Những đứa trẻ bị bỏ rơi

Phạm Trung Tuyến Thứ ba, ngày 11/10/2016 06:30 AM (GMT+7)
Những đứa trẻ bị bỏ rơi, theo những cách thức khác nhau, nhưng đều tàn nhẫn như nhau...
Bình luận 0

Tuần qua, có hai đứa trẻ đã tự kết thúc cho cuộc đời của mình vì cảm giác nhục nhã. Một đứa quyết định bỏ học khi bị buộc quay về học lớp 1 sau sáu năm đèn sách. Một đứa tự sát sau khi bị làm nhục công khai mà không có một ai bảo vệ. Đó là những đứa trẻ bị bỏ rơi, theo những cách thức khác nhau, nhưng đều tàn nhẫn như nhau.

Đứa trẻ ở Yên Bái bị những người lớn đánh đập, làm nhục, sau một va chạm với bạn học. Những tổn thương trên cơ thể do bị đánh không quá nghiêm trọng, và không phải nguyên nhân khiến nó phải chết. Nhưng nó phải quỳ gối giữa đường, cô đơn trước sự hung ác của người lớn, và tuyệt vọng khi không một ai ngăn cản những hình ảnh nhục nhã của nó được chia sẻ trên mạng. Nó chết bởi sự vô tình đến tàn nhẫn, thậm chí của chính những người đang nghĩ rằng mình làm điều tốt, khi chia sẻ những hình ảnh nhằm lên án cái ác. Đứa trẻ ấy đã chết bởi danh dự bị tổn thương.

img

Đứa bé ở Sóc Trăng đã không chọn cái chết như cậu bạn ở Yên Bái. Dù quyết định bỏ học cũng là một lựa chọn tuyệt vọng khi bị bỏ rơi, song về bản chất, câu chuyện của đứa bé ở Sóc Trăng là một bi kịch lớn, không chỉ đối với nó, mà với số phận của hàng trăm, hàng ngàn đứa trẻ khác. Nó bị bỏ rơi bởi chính những người được kỳ vọng sẽ dạy nó làm người.

Đứa bé ở Sóc Trăng không chết. Nhưng, cuộc sống của nó có lẽ sẽ còn tệ hơn cả cái chết. Sáu năm đi học, không biết một chữ nào, nó bị buộc trở về học lại từ đầu, từ lớp 1. Tôi không biết khi đưa ra quyết định ấy, những thầy cô của đứa bé có dành ra một giây nghĩ đến cảm giác của nó, về những tác động tâm lý của một đứa trẻ phải gánh chịu?

Đứa bé ở Sóc Trăng đã bị bỏ rơi trong suốt 6 năm qua, ngay từ những ngày đầu tiên bước chân tới trường. Sáu năm, mỗi năm lên một lớp, dù không biết chữ nào. Sáu năm, các thầy cô giáo đáng kính của thằng bé không một lần nghĩ đến tương lai của đứa bé. Họ đã đẩy nó lên lớp mỗi năm, như đẩy nó ra khỏi phạm vi trách nhiệm của mình. Mỗi năm, nó lại bị đẩy lên một lớp trong suốt 6 năm qua, như xóa một vết ố trong bản báo cáo thành tích năm học của thầy cô.

Cuộc phiêu lưu trong hệ thống giáo dục của thằng bé mù chữ ở Sóc Trăng đã kết thúc ở năm thứ 6. Người ta đơn giản là ra một quyết định trả nó về lớp 1, như thể đó là lỗi của nó, và nó là người duy nhất gánh chịu những tác động tiêu cực từ quyết định này. Một lần nữa thằng bé bị bỏ rơi, lần bỏ rơi cuối cùng, khiến nó quyết định bỏ học, chấm dứt hoàn toàn cuộc phiêu lưu với con chữ cùng các thầy cô.

Đứa trẻ ở Yên Bái đã chết, đứa trẻ ở Sóc Trăng bỏ học, hai đứa trẻ bị bỏ rơi theo những cách thức khác nhau. Nếu như đứa trẻ ở Yên Bái bị bỏ rơi trước sự hung ác của đồng loại thì đứa trẻ ở Sóc Trăng bị bỏ rơi bởi sự tàn nhẫn của một nền giáo dục phi nhân tính. Một nền giáo dục quan tâm đến tiêu chí đánh giá dựa trên thành tích hơn là số phận của những đứa trẻ.

Nếu như chất lượng của một ngôi trường không phải được đánh giá bằng tỉ lệ học sinh giỏi, bằng tỷ lệ lên lớp thì chắc chắn đứa trẻ đã học lại từ lớp 1 chứ không phải đến tận lớp 6 mới bị trả về. Nó sẽ không đến mức bị đả kích đến mức phải bỏ học sau khi rơi tự do từ độ cao lớp 6.

Mục đích của giáo dục là đảm bảo những đứa trẻ được học hành, được trang bị kiến thức, chứ không phải để hướng đến những tấm bằng khen của thầy cô giáo. Nhưng ở Sóc Trăng, một đứa trẻ đã bị bỏ rơi chỉ vì thành tích của các thầy cô giáo, trong suốt 6 năm trời, cho đến khi nó không còn có thể tiếp tục. Một quá trình bỏ rơi con trẻ có hệ thống, và được xem là bình thường. Điều đó, đáng để kinh sợ hơn rất nhiều so với việc đứa trẻ ở Yên Bái đã bị bỏ rơi trước sự hung ác của người đời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem