Những điều ít biết về di động ở vùng cao

Thứ ba, ngày 20/05/2014 09:00 AM (GMT+7)
Rất nhiều người dân tộc thiểu số sống trong điều kiện thiếu thốn nước sạch, chăm sóc y tế nhưng không thể thiếu “dế” trong cuộc sống hàng ngày.
Bình luận 0
Xuống thị trấn Sapa để tham dự một lễ hội văn hoá ở sân Quần thị trấn Sapa, Giàng A Tịch (19 tuổi, người Mông, ở Xá Xa Pả) ăn mặc rất đẹp vì ít khi được tham gia một ngày hội lớn như vậy tại đây. Chàng trai người Mông biết đến lễ hội này nhờ người bạn gọi điện thông báo và phải đi bộ 5 km mới tới nơi bắt xe xuống thị trấn. Với những thanh niên vùng cao như Giàng A Tịch, điện thoại di động từ lâu đã trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống”.

img
Với người dân tộc ở vùng cao, di động là một phần tất yếu của cuộc sống hàng ngày.

Thực tế, với những người dân ở vùng cao, việc sống cách xa nhau và đi lại khó khăn khiến điện thoại di động là phương liên lạc không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là với các thanh niên. Với Giàng A Do (15 tuổi, người Mông) thì di động là cách duy nhất để cậu có thể nói chuyện với bạn gái hàng ngày khi không thể lúc nào cũng đến nhà bạn gái rủ đi chơi. Mỗi tháng, A Do tốn tới hơn 100.000 đồng cho điện thoại di động.

Chàng thanh niên người dân tộc Mông cho biết, từ khi cậu và bạn gái được tặng điện thoại, sim di động, mọi việc dường như khác hẳn khi nói chuyện với nhau mỗi ngày không còn là vấn đề lớn như trước. Và rất nhiều thanh niên người Mông khác cũng phát hiện ra điều tương tự như Giàng A Do.

Điểm giống nhau của hầu hết những người dân tộc thiểu số dùng di động ở vùng cao Sapa là đều hoà mạng Viettel. Lồ Thị Sô (24 tuổi) cho biết, ở đây người dân tộc chỉ dùng mạng Viettel thì gọi cho nhau mới rẻ và sóng tốt. “Nghe bảo vậy và cứ dùng như mọi người chứ cũng chẳng biết”, cô gái này nói. Còn Giàng A Tịch thì cho biết: “Bọn Viettel nó biết nói tiếng Mông (tổng đài giải đáp thắc mắc của khách hàng) nên hỏi gì cũng dễ chứ chỗ khác không biết, không hỏi được”.

Chị Giàng Thị Chư, 33 tuổi đã có 4 năm dùng di động tâm sự, Viettel cũng mới có nhân viên giải đáp bằng tiếng dân tộc nhưng giúp cho nhiều người dân tộc thiểu số đặc biệt là những người già dùng điện thoại dễ dàng hơn, bớt bực mình khi gặp sự cố. Với đồng bào người dân tộc thiểu số, đôi khi họ chỉ muốn hỏi về ngày khuyến mại để nạp tiền hoặc nói chuyện cho đỡ buồn nhưng không biết hỏi ai vì trước đây nhân viên tổng đài không biết tiếng người thiểu số. Cũng vì thế, việc Viettel cho ra đời tổng đài giải đáp bằng tiếng dân tộc từ năm 2013 là một sự thay đổi lớn trong cuộc sống với hàng triệu người dân vùng cao trên cả nước.

Dương Hồng Vân (người dân tộc Dao) được Viettel tuyển dụng làm nhân viên giải đáp khách hàng bằng tiếng Dao, Tày, Nùng, Thái cho biết, rất nhiều người dân tộc không biết tiếng Kinh. “Họ muốn gọi điện để hỏi tài khoản bao giờ hết hạn, lúc nào khuyến mại, hoặc đơn giản thích nói chuyện gì đó với điện thoại viên cho đỡ buồn… nhưng trước đây không có ai làm được”, Vân cho biết.

img
Dương Hồng Vân (bên phải) là người dân tộc Dao, được Viettel tuyển dụng để giải đáp thắc mắc bằng tiếng Dao, Tày, Nùng, Thái cho bà con người thiểu số.

Vừ Bá Páo (dân tộc Mông, ở Nghệ An) cũng được Viettel tuyển dụng để phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số. Anh cho biết, người dân tộc rất thích cài nhạc chờ do họ tự làm ra. Trước đây, việc tự làm nhạc chờ chỉ có những thanh niên sành công nghệ người thành phố mới làm được. Còn giờ đây cả những người dân tộc ít người ở vùng cao nghèo cũng có thể tự làm được nhờ sự hỗ trợ của những nhân viên giải đáp như Vừ Bá Páo.

Chàng thanh niên người Mông mới làm công việc giải đáp thắc mắc bằng tiếng dân tộc gần 1 năm cho biết: “Có nhiều khách hàng gọi lên bảo ngay: ‘Anh ơi đừng nghe máy nhé’. Đó là những nam thanh niên, thích nói chuyện với nhân viên tổng đài nói tiếng dân tộc là nữ…”.

Sùng A Sẩy (24 tuổi, đã dùng điện thoại di động được 6 năm) cho biết, “dế” không chỉ là phương tiện liên lạc với bạn bè mà còn đem lại cho anh những mối quan hệ thú vị khác. Rất ít dùng các dịch vụ gia tăng, chỉ nghe và gọi là chủ yếu nhưng một trong những thú vui của Sùng A Sẩy là vào Internet. Có lẽ rất nhiều người sẽ ngạc nhiên khi một thanh niên người Mông ở vùng cao nghèo của Lào Cai lại sử dụng 3G cũng như Internet rất thành thạo. Với Sùng A Sẩy, điện thoại di động không chỉ giúp anh liên lạc hay giải trí mà còn để thể hiện “một điều gì đó”.
VTC (Theo VTC)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem