Ngư dân tại Bình Định quan niệm rằng cá ngừ đại dương chính là “lộc biển” mà Hoàng Sa, Trường Sa ban tặng cho họ. Đặc biệt là ở nơi còn nhiều khốn khó như mảnh đất ven biển miền Trung. Vào mùa này, hàng ngàn tàu cá lại hối hả, nối đuôi nhau ra khơi, thả câu đánh bắt ngừ đại dương. Chưa kịp vui mừng vì chuyến chuyên chở “lộc biển” về đất liền được giá, ngư dân lại vội vã chào tạm biệt gia đình, người thân để mang theo thức ăn, nước uống… lên tàu ra khơi, ăn Tết trên biển.
Cá ngừ đại dương được đưa lên thành tàu nhờ vào sợi dây thừng được kéo bằng ròng rọc.
Tại cảng cá Quy Nhơn (TP.Quy Nhơn, Bình Định), hàng chục chiếc tàu có công suất lớn đã cập cảng và bắt đầu bán cá ngừ đại dương cho thương lái. Nhiều ngư dân nhanh chóng nhảy xuống hầm chứa cá, chẳng ngại cái lạnh buốt từ hơi hầm đá bốc lên ngùn ngụt. Họ bới tung những phiến đá lớn rồi cột dây thừng vào đuôi cá, dùng ròng rọc để kéo lên. Trên tàu, 2 đến 3 ngư dân chờ khiêng cá lên bờ để thương lái cân trọng lượng rồi đưa vào xe tải, vận chuyển đi tiêu thụ. Mọi công đoạn kiểm tra, trả giá… cứ diễn ra dồn dập khiến cho không khí tại cảng cá thêm phần hối hả, khẩn trương.
Cá ngừ được đưa lên khỏi hầm đá.
Ông Trần Văn Phúc - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, cho biết: “Hiện nay, đội tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định đang dốc toàn lực khai thác chính vụ với hơn 1.170 chiếc. Giá hiện tại ổn định khoảng 98.000 đồng/kg cá ngừ đại dương, nên đa phần ngư dân có lãi lớn. Hằng năm, ngư dân Bình Định khai thác được khoảng 9.000 tấn cá ngừ đại dương tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa”.
Theo nhiều ngư dân, lâu nay phương thức đánh bắt cá ngừ đại dương truyền thống vẫn là câu tay kết hợp ánh sáng và sử dụng ngư cụ câu vàng. Hiện nay, đã xuất hiện công nghệ khai thác cá ngừ đại dương từ thiết bị bộ câu hiện đại đến từ Nhật Bản. Tuy nhiên công nghệ này chưa được áp dụng rộng rãi đối với tàu câu cá ngừ đại dương của Bình Định.
May mắn là 1 trong 25 tàu cá tại Bình Định được trang bị miễn phí bộ câu cá ngừ đến từ nước Nhật, ngư dân Nguyễn Văn Việt (chủ tàu cá BĐ 97244, 400CV), cho hay, nhờ nhận được thiết bị từ nước Nhật nên việc đánh bắt cá của ngư dân hiệu quả hơn rất nhiều và chúng tôi đặt niềm tin vào tương lai cá ngừ sẽ thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản và thế giới.
Mới đây, trao đổi với báo chí, ông Hồ Quốc Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: “Bình Định tiếp tục đưa con cá ngừ đại dương vào thị trường Nhật Bản. Hiện nay, để bảo đảm, chúng tôi đã tiếp nhận một chuyên gia của Nhật Bản là giáo sư hàng đầu về công nghệ câu cá ngừ, tình nguyện sang Bình Định. Toàn bộ JICA (Nhật Bản) tài trợ cho mình, chủ yếu mình ở đây bố trí ăn, ở thôi. Hiện tại, giáo sư đã đến đây rồi và sẽ tiến hành cầm tay chỉ việc giúp cho ngư dân Bình Định, quyết tâm đưa nhiều con cá ngừ đại dương đạt chất lượng sang Nhật Bản”.
Cẩn thận trong từng công đoạn.
Dùng thiết bị để xác định chất lượng ban đầu của thịt cá ngừ.
Lấy đá ra khỏi mang cá.
Con cá ngừ đại dương nặng gần 80 kg.
Không khí tại cảng cá nhộn nhịp, khẩn trương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.