Những học trò níu ánh sáng bằng cả trái tim

Thứ ba, ngày 07/09/2010 21:13 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày khai giảng muộn 6-9, hàng trăm em học sinh Trường Tiểu học chuyên biệt Tương Lai (Hải Châu, Đà Nẵng) dù không nhìn thấy chiếc khăn quàng đỏ, không nghe được tiếng trống nhưng vẫn vui niềm vui tới trường...
Bình luận 0

Những học sinh “nói” bằng tay

Thầy Nguyễn Duy Tuyên - Hiệu phó nhà trường cho biết, trường hiện có 180 học sinh chia thành 16 lớp. Ngoài lớp khiếm thính còn có các lớp tự kỷ, thiểu năng trí tuệ. Đối với các em khiếm thính, phải mất 6 năm mới hoàn thành chương trình bậc tiểu học. Còn những em chậm phát triển phải mất 10 năm.

img
Giờ học của trẻ Trường chuyên biệt Tương Lai (Đà Nẵng).

Tiếp cận với lớp Đ1B (Điếc 1B), nếu không có động tác ra hiệu của cô Nguyễn Thị Hoài Thu - Hiệu phó phụ trách bán trú của lớp thì chắc chắn 11 học sinh đang tập trung ngồi học vẽ “bức tranh ngày khai trường” sẽ không hề biết sự có mặt của chúng tôi. Các em đồng loạt đứng dậy và đồng thanh chào ngọng nghịu, gương mặt ngơ ngác, hiền lành.

Chúng tôi ấn tượng ngay với em Phan Anh Toàn Thắng. Thắng bị dị tật câm điếc nhưng em vẽ tranh, làm bưu thiếp rất đẹp, từng tham gia môn bóng bàn, điền kinh dành cho người khuyết tật. Thắng có một người em sinh đôi tên Quang, đến nay đã 17 tuổi, tuy giống nhau như hai giọt nước nhưng người em trai đang là học sinh của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền còn Thắng thì ngày ngày miệt mài với những phép tính và bài văn đơn giản.

Cô giáo Thu phiên dịch cho chúng tôi nghe tâm sự của em: “Nhiều lúc em buồn lắm, em khóc, mẹ em cũng khóc. Em muốn được đi học như bạn bè cùng trang lứa nhưng miệng em không nói được, tai em không nghe được. Chỉ có thể học ở đây thôi”.

Ngang qua những lớp học thiểu năng trí tuệ, nhiều gương mặt ngây dại nhìn chúng tôi. Đứng nép vào cạnh cửa, hễ thấy người qua lại, Mai Trinh lại vẩy vẩy chiếc khăn quàng mới mua. Gọi là cô gái vì năm nay em cũng đã 17 tuổi. Lại một lần nữa, thầy Tuyên đứng ra giải thích về hành động đó của em: “Được đeo khăn quàng mới, được mặc quần áo mới, em cảm thấy hân hoan, nhưng em không biết cách diễn đạt như một người bình thường”.

“Níu” ánh sáng bằng trái tim!

Tại một lớp học của cô trò lớp khiếm thính, điều dễ nhận thấy là không có khoảng cách giữa người dạy và người học. Cô giáo Nguyễn Hà Thu - phụ trách lớp khiếm thính 2- đứng bên góc bảng, cạnh màn hình lớn vừa dùng khẩu hình vừa ra cử chỉ đối với từng con số. 9 học sinh vừa quan sát vừa làm những phép toán đơn giản rất chăm chú. Chốc chốc cô Thu lại đến tận nơi để cầm tay học sinh hướng dẫn. Cô Thu tâm sự: “Các em học khá chậm nhưng nhìn chung, chúng thích học. Khi tôi giới thiệu ngày khai giảng, chúng thích thú ra mặt”.

Nhờ tình thương yêu của thầy cô, nhiều học sinh nơi đây đã “níu” lại được ánh sáng. Sau khi hỏng mắt trái ở tuổi lên 3, mắt phải của Minh Hằng (Hải Châu 1) cũng dần yếu theo và có nguy cơ hỏng. Tuy nhiên, gia đình không dám cho Hằng đi học vì sợ ảnh hưởng đến con mắt còn lại.

Các giáo viên đã thuyết phục bố mẹ để họ hướng dẫn cách chăm sóc mắt, tập cho cháu các cách nhìn khác nhau. Nhờ đó, thị lực của bé đã giữ được ổn định. Còn cháu Nguyễn Tuấn Kha (6 tuổi, trú phường Thanh Bình) ngay từ lúc mới sinh đã bị khuyết tật về mắt. Chỉ nhìn thấy một tia sáng nhỏ là em khóc thét. Xót con, suốt 2 năm trời, gia đình phải chăm sóc Kha trong tình trạng thiếu sáng.

Tình cờ, các giáo viên trường Tương Lai phát hiện và xin phép được chăm sóc. Qua nửa năm áp dụng phương pháp của nhà trường, đến nay, bé Kha đã vui đùa, học hành cùng bạn bè... Hi vọng năm học mới, các em sẽ nhận được nhiều tình yêu thương của cộng đồng, ngày càng tiến bộ hơn, để bù đắp lại những gì mà tạo hóa đã lấy đi của các em.

Ngày 5-9, chung quanh các trường THCS và THPT Húc Nghì (xã Húc Nghì), Pa Nang (xã Pa Nang), Đakrông 2 (Tà Rụt), Hướng Phùng (xã Hướng Phùng), A Túc (xã A Túc)... thuộc hai huyện miền núi Hướng Hoá và Đakrông (Quảng Trị) có hơn 100 em học sinh đến dựng lều để dự khai giảng và vào năm học mới. Lãnh đạo Sở GD & ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết đây là cảnh phổ biến ở các trường chưa xây dựng được chỗ ở nội trú cho các em học sinh ở xa khiến cho việc học hành của các em hết sức vất vả. ( Vĩnh Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem