĐ. Đổ tội, mượn cớ vì rượu khiến BLGĐ xảy ra để trốn tránh trách nhiệm hoặc có những giải pháp can thiệp sai lầm. Tại sao người say không đánh công an, đánh sếp mà lại nhằm vào vợ con – những kẻ yếu thế thân cận quanh mình?” – bà Tú Anh phân tích.
Theo bà Tú Anh, không phải ai gây BLGĐ cũng nghiện rượu, uống rượu và gây BLGĐ sau khi say xỉn. Nhưng những người gây BLGĐ dù uống rượu hay không luôn mang tư tưởng gia trưởng, cho rằng mình là “kẻ trên”, còn vợ con là người phục tùng, người lép vế, đáng bị hành hạ, đánh đập.
Nếu họ cãi lại, chống cự hoặc có hành vi không tuân theo mình (dù sai trái) sẽ lập tức “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Khi có hơi men càng kích thích cơn bực tức vì thói gia trưởng của người gây BLGĐ, khiến họ hưng phấn, thoả mãn hơn khi đánh vợ con. Theo nghiên cứu của Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội năm 2005, hơn 60% vụ BLGĐ có “hơi men”.
Tan cửa nát nhà
Theo bà Phạm Thị Hoàng Anh – Giám đốc Tổ chức Health Canada tại Việt Nam (tổ chức chuyên làm can thiệp giảm thiểu tác hại của rượu bia, thuốc lá) trẻ em Việt Nam đang là nạn nhân của việc lạm dụng đồ uống ở người lớn. Bà Hoàng Anh dẫn nghiên cứu đã có 11,1% trẻ em bị người lớn say rượu xúc phạm, nhục mạ, mắng chửi; 6,5% trẻ em bị bỏ mặc, thiếu sự chăm sóc bảo vệ khi cha (mẹ) say xỉn; 6,1% trẻ phải chứng kiến cảnh bạo lực nghiêm trọng trong gia đình; 3,8% trẻ bị đánh đập do người lớn say xỉn; còn 13,8% trẻ em chịu ít nhất một trong 4 vấn đề trên.
Còn nghiên cứu “Thực trạng bạo lực tình dục và cách ứng phó” của Trung tâm Nghiên cứu khoa học giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), rượu là nhân tố “tiếp tay” đắc lực cho bạo lực tình dục. 43% trong tổng số 165 nạn nhân bị bạo lực tình dục cho biết, đã bị chồng bạo lực tình dục khi anh ta uống rượu. Các ông chồng đã thực hiện nhiều “chiêu trò” khủng khiếp, gây tổn thương cả thể xác và tinh thần của chị em.
Bà Nguyễn Thu Thuý – Phó Giám đốc CSAGA nhận định, rượu là nhân tố kích thích để đàn ông gây BLGĐ bộc lộ tư tưởng trọng nam khinh nữ hoặc trút bỏ sự hằn thù, giận dữ “cuộc đời” lên vợ con. Theo bà Thuý, khi chồng say rượu đánh đập, người vợ nên chạy trốn để bảo toàn tính mạng sức khoẻ. Đến khi anh ta tỉnh hãy có các giải pháp khác để khiến chồng phải thay đổi cách nhìn của mình với vợ con, để anh ta không còn thấy mình là “to nhất”, “oai nhất”, sau cùng mới là cai rượu.
Bà Tú Anh cũng nhận định, cần phải có giải pháp tổng thể giữa các bộ ngành để thay đổi quan niệm, hành vi của người Việt về rượu bia. Với tốc độ phát triển tiêu thụ rượu bia như hiện nay, chúng ta sẽ mất đi nhiều thế hệ, làm giống nòi suy thoái, làm sức lao động bị cạn kiệt, đồng thời phá huỷ nhiều gia đình.
“Rượu có liên quan đến văn hoá, đến bạo lực gia đình, y tế, giao thông… vì thế các bộ cần ngồi lại với nhau để đưa ra một giải pháp tổng thể, nhằm “giải cứu” đàn ông Việt, cũng là giải cứu cả phụ nữ, trẻ em khỏi bạo lực, bệnh tật, đói nghèo” – bà Tú Anh nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.