Nhóm người lao ra đường nhặt 30 triệu tiền rơi của cô gái.
Ngày 29/1, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một cô gái đi xe máy đánh rơi tiền trên đường. Sau đó xuất hiện một người phụ nữ bán nước ven đường cùng một số người đi đường dừng xe lao vào tranh cướp, nhặt hết tiền dù cô gái khóc lóc van xin.
Sau khi đăng tải lên mạng xã hội, đoạn clip nhanh chóng được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, kèm hàng nghìn lượt bình luận bày tỏ phẫn nộ với hành vi của những kẻ hôi của vô lương tâm. Nhiều người tỏ ra xót thương cô gái đánh rơi tiền và mong cơ quan công an sớm vào cuộc.
Nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng những kẻ hôi của, lao vào tranh giành, nhặt hết tiền dù người đánh rơi đã van xin nhưng những kẻ vô lương tâm này vẫn không trả tiền là hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật.
"Pháp luật cũng quy định bất kỳ ai khi thấy tài sản bị bỏ quên, đánh rơi, tài sản không xác định được chủ sở hữu thì người thấy tài sản phải có trách nhiệm thông báo và giao nộp tài sản đó cho chính quyền địa phương để thông báo công khai tìm chủ sở hữu tài sản để trao trả", luật sư Đặng Văn Cường nói.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, người nhặt được tiền từ 10 triệu đồng trở lên nhưng chiếm giữ không trả lại cho chủ sở hữu sẽ bị xử lý hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, với mức phạt tiền tới 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Đồng quan điểm với luật sư Đặng Văn Cường, trả lời VTC News, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) bày tỏ phẫn nộ khi xem đoạn clip và cho rằng tình trạng đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.
"Trên thực tế nhiều trường hợp chủ tài sản, tài xế lái xe khi thấy tài sản của mình bị chiếm đoạt ngay trước mắt nhưng ngoài tầm kiểm soát và không thể ngăn cản được. Tình huống này người hôi của có thể xem là công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác. Đây không chỉ là hành vi đáng lên án về mặt đạo đức mà ở góc độ pháp lý, hành vi hôi của có thể bị xử lý về mặt hành chính hoặc hình sự", luật sư Trần Minh Cường nói.
Nói về về mức phạt với hành vi hôi của gây phẫn nộ của đám người trong đoạn clip, luật sư Trần Minh Cường cho biết, trong trường hợp giá trị tài sản chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng thì những người hôi của sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013 về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác.
Theo quy định này, người có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng.
Luật sư Trần Minh Cường cho biết thêm, người có hành vi hôi của có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác. Theo đó, người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Theo luật sư Trần Minh Cường, khung hình phạt tù cao nhất của tội danh chiếm đoạt tài sản lên tới 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.