Ngàn lẻ lý do… ăn Tết trên đường
“Quanh năm sống trong thành phố, đi làm, đi học đã chán rồi. Tết là dịp tuyệt vời để đi đổi gió, xả stress và xốc lại tinh thần cho một năm làm việc mới”, Nguyễn Thanh Mai, chủ shop thời trang Curve, Thụy Khuê tâm sự.
Năm nay đã “đầu 3 đuôi… xa hoa”, Hùng, cán bộ tin học vẫn là “hộ độc thân”. Để tránh bị “cháy mặt” vì những lời hỏi thăm, thậm chí là “trách móc” của họ hàng, Hùng chọn cách đón Tết trên đường.
Còn Minh - đàn em cùng công ty với Hùng - tận dụng lợi thế út ít, mọi việc chăm lo gia đình trong dịp Tết đã có chị gái nên cũng xách ba lô đi chơi Tết. “Năm đầu, bố mẹ cũng phản ứng. Nhưng, mình bảo, con ở nhà cũng có khác gì đâu. Bố mẹ đành thả…”. Rút kinh nghiệm, năm nay, bố mẹ chủ động hỏi thẳng: Tết này đi đâu vậy con?
Càng gần dịp Tết trên các trang web như phuot.com, ttvnol.com… lại “chíu chít” những lời kêu gọi du xuân trong dịp Tết. “Alo, alo, cần tìm người đi Lào Tết 2012…”, “Có ai đi du lịch châu Á Tết này với mình không?”… Tất nhiên, tiền hô thì hậu ủng. “Ok, thời gian đi ra sao?”, “Kế hoạch thế nào?”, “Cho mình đặt gạch với”… khiến cho nhiều bạn trẻ mới chỉ “đọc” thôi đã thấy chộn rộn…
“Hình như đã lâu rồi, mình chưa ăn Tết tại nhà” - Hưng, làm kinh doanh tại một công ty tư nhân cho biết. Đam mê du lịch đến nỗi, Hưng lên kế hoạch kiếm tiền trong một năm chỉ để “thiêu sạch trong 10 ngày phượt Tết”.
Đến nay, Hưng đã đi được trên 10 nước, gần có Singapore, Malaysia, Lào, Thái Lan… xa hơn là “lê gót” ở châu Âu với Đức, Áo, Tiệp Khắc, Ba Lan, Pháp… Tết năm ngoái, cũng thông qua một diễn đàn mạng, Hưng gia nhập đoàn đi Lào và Thái Lan. “Tết Nhâm Thìn này, mình có dự định đi Ai Cập”, Hưng nói và cho biết đã bắt đầu “tìm cạ”. Nói chung, với những chuyến “trốn Tết” xa nhà, chỉ cần 5 người là đủ để lên đường…
Với Nguyễn Minh Trung, công ty thiết bị Y tế, Tết 2010 là Tết đầu tiên đón Tết trên đường. “Thực ra, mình ấp ủ ý định “đi chào năm mới” lâu rồi. Năm 2009, mình mở topic tìm người đi Lào, “súng đã lên nòng” thì sát Tết, mấy thành viên trong đoàn bận việc, thế là giải tán”.
Lại “canh me” cho tới trước Tết 2010 nửa tháng, Trung “khai quật” topic cũ và loan báo kế hoạch đón Tết mới. Lần này, chuyến đi Lào và Thái Lan do Trung tổ chức có tới 9 người tham gia, đa phần là bạn trẻ 7x, 8x. Người ở Hà Nội, người đến từ Hải Phòng, Thái Bình… nhưng tất cả đều chung khát khao trải nghiệm những vùng đất mới. “Thương bố mẹ”, Trung đồng ý ở nhà qua ngày 30 và mồng 1 Tết. Sáng ngày mùng 2 Tết, Trung “xách ba lô” lên đường và đi một lèo tới ngày 11 âm lịch mới về lại Hà Nội…
Đi để thấy mình đang lớn
Có thể nói, càng ngày số người trẻ ưa “chủ nghĩa xê dịch” mỗi lúc một nhiều. Và thiên nhiên luôn đủ rộng lớn để thỏa mãn cơn khát “thèm đi” của dân phượt. Mừng đón năm mới, với những chuyến phượt trong nước, các bạn trẻ miền Bắc thích đến Hà Giang thăm cao nguyên đá với đỉnh Lũng Cú, với Mã Pì Lèng, với Tây Côn Lĩnh… ngắm thiếu nữ Mông xúng xính váy áo dân tộc diện Tết.
Số khác bám theo cung đường phía Tây Bắc đến Mộc Châu, đi qua Lóng Luông, Pàkò- thiên đường trên mặt đất của hoa mận, hoa đào... Đó cũng có thể là nóc nhà Đông Dương Phanxipăng với cảm giác đón giao thừa đầy kiêu hãnh ở độ cao trên 3000 m. “Máu lửa” hơn có nhóm phượt Tết xuyên từ Bắc vào Nam, tới Đà Lạt, rồi Buôn Mê Thuột, ngắm thác DrayNur, xin “ăn Tết” cùng người dân Bản Đôn bên dòng Serepok… Nếu quỹ thời gian còn thư thả họ lại ngược về miền Trung, đón Tết ở “quê võ” Bình Định hay kinh đô Huế…
Dưới “bàn chân” của dân phượt, các quốc gia đã không còn ranh giới. Trong số các nước, Trung Quốc vẫn là quốc gia được nhiều dân phượt “khao khát” vì có phong cảnh và các di tích lịch sử “tuyệt đỉnh”. Tuy nhiên, đón Tết ở Trung Quốc đòi hỏi chi phí khá cao và hơi khó nếu dân phượt không biết tiếng Trung. Thái Lan, Singapore, Mailaysia, Lào, Cămpuchia… gần gũi và chi phí rẻ hơn nên luôn là điểm hẹn của đông bạn trẻ nhất.
“Từ Hà Nội, bạn có thể nối dài cung đường đón Xuân bằng cách bay sang Singapore rồi di chuyển sang Malaysia, đến Thái Lan, vòng về Cămpuchia rồi trở về Hà Nội. Một chuyến đi “xuyên táo” như thế mất từ 10-15 ngày, chi phí khoảng 20 triệu đồng, không hề đắt cho sự trải nghiệm”-“phượt” Trung cho biết. Với những bạn “liều” và có tiềm lực mạnh hơn có thể đi châu Âu. Tuy nhiên, không khí Tết âm lịch ở Châu Âu rất nhạt nhòa, nếu không muốn nói là “không có gì”...
Mỗi chuyến đi, mình lại thấy mình lớn lên “vài phân”-Hải cho biết. Cách đây 2 năm, Hải đã làm một chuyến phượt Tết đáng nhớ đến Trung Quốc suốt từ 28 Tết đến ngày 10 âm lịch. “Đêm giao thừa mình ở Bắc Kinh. Trưa ngày mồng 1 đến Thượng Hải, ngày mồng 2 tới Hàng Châu, Tô Châu…”. Do Trung Quốc cũng đón Tết âm lịch như ở Việt Nam nên Hải có cơ hội hiểu thêm về phong tục mừng năm mới của nước bạn.
“Tết Trung Quốc lạnh kinh khủng vì tuyết rơi rất dày. Đêm giao thừa, pháo hoa sáng rực cả thành phố. Chẳng có cơ hội để cô đơn vì xung quanh có rất đông khách du lịch. Ai cũng thân thiện, cởi mở như người một nhà”. Tại Thượng Hải, Hải lại có cơ hội đón Tết với người dân ở hai khu phố Đông và khu phố Tây. Ở khu phố Tây, người dân vẫn lưu giữ phong tục Tết truyền thống, nhiều nét rất giống với Tết xưa Hà Nội.
“Trong dịp Tết, hàng quán ở Trung Quốc đều đóng cửa. Chúng tôi phải nhờ nhân viên khách sạn lo giúp bữa ăn. Mỗi ngày, họ lại mang tới một loại bánh trái đặc trưng trong dịp Tết, ngon nhất với mình là món xá xíu”, Hưng kể.
Mỗi chuyến đi, bạn sẽ có thêm một trải nghiệm thú vị, kiến thức bạn thu được sẽ giàu hơn bất kỳ một bài học lý thuyết nào- Phạm Đỗ Anh, nhân viên ngân hàng kể về chuyến ăn Tết với người dân tộc ở Sơn La.
“Chiều 30 Tết, người Mông có tục lệ dán giấy vàng vào các dụng cụ sản xuất trong nhà như dao, xẻng, cày bừa và đặt lên bàn thờ tổ tiên. Họ quan niệm những vật dụng linh thiêng này cũng phải được nghỉ ngơi trong dịp Tết. Còn người Thái thì có hẳn một lễ hội gội đầu vào chiều 30 Tết để xua đi vất vả và cầu may mắn, sức khỏe cho năm mới”.
Thanh Phương lại có kỷ niệm về Tết ở CH Séc. “Đúng ngày mồng 1 Tết, mình đang lơ ngơ ở Praha thì có cụ bà tới hỏi mình có phải người Việt Nam không? Rồi cụ ôm chầm lấy mình, xúc động nói: “Chúc mừng năm mới, con gái”. Cụ là người Việt Nam, sang đây đã được 3 năm rồi. Hai bà cháu ôm nhau, cảm động lắm. Đó là lúc mình thấm thía hai từ đồng bào thiêng liêng đến thế nào.
Tình cộng đồng muôn năm
Có thâm niên đi phượt, giờ đây, danh sách “bạn bè quốc tế” của Hưng mỗi năm một dài thêm. Những chuyến đi đã cho Hưng hiểu thật nhiều về tình người không biên giới. “Hồi đi phượt ở Đức, mình gần như mất phương hướng không biết ra khỏi ga tàu và đến khách sạn bằng lối nào. May mắn có một người bạn Đức nhiệt tình đưa mình đến tận nơi.
Rồi chuyến đón Tết năm ngoái, đi được nửa đường thì gặp một bạn Hàn Quốc. Ok, vậy là kết bạn đồng hành, thêm niềm vui nhưng cũng giúp nhau giảm bớt rủi ro”. “Hồi đón Tết ở Ấn Độ, mình bị móc túi, chỉ còn 2 USD trong người. May được một người dân Ấn cho ăn ở miễn phí trong khi chờ “tiền nhà gửi sang” - Mai kể. Đi nhiều và được giúp đỡ nhiều, vì thế, Mai luôn tự nhủ: Bây giờ, gặp một gã Tây ba lô nào mới đến Việt Nam, mình cũng sẽ giúp đỡ nhiệt tình nhất có thể.
Du lịch bụi, không chỉ là để thỏa mãn cơn khát “thèm đi” mà hơn bao giờ hết còn là dịp để bạn trẻ thể hiện ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Hoa, cô gái trẻ 19 tuổi, thì không sao quên được cái Tết năm 2009 ở Trạm Tấu, Yên Bái.
Trong khi ở thành phố, trẻ em đã quần là áo lượt đón Tết về thì ở đây, nhiều em vẫn co ro trong gió lạnh. “Những em bé da tái mét, manh áo mỏng tang, mặt mày lấm lem khiến tim mình như thắt lại…”. Ngay lập tức, cô bật máy tính và gửi thông điệp cho bạn bè: Mọi người ơi, hãy đến đây để biết rằng, Tết không phải lúc nào cũng vui…
Xuân 2012 này, các bạn trẻ lại có một chương trình đón Tết từ thiện mới với tên gọi “Phượt từ thiện: Mèo Vạc-nơi trao tặng tình yêu thương”. “Ai đã từng lên Hà Giang một lần thôi cũng không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp hùng vĩ của núi non trùng điệp, vẻ đẹp hoang sơ của cao nguyên đá. Mùa đông đang đến... chúng ta đang thấy rất lạnh rồi.
Nhưng ở trên cao nguyên đá ấy, cái lạnh của hơi núi, của gió, của sương... còn thấu xương, thấu thịt. Các em nhỏ ở nơi nghèo khó đang thiếu thốn đủ thứ. Đó là quần áo, khăn, dép, tất, sách vở... Chúng ta hãy làm một hành động để sưởi ấm những trái tim đáng yêu ấy”.
Có một câu của dân du lịch bụi là: Cứ nhập đoàn, rồi chúng ta sẽ thành anh em! Chỉ sau một cái Tết, bạn sẽ ngạc nhiên về chính bản thân mình.
Theo Phụ nữ Thủ đô
Vui lòng nhập nội dung bình luận.