Những chính sách giáo dục quan trọng có hiệu lực từ tháng 5/2024
Những chính sách giáo dục quan trọng có hiệu lực từ tháng 5/2024
Anh Tuấn
Thứ năm, ngày 02/05/2024 10:49 AM (GMT+7)
4 chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 5/2024 bao gồm Quy định mới về xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú; Quy chế thi KHKT cấp quốc gia cho HS trung học; Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Giáo dục; Hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trường đại học.
Ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Giáo dục
Ngày 18/3/2024, Bộ GDĐT ban hành Thông tư 3/2024/TT-BGDĐT ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Giáo dục.
Thông tư này áp dụng đối với các bộ, cơ quan trung ương quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học, cơ sở có đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ, trường cao đẳng sư phạm, trường cao đẳng có đào tạo ngành giáo dục mầm non, trường dự bị đại học; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các sở giáo dục và đào tạo; các phòng giáo dục và đào tạo; các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học, cơ sở có đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ, các trường cao đẳng sư phạm, trường có đào tạo ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng, trường dự bị đại học.
Theo Thông tư, hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành giáo dục là tập hợp những chỉ tiêu thống kê để thu thập thông tin thống kê phục vụ công tác đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển của ngành giáo dục; đáp ứng nhu cầu trao đổi, chia sẻ thông tin thống kê giáo dục theo quy định của Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn Luật Thống kê; là căn cứ để xây dựng chế độ báo cáo thống kê ngành giáo dục.
Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành giáo dục bao gồm: Danh mục chỉ tiêu thống kê ngành Giáo dục và nội dung chỉ tiêu thống kê ngành Giáo dục.
Các nhóm chỉ tiêu thống kê ngành giáo dục bao gồm: Giáo dục mầm non (nhà trẻ và mẫu giáo); Giáo dục phổ thông (Tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông); Giáo dục thường xuyên; Giáo dục khác (Dự bị đại học; giáo dục dành cho người khuyết tật, đào tạo ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng); Giáo dục đại học; Tài chính.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 3/5, thay thế cho Thông tư số 19/2017/TT-BGDĐT ngày 28/7/2017.
Hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong trường đại học
Bộ GDĐT vừa ban hành Thông tư số 04/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm công lập.
Theo Thông tư, nguyên tắc xác định vị trí việc làm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục; bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo gắn với cơ cấu tổ chức, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng của các cơ sở giáo dục.
Đồng thời đảm bảo hiệu quả, thu gọn đầu mối, thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ viên chức và giảm chi phí ngân sách nhà nước khi xác định vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục.
Danh mục vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý
Danh mục vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong cơ sở giáo dục quy định như sau:
STT
Danh mục vị trí việc làm
I
Đại học
A
Vị trí việc làm hội đồng đại học, trường
1.
Chủ tịch hội đồng đại học
2.
Chủ tịch hội đồng trường đại học/ Chủ tịch hội đồng học viện
B
Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý
I.I
Vị trí việc làm lãnh đạo quản lý đại học
1
Giám đốc đại học
2
Phó Giám đốc đại học
I.II
Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý các tổ chức, đơn vị thành viên, thuộc và trực thuộc đại học
1
Hiệu trưởng, Viện trưởng, Giám đốc và tương đương
2
Phó Hiệu trưởng, Phó viện trưởng, Phó Giám đốc và tương đương
3
Chánh Văn phòng đại học, Trưởng ban và tương đương
4
Phó Chánh Văn phòng đại học, Phó Trưởng ban và tương đương
5
Trưởng khoa, Giám đốc trung tâm và tương đương
6
Phó Trưởng khoa, Phó Giám đốc trung tâm và tương đương
I.III
Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý các tổ chức, đơn vị cấu thành các tổ chức, đơn vị của đại học
1
Trưởng khoa, Viện trưởng, Giám đốc trung tâm, Hiệu trưởng và tương đương
2
Phó Trưởng khoa, Phó viện trưởng, Phó Giám đốc trung tâm, Phó Hiệu trưởng và tương đương
Danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành
Danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo như sau:
STT
Danh mục vị trí việc làm
Hạng chức danh nghề nghiệp
1.
Giảng viên cao cấp
Hạng I
2.
Giảng viên chính
Hạng II
3.
Giảng viên
Hạng III
4.
Trợ giảng
Hạng III
5.
Giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp
Hạng I
6.
Giảng viên cao đẳng sư phạm chính
Hạng II
7.
Giảng viên cao đẳng sư phạm
Hạng III
8.
Giảng viên thực hành chính
Hạng II
9.
Giảng viên thực hành
Hạng III
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5.
Quy định mới về xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú
Chính phủ ban hành Nghị định 35/2024/NĐ-CP với những quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú", có hiệu lực từ 25/5.
Căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của từng đối tượng, loại hình cơ sở giáo dục có tính chất tương đồng, Nghị định số 35/2024/NĐ-CP chia thành 7 nhóm đối tượng thống nhất ở cả tiêu chuẩn NGND và tiêu chuẩn NGƯT để xây dựng tiêu chuẩn theo 7 nhóm đối tượng, tạo sự mạch lạc trong văn bản cũng như sự tôn vinh của cấp học, bậc học đó và thuận lợi cho các cơ sở giáo dục khi triển khai thực hiện Nghị định.
Cụ thể 7 nhóm gồm: Nhà giáo, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục mầm non; Nhà giáo, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường giáo dưỡng, trường năng khiếu, trường dự bị đại học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp; Nhà giáo, cán bộ quản lý tại các trường cao đẳng, trung tâm chính trị cấp huyện, trường chính trị tỉnh, cơ sở bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ban, ngành; Nhà giáo, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục đại học, cán bộ nghiên cứu giáo dục; Cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục cấp phòng, cấp sở; Cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục cấp tổng cục, bộ, ban, ngành; Nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục đang công tác từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Quy chế thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia cho học sinh trung học
Ngày 10/4/2024, Bộ GDĐT ban hành Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT (Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT).
Quy chế này ban hành kèm Thông tư số 06/2024/TT-BGDĐT ngày 10/4/2024; có hiệu lực thi hành kể từ 27/5/2024 và thay thế Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT ngày 2/11/2012 ban hành Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia học sinh THCS, THPT và Thông tư số 32/2017/TT-BGDĐT ngày 19/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia học sinh THCS, THPT ban hành kèm theo Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT.
Theo Quy chế, nội dung thi là kết quả thực hiện dự án nghiên cứu khoa học, kĩ thuật của học sinh thuộc 22 lĩnh vực: Khoa học động vật; Khoa học xã hội và hành vi; Hóa Sinh; Y sinh và khoa học sức khỏe; Kĩ thuật y sinh; Sinh học tế bào và phân tử; Hóa học; Sinh học trên máy tính và Sinh - Tin; Khoa học trái đất và môi trường; Hệ thống nhúng; Năng lượng: Hóa học; Năng lượng: Vật lí; Kĩ thuật cơ khí; Kĩ thuật môi trường; Khoa học vật liệu; Toán học; Vi sinh; Vật lí và thiên văn; Khoa học thực vật; Robot và máy thông minh; Phần mềm hệ thống; Y học chuyển dịch.
Dự án dự thi có thể do 1 học sinh thực hiện gọi là dự án cá nhân hoặc do 2 học sinh thuộc cùng một cơ sở giáo dục thực hiệngọi là dự án tập thể.
Báo cáo kết quả thực hiện dự án dự thi bao gồm các nội dung cơ bản: Câu hỏi nghiên cứu (đối với dự án khoa học) hoặc vấn đề nghiên cứu (đối với dự án kĩ thuật); thiết kế và phương pháp nghiên cứu; thực hiện thu thập, phân tích và giải thích dữ liệu (đối với dự án khoa học) hoặc chế tạo và kiểm tra (đối với dự án kĩ thuật).
Mỗi Sở GDĐT được đăng ký tối đa 3 dự án dự thi (quy định cũ là 2). Riêng Sở GDĐT Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị được đăng ký tối đa 6 dự án dự thi trong khi quy định cũ là 4 dự án.
Đối với các đơn vị dự thi là trường trực thuộc Bộ GDĐT, đại học, trường đại học, viện, học viện, mỗi đơn vị được đăng ký tối đa 2 dự án dự thi; đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi được đăng ký tối đa 6 dự án dự thi. Riêng đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi là Sở GDĐT Hà Nội hoặc Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị được đăng ký tối đa 12 dự án dự thi.
Tổng số giải của cuộc thi không vượt quá 60%, tăng so với trước đây, trong đó, số giải nhất không vượt quá 10% tổng số giải; số giải Nhì, giải Ba, giải Tư, mỗi loại giải không vượt quá 30% tổng số giải…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.