Tiến sĩ Tâm lý giáo dục: "Hãy thử bước ra khỏi vùng an toàn trước khi định hướng nghề nghiệp"
Tiến sĩ Tâm lý giáo dục: "Hãy thử bước ra khỏi vùng an toàn trước khi định hướng nghề nghiệp"
Tào Nga
Thứ sáu, ngày 03/03/2023 06:09 AM (GMT+7)
Để không chọn nhầm nghề mà lại phát huy năng lực và đam mê của mình, Tiến sĩ Trương Thị Hoa, giảng viên khoa Tâm lý học giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có những chia sẻ hữu ích với các bạn học sinh trước kỳ xét tuyển đại học.
"Chỉ còn vài tháng nữa là thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học nhưng em vẫn chưa định hướng được nghề nghiệp tương lai. Em học đều tất cả các môn và không thấy mình nổi trội môn gì. Thậm chí em làm cả trắc nghiệm nghề nghiệp nhưng những nghề đưa ra em đều không thích. Vậy các em phải làm thế nào?"…
Đó là lời tâm sự của rất nhiều học sinh lớp 12 hiện nay đang đứng trước bước ngoặt lớn cuộc đời nhưng băn khoăn, lo lắng không biết chọn ngành nào, trường nào phù hợp. Không ít các em đã đặt bút lựa chọn rồi cuối cùng lại hối hận với quyết định của mình.
PV báo Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trương Thị Hoa, giảng viên khoa Tâm lý học giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để giúp học sinh hiểu được bản thân, từ đó tìm cho mình một ngành nghề đúng với đam mê và năng lực của mình.
Chọn ngành nghề: Trải nghiệm để hiểu bản thân
Chào bà. Rất nhiều học sinh đang lo lắng lựa chọn nguyện vọng vào ngành nghề nào trong kỳ tuyển sinh đại học sắp tới. Bà có lời khuyên nào đến với các em?
- Trước tiên khi muốn định hướng nghề nghiệp, các em phải tìm hiểu bản thân mình có sở thích, khả năng, năng lực học tập như thế nào. Có 5 bước lựa chọn ngành nghề phù hợp đó là: hiểu bản thân, hiểu ngành nghề, hiểu trường, trải nghiệm và lập kế hoạch.
Có tới 80% học sinh băn khoăn không biết mình thích nghề gì. Bước đầu tiên các em cần làm là hiểu bản thân. Các em cần có cơ hội trải nghiệm các ngành nghề khác nhau thông qua các hoạt động để hiểu rõ sở thích, sở trường của bản thân mình. Ví dụ, khi tham gia vào khâu tổ chức sự kiện, có em cảm thấy hứng thú với việc viết bài, em khác lại thích những công việc hậu trường. Như vậy cùng một lĩnh vực lớn nhưng mỗi học sinh lại có một thế mạnh và sở thích khác nhau. Các giờ ngoại khóa, hướng nghiệp sẽ giúp ích cho các em có thêm các thông tin trước khi quyết định. Tuy nhiên, gia đình không thể thiếu trong việc đồng hành cùng các em.
Cha mẹ là người hiểu các em nhất, biết được năng lực, sở trường của các em là gì, tài chính của gia đình đến đâu... để các em lựa chọn ngành và trường phù hợp. Các thầy cô giáo trong trường có nhiều kinh nghiệm, có phương pháp sư phạm sẽ giúp các em định hướng nghề nghiệp. Bạn nào còn cảm thấy chưa hiểu mình, thì hãy thử bước ra khỏi vùng an toàn, tham gia vào các hoạt động nhiều hơn, tập viết nhật ký khi làm những công việc đó, khi đó các em sẽ nhận ra mình phù hợp với công việc nào.
Hướng nghiệp là một quá trình từ hiểu bản thân, đến hiểu ngành nghề, hiểu về trường đào tạo, khi có cơ hội đi trải nghiệm ngành nghề, lập kế hoạch để trải nghiệm, tất cả tạo thành một vòng tròn để từ đó các em có lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất.
Vai trò của nhà trường trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh thế nào thưa bà?
- Nhà trường có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Ở các trường phổ thông các năm trước có chương trình hướng nghiệp cho học sinh, tuy nhiên để đi sâu về các kiến thức, hỗ trợ tốt nhất để các em có kết quả tối ưu nhất, nhà trường cần có các giáo viên chuyên về hướng nghiệp.
Hiện nay chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có /hoạt động trải nghiệm và trải nghiệm hướng nghiệp từ tiểu học cho đến THPT. Đây chính là cơ hội để hỗ trợ, để các em có sân chơi hướng nghiệp tốt nhất. với chương trình này, các trường phổ thông sẽ triển khai tốt, bài bản để các em học sinh có sự hưởng lợi với các hoạt động này.
Trong việc định hướng tương lai, không ít học sinh gặp khó khi sở thích, nguyện vọng của bản thân và cha mẹ khác nhau, bà có lời khuyên nào cho cả học sinh và phụ huynh nếu rơi vào tình huống này?
- Sự mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái trong lựa chọn ngành nghề khá nhiều, bởi sở thích, khả năng của con và mong muốn của bố mẹ đôi khi lệch nhau. Vậy làm thế nào để bố mẹ và con cái có sự thống nhất, đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho tương lai của con?
Trước tiên, cả các con và cha mẹ hãy cùng ngồi lại và chia sẻ nghiêm túc với nhau về vấn đề này. Các con có thể hỏi bố mẹ lý do vì sao mong muốn con vào ngành này, khi biết được lý do của bố mẹ, con cũng hãy nói về những mong muốn, sở thích và năng lực của bản thân để biết rằng có thể đáp ứng với ngành nghề đó ra sao.
Đặc biệt, các con muốn thuyết phục được bố mẹ thì cần có kế hoạch rõ ràng, với những sở thích và khả năng của bản thân, con đã tìm hiểu được những trường nào, ngành nghề nào và có kế hoạch gì trong tương lai. Về phía bố mẹ, khi lắng nghe những chia sẻ của con, nếu thấy phù hợp, nên đồng hành, ủng hộ để con có sự tự tin hơn nữa, vững chắc hơn nữa trong hành trình nghề nghiệp của mình sau này.
Chọn sai ngành: Tiếp tục hay dừng lại?
Có những sinh viên sau khi học đại học mới nhận ra rằng bản thân không phù hợp với ngành nghề đó, băn khoăn trước việc nên dừng lại hay cố gắng học để lấy tấm bằng đại học, bà nghĩ sao về điều này?
- Việc các em vào trường đại học rồi mới nhận ra không phù hợp với ngành học, môi trường là điều rất đáng tiếc. Điều này bắt nguồn từ việc ở bậc phổ thông chưa có sự định hướng ngành nghề rõ ràng, các em cũng chưa tìm hiểu kỹ để hiểu đúng về năng lực, sở thích của bản thân khi lựa chọn ngành nghề.
Chính vì thiếu đi sự định hướng nghề nghiệp mà các em lựa chọn theo cảm tính hoặc theo ý kiến gia đình, đến khi vào học mới nhận ra không phù hợp. Nhiều người vẫn khuyên rằng nên cố học, nhưng nếu tiếp tục, các em sẽ cảm thấy rất áp lực, khi đó kết quả học tập cũng sẽ giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tự tin. Những kỹ năng khác như giao tiếp cũng dần bị hạn chế, lâu dần sinh viên có thể rơi vào trình trạng stress nghiêm trọng và rất khó để học tập tiếp.
Bên cạnh đó, cũng có những sinh viên khi nhận ra sự nhầm lẫn trong chọn ngành học đã quyết định dừng một học kỳ để ôn tập và thi lại, cũng có những bạn tìm kiếm cơ hội học văn bằng 2 với những ngành nghề khác. Lúc này, các em cần nhìn nhận lại bản thân, với những sở thích, tính cách và năng lực như vậy có thể lựa chọn những ngành nghề nào. Việc tìm được niềm vui, sự yêu thích đam mê ở một ngành học khác sẽ giúp các em có hứng thú học tập hơn, sau khi ra trường cũng sẽ không lãng phí 4-5 năm học đại học và có công việc như mong muốn. Tuy nhiên, để học cùng lúc 2 ngành, các em cần có nghị lực và thực sự cố gắng, đặt ra mục tiêu rõ ràng.
Trường hợp các em muốn bỏ hẳn ngành đang theo học để lựa chọn một con đường khác, khi đó các em nên chia sẻ với gia đình để nhận được sự ủng hộ và hậu thuẫn, bản thân các em cũng cần nỗ lực để ôn thi lại và lựa chọn ngành nghề phù hợp. Việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai là một hành trình, có thể sự lựa chọn ban đầu chưa đúng, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội khác, nếu thực sự dũng cảm, hiểu về bản thân và công việc mình sẽ theo đuổi, nhất định các em sẽ có sự lựa chọn phù hợp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.