Lễ cúng ông Công ông Táo là một nét truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam. Lễ cũng rất được người dân coi trọng, bởi vậy khi làm lễ cần lưu ý, tránh phạm phải những điều cần kiêng kị
1. Nơi đặt mâm cúng ông Công ông Táo
Các gia đình có thể tiến hành lễ cúng cúng ông Công ông Táo ở trong nhà, dưới bếp tùy theo từng phong tục tập quán mỗi vùng miền. Tuy nhiên cần chú ý không được cúng trên bàn thờ chính.
Trong trường hợp không có bất kỳ bàn thờ nào, có thể lấy 1 cái bàn sạch, 1 cái mâm sạch để đồ cúng và cúng trong khu vực nhà bếp. Tuyệt đối không đặt mâm đồ lễ ở dưới đất mà phải để trên bàn cao.
2. Thời gian làm lễ cúng cúng ông Công ông Táo
Việc cúng ông Công ông Táo thường được thực hiện đúng vào ngày 23 tháng Chạp. Song, có thể cúng trước ngày đấy 1 vài ngày, thậm chí là 5-7 ngày với ngụ ý là mình sẽ báo cáo mọi việc với ông Táo, còn việc ông Táo lên chầu Trời sẽ đúng ngày 23.
Cúng lúc nào trong ngày cũng được, nhưng tốt nhất là sau 6 giờ sáng ( khi mặt trời đã lên và hoàn thành trước 12g trưa khi mặt trời chính ngọ ).
Tránh cúng vào sau 12 giờ trưa, bởi vì, sau 12 giờ trưa đã đóng cửa thiên đình. Lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng, tức là trước 12 giờ vì vậy tùy theo điều kiện thời gian, công việc của từng nhà có thể cúng ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp.
3. Người làm lễ cúng cúng ông Công ông Táo
Người làm lễ cúng ông Công ông Táo tốt nhất vẫn là chủ nhà, nhưng nếu không tiện thì bất kỳ ai có quan hệ máu mủ, sinh sống tại ngôi nhà đó, đều có thể lễ được. Tuyệt đối không nhờ bác hàng xóm, bạn bè cúng hộ.
4. Khi tiến hành làm lễ cúng ông Công ông Táo
- Khi tiến hành lễ cúng nhà cửa cũng nên gọn sạch, quần áo mặc tươm tất. Khi làm lễ nên mở cửa nhà rộng mở để có sự thông thoáng, thoát khí.
- Khi khấn, nên khấn ra thành tiếng, không to quá không lẩm nhẩm.
- Khi hoá vàng, hoá sớ đầu tiên, rồi đến quần áo, rồi đến tiền vàng, khi cời cho cháy nhanh không chọc mạnh kẻo rách đồ mã
5. Khi thả cá chép
Sau khi thực hiện lễ cúng các gia đình thường thả cá chép ra sông, hồ. Tuy nhiên, khi thả nên nhớ không nên thả từ trên cao hay ném cá xuống nước vì như thế cá sẽ chết.
Tốt nhất, gia chủ nên chọn một địa điểm mép nước ở sông, hồ và thả cá từ từ. Không nên ném cả túi nilon xuống nước tránh gây ô nhiễm môi trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.