Những điểm mới trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2023

Tào Nga Thứ sáu, ngày 03/03/2023 13:46 PM (GMT+7)
Sáng 3/3, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị tuyển sinh: Dự thảo báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh năm 2022 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2023.
Bình luận 0

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu: "Tuyển sinh luôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng năm, toàn ngành và là chủ thể quan tâm của toàn xã hội. Việc tuyển sinh đại học, cao đẳng tác động trực tiếp, hệ trọng tới trước hết gần 1 triệu học sinh lớp 12 mỗi năm và cả 2 triệu học sinh lớp 10, 11; cùng với từng đó số gia đình, chiếm ít nhất khoảng 5% dân số.

So với nhiều năm trước đây, công tác thi và tuyển sinh đã trở nên nhẹ nhàng, giảm bớt áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, ngày càng công bằng hơn, tạo cơ hội thuận lợi lựa chọn các ngành học tốt nhất cho thí sinh. Tuy nhiên, mỗi năm, bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn những sai sót, bất cập, cần phải nhìn nhận, đánh giá thấu đáo, bởi mỗi sai sót nhỏ có thể tác đông rất lớn đến toàn hệ thống.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn: "Tuyển sinh luôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng năm" - Ảnh 1.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn. Ảnh: MOET

Hội nghị hôm nay chúng ta tổ chức để thấy rõ những kết quả đạt được, những việc đã làm được, những tác động của đổi mới, bên cạnh đó cũng nhìn nhận nghiêm túc, đánh giá những vấn đề bất cập, những khó khăn, hạn chế trong toàn bộ công tác tuyển sinh, từ việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, cho tới xây dựng các phương thức tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, các hệ thống phần mềm hỗ trợ, công tác nhập học, để trên cơ sở đó tìm ra những biện pháp và thống nhất những biện pháp điều chỉnh, khắc phục, cải tiến cho hệ thống. Một khi chúng ta thống nhất được những biện pháp, những giải pháp để khắc phục, cải tiến thì chúng ta thống nhất, quán triệt hành động và tuyên truyền sâu rộng tới các học sinh, các trường THPT".

Rút kinh nghiệm từ những mặt hạn chế

TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT tổng kết công tác tuyển sinh năm 2022, về cơ bản được giữ ổn định như năm 2021 và các năm gần đây, đồng thời có một số điều chỉnh kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho thí sinh và cơ sở đào tạo.

Tuy nhiên, Bộ cũng thẳng thắn thừa nhận còn có những tồn tại, hạn chế. Về phương thức xét tuyển: Một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; Một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học. Ví dụ vẫn còn một số thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; gặp một số khó khăn trong truy nhập Hệ thống nộp lệ phí trực tuyến; Một số cơ sở đào tạo xét tuyển nhưng không báo cáo đầy đủ kết quả lên Hệ thống theo quy định; Giải quyết các vấn đề phát sinh trong xét tuyển ở một số nơi còn chưa kịp thời gây bức xúc cho thí sinh và xã hội.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn: "Tuyển sinh luôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng năm" - Ảnh 2.

TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học. Ảnh: MOET

Về xét tuyển sớm: Thí sinh phải đăng ký xét tuyển, xác nhận nhập học tại cơ sở đào tạo và trên Hệ thống, dẫn tới một số nhầm lẫn, sai sót của thí sinh; Thí sinh mới đủ điều kiện trúng tuyển tại cơ sở đào tạo nhưng không đăng ký xét tuyển trên Hệ thống; có một số trường hợp chưa đảm bảo công bằng với xét tuyển bằng kết quả thi THPT; Một số cơ sở đào tạo không báo cáo kết quả xét tuyển sớm lên Hệ thống, báo cáo không đúng thời gian quy định; gọi thí sinh nhập học khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT; chậm trễ trong việc giải quyết sai sót cho thí sinh.

Nhầm lẫn, sai sót của thí sinh về khu vực, đối tượng ưu tiên và vấn đề thí sinh tự do. Một số thí sinh, cán bộ điểm tiếp nhận chưa nắm vững quy chế, đối tượng, khu vực ưu tiên, thời gian thí sinh nộp các minh chứng để xác định ưu tiên cùng với thời gian đăng ký xét tuyển (giữa tháng 7) cũng là thời gian giáo viên nghỉ hè. Vì vậy việc kiểm tra, rà soát các minh chứng ưu tiên chưa được các điểm tiếp nhận thực hiện nghiêm túc; thí sinh tự do không tạo tài khoản trên hệ thống, không nộp minh chứng để xét tuyển cho cơ sở đào tạo, không thực hiện hết quy trình đăng ký xét tuyển, hoặc đăng ký vào các ngành/trường không đủ điều kiện sơ tuyển.

Công tác tuyển sinh của một số ngành, lĩnh vực và cơ sở đào tạo: Thống kê số liệu tuyển sinh cho thấy phần lớn cơ sở đào tạo đã tuyển được số lượng đạt tỉ lệ cao so với chỉ tiêu, bên cạnh đó cũng có một số cơ sở đào tạo tuyển sinh khó khăn, nhất là ở một số lĩnh vực và ngành đào tạo. Trong 3 năm liền, bốn lĩnh vực Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.

Các cơ sở đào tạo tuyển kém chủ yếu do một số nguyên nhân: chưa đủ uy tín, thương hiệu để hấp dẫn thí sinh, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hàng năm tăng, lĩnh vực đào tạo thí sinh ít có nhu cầu theo trào lưu xã hội, ngành đào tạo hẹp, ngành mới thí điểm đào tạo, ngành thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Một số điểm mới trong tuyển sinh năm 2023

Theo TS Nguyễn Thu Thuỷ, công tác tuyển sinh năm 2023 về cơ bản giữ ổn định, quy chế tuyển sinh 2022 tiếp tục được áp dụng, tuy nhiên cần lưu ý, năm 2023, cơ sở đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh cụ thể hoá quy chế của Bộ GDĐT; Áp dụng điểm ưu tiên có hiệu lực từ năm 2023. Điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần. Thí sinh được hưởng chính sách ƯTKV theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

Bên cạnh đó, có một số điểm cần lưu ý, một số điểm mới và giải pháp để tiếp tục cải thiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế năm 2022.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn: "Tuyển sinh luôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng năm" - Ảnh 3.

Sáng 6/3, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị tuyển sinh: Dự thảo báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh năm 2022 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2023. Ảnh: MOET

Về công tác xét tuyển sớm: Tăng cường truyền thông, hướng dẫn thí sinh. Bộ GDĐT nâng cấp Hệ thống, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh trong đăng ký xét tuyển; thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống theo mã xét tuyển/ngành; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm (nếu có).

Về quá trình xét tuyển, phương thức xét tuyển. Bộ GDĐT hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1; tiếp tục nâng cấp Hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh; tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá tình đăng ký xét tuyển, đơn giản hoá giao diện đăng ký xét tuyển; Thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống chỉ theo ngành đào tạo...

Về thông tin đăng ký của thí sinh: Để hạn chế nhầm lẫn, sai sót của thí sinh về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên và vấn đề thí sinh tự do, Sở giáo dục và đào tạo, các trường THPT tăng cường truyền thông, hướng dẫn thí sinh. Thí sinh nộp minh chứng về ĐTƯT, KVƯT tại thời điểm đăng ký dự thi, điểm tiếp nhận chịu trách nhiệm về kết quả rà soát, xác nhận ƯT cho thí sinh.

Triệt để thực hiện nguyên tắc theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành, công tác xử lý rủi ro phải được công bố trong đề án tuyển sinh; Có biện pháp khắc phục tình trạng thí sinh không đủ điều kiện sức khoẻ, không đảm bảo về lý lịch chính trị không được nhập học đối với các cơ sở đào tạo thuộc lực lượng vũ trang; cơ sở đào tạo chủ trì, chịu trách nhiệm (và phối hợp với các cơ sở đào tạo liên quan) giải quyết các rủi ro (nếu có).

Hội nghị tuyển sinh 2023. Clip: MOET

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem