“Bà tiên” của trẻ tật nguyền
“Gia tài của tôi không có gì ngoài những con chữ. Tôi tặng chúng - những học trò khuyết tật - gia tài của mình. Nếu hỏi tôi muốn nhận quà gì nhân Ngày 20.11, thì câu trả lời là học trò của mình học hành chăm ngoan, tiến bộ, như vậy là các cháu đã tặng cho tôi niềm vui lúc tuổi già, tặng lại cho tôi một ý nghĩa sống”.
|
Thầy Lê Quốc Hưng dạy chữ cho các em học sinh nghèo. |
Đó là tâm sự của bà giáo già Đỗ Thị Thoa, 74 tuổi, ở phố Lê Lai, phường Lê Lợi (Sơn Tây, Hà Nội). 19 năm qua, ngôi nhà nhỏ của bà đã là nơi học chữ của hàng trăm trẻ tật nguyền. Hiện tại, bà đang dạy 19 học trò, tuổi từ 8 tới… 30.
Sau 30 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, năm 1991, bà Thoa nghỉ hưu, nhưng nỗi nhớ phấn trắng, bảng đen cộng thêm sự xót thương cho những đứa trẻ khuyết tật khiến bà quyết định mở lớp học tình thương. Lớp học được phép hoạt động, bà phải tới từng nhà có con em tật nguyền, vận động các em ra lớp.
Bà giáo già thủ thỉ: “Tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt khát thèm sự học của các cháu khi nhìn những bạn bè đồng trang lứa được cắp sách đến trường. Nguyện vọng duy nhất của tôi là đem lại chút niềm tin, sự hy vọng cho các cháu, giúp các cháu hòa nhập với cuộc sống”.
Lớp học của bà hiện có 6 em bị câm điếc, 3 em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, còn lại là các em bị thiểu năng trí tuệ và hội chứng down. Hoàn cảnh gia đình các em rất đáng thương, có em mất cả cha lẫn mẹ, có em phải sống với ông bà, gia cảnh nghèo khó. Mặc cảm tật nguyền và những vất vả trong cuộc sống khiến các em sống thu mình cho đến khi được là thành viên của lớp – một gia đình gồm nhiều trẻ em có hoàn cảnh giống nhau, được học chữ, làm toán, hát, múa và cả được chăm sóc yêu thương.
“Lúc mới nhập học, các cháu rất mặc cảm. Nhưng được đi học, được tiếp xúc khiến các cháu thoát ra khỏi tâm trạng mặc cảm và trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ. Nếu không vì lý do sức khỏe thì rất hiếm khi các cháu nghỉ học” – bà giáo Thoa hồ hởi. Lớp học đặc biệt này của bà Thoa được chia thành 4 nhóm theo trình độ nhận thức của mỗi em. Các em học chậm nhưng rất ngoan.
Ngày 20.11 này, trong khi các thầy cô giáo khác được nhận hoa, quà thì bà lại ngược lại, tặng hoa và quà cho các học trò tiến bộ. Chị Nguyễn Thị Lan – Hội trưởng Hội Phụ huynh của lớp học, tâm sự: “Cô không chỉ dạy chữ, rèn người, mà truyền cả yêu thương cho những số phận kém may mắn, bất hạnh”. Cuộc đời của nhà giáo ấy, đúng như 2 câu thơ bà trân trọng ghi vào bìa cuốn giáo án: “Vạn sự nhân gian như bèo bọt/ Thế gian đọng lại một chữ “tình”.
Thương trẻ nghèo gieo neo con chữ
Lớp học của thầy Lê Quốc Hưng (47 tuổi, ngụ thôn Tuân Lễ, Phước Hiệp, Tuy Phước, Bình Định) ngược lại với bà Thoa, khi thầy là người tật nguyền, còn học trò là trẻ em nghèo địa phương.
Lớp học của thầy Hưng chỉ rộng chừng 20m2, nằm dưới tán tre đầu thôn Tuân Lễ. Tuy vậy ngày nào lớp học cũng đông. Thầy Hưng cho biết: “Lớp học nhỏ nhưng nhiều hôm có đến 15 học sinh. Tôi đứng lớp đều đặn ngày 2 buổi, dạy văn hóa cho các em từ lớp 1 đến lớp 12. Vào mùa thi, tôi phải dạy thêm ca đêm”.
Chàng trai mù với ước mơ làm thầy
Chàng trai ấy tên là Nguyễn Văn Tý (sinh năm 1980, tại Quế Long, Quế Sơn, Quảng Nam), sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 4 tuổi thì căn bệnh thương hàn tai ác đã cướp đi của Tý đôi mắt. May mắn, Tý được học chữ Braile rồi học Trường Giáo dục chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng). Sau đó, Tý thi đỗ vào lớp sư phạm ngữ văn, khoa Xã hội của Trường Đại học Quảng Nam. Hiện Tý chuẩn bị tốt nghiệp ĐH. Sắp ra trường, Tý luôn tâm niệm sẽ mở lớp dạy cho trẻ em tật nguyền có hoàn cảnh như mình và hiện em đang xúc tiến để mở lớp. Tý tâm sự: “Em muốn đem những điều mình học được để truyền đạt lại cho những đứa trẻ có hoàn cảnh như em”.
Hữu Cường
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy Hưng là một học sinh xuất sắc về học lực. Với nền tảng kiến thức vững chắc, Hưng ấp ủ thi vào Đại học Y Dược để mai sau làm bác sĩ. Cuộc sống đã không mỉm cười với Hưng khi vào lớp 10, Hưng bỗng dưng bị sưng ở mắt cá chân rồi vết thương lan tỏa dần lên khắp cơ thể.
Cha mẹ bán hết những gì có giá trị trong nhà để lo thuốc thang cho Hưng nhưng bệnh ngày càng nặng thêm. “Năm học lớp 12, tôi chỉ có thể cử động được khớp cổ, đầu và 2 tay, còn lại đều bị đông cứng do bị bệnh viêm cột sống dính khớp vĩnh viễn” - thầy Hưng kể.
Không thực hiện được ước mơ đại học của mình, nhưng Hưng không mất niềm tin vào cuộc sống. Đầu óc còn minh mẫn, tay còn có thể cầm cây bút nên thầy quyết định san phẳng một góc vườn làm lớp dạy chữ cho trẻ em nghèo. Thầy cho biết, các em nhỏ trong thôn đều có hoàn cảnh khó khăn, thấy các em hiếu học nên dựng lớp học miễn phí.
Em Nguyễn Thị Bích Lê - học sinh lớp 12 Trường THPT Tuy Phước - cho biết: “Thầy Hưng dạy rất tận tình và chu đáo, ai cũng quý mến thầy”. Từ “lò” của thầy, nhiều học sinh nghèo địa phương đã vào đại học, thậm chí học cao hơn nữa.
“Thôn tôi nhiều gia đình nghèo. Nhiều học sinh vì gia cảnh phải nghỉ học giữa chừng. Tôi nghĩ đến thân phận mình mà xót xa cho các em. Vì thế tôi mở lớp dạy học này để các em nghèo được tiếp tục học tập, có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Ngày 20.11 chỉ cần lời chúc của các em là tôi đã thấy hạnh phúc” - thầy giáo tật nguyền Lê Quốc Hưng tâm sự.
Minh Thu – Nguyễn Thuấn - Tuấn Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.