Tiến Dũng
Thứ hai, ngày 25/12/2023 06:00 AM (GMT+7)
Người thủ thư đó là ông Nguyễn Thế Viên (ở xóm Ngọc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Hiện nay, mặc dù gần 100 tuổi, nhưng ông vẫn hăng say cống hiến trí tuệ và sức lực của mình cho đời.
Đầu năm 1950, chàng trai 18 tuổi Nguyễn Thế Viên tình nguyện lên đường tòng quân phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Vốn đã học xong chương trình đệ tứ, có kiến thức nên ông được phân công vào đội rà phá bom mìn. Trực tiếp trong công việc thầm lặng nhưng đầy nguy hiểm này, ông đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công cũng như chứng kiến sự anh dũng hy sinh của biết bao người. Điều đó thôi thúc ông cầm bút.
Ngày đó, những tin, bài của Nguyễn Thế Viên với bút danh Trường Sơn liên tục xuất hiện trên tờ tin của TNXP. Năm 1954, với những đóng góp của mình, ông được cử về báo Quân đội Nhân dân và được đi học ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Xong khóa học, nhà báo Viên lăn lộn hầu khắp các chiến trường, bám sát trận địa để kịp thời phản ánh, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta.
Nhớ lại quá khứ hào hùng đó, ông bồi hồi: "Bọn tôi tay máy ảnh, tay súng, bám sát trận địa vừa tác chiến vừa tác nghiệp. Ngày đó bom đạn nó vãi như trấu mà vẫn coi thường. Vui thật. Đồng nghiệp tôi nhiều người ngã xuống tay vẫn cầm chắc ống kính hướng về phía trước. Tôi bị thương rất nhiều lần. Lần lao lên chụp chiếc máy bay của địch đang bốc cháy ở sân bay Tân Sơn Nhất, tôi bị đạn bắn hỏng mắt, hai hàm bị dập và lủng bụng, phải chuyển về tuyến sau điều trị. "Thần chết" đến gặp tôi hàng chục bận mà tôi vẫn không chết. Hiện tại, trong người tôi vẫn còn 16 viên bi không thể lấy ra được. Đành phải sống chung với nó thôi".
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, với thành tích của mình, ông được tặng thưởng 8 huân chương chiến công các hạng và nhiều giải thưởng báo chí. Sau khi vết thương bình phục, ông lại tiếp tục phục vụ cho báo Quân đội Nhân dân đến năm 1986 thì nghỉ hưu.
Ông trở về quê hương, bố mẹ đã mất, người em thứ hai đã hy sinh ở chiến trường, chỉ còn vợ chồng người em thứ 3 bị tàn tật và một đàn con. Nhìn ngôi nhà tranh xiêu vẹo và hoàn cảnh nghèo khó của người em ông không cầm lòng được, nhưng biết giúp gì bây giờ. Nhiều đêm trằn trọc ông nghĩ cách tìm lối làm kinh tế.
Nhìn thấy vùng đất hoang và con suối Gâm ở vùng núi Ngọc Thành, ông làm đơn xin xã lên vùng rừng đó lập nghiệp. Xã đồng ý ngay nhưng nhiều người vẫn ái ngại cho ông tuổi già sức yếu, vùng rừng thiêng, nước độc. Làng xóm ai cũng bảo ông là hâm, là gàn nhưng ông vẫn thầm lặng lên khảo sát rồi bắt đầu cuộc trường kì chinh phục. Bạt núi mở đường, đắp đập ngăn suối gần một năm trời thì vùng đất hoang vu ấy đã trở thành một trang trại ngon lành.
Ông Viên dựng lều xử lý ao và bắt đầu thả cá, xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm và khai hoang trồng trọt. Hiện nay trang trại của ông cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và tạo việc làm cho hơn 6 nhân công với mức lương 5-10 triệu đồng/người/ tháng.
Ông Trần Văn Trung, Chủ tịch xã Hùng Thành cho biết: "Bác Viên là người làm kinh tế trang trại giỏi và là người luôn đi đầu trong hướng làm ăn mới. Không những làm giàu cho mình mà bác còn động viên, khuyến khích mọi người cùng làm trang trại như mình và cung cấp hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho họ. Về ươm giống tràm, bắp cải, dưa hấu, cây thuốc nam, bí xanh, bác cũng là người đầu tiên làm thực nghiệm hiệu quả và phổ biến cho bà con nông dân".
Tuy làm kinh tế bận rộn nhưng ông Viên vẫn bỏ công đi sưu tầm tư liệu để viết nên tập sách "Âm vang Điện Biên". Ông tâm sự: "Ở huyện Yên Thành, có hàng trăm chiến sĩ Điện Biên, trong đó có những huyền thoại như Trần Can, Phan Tư đã được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cùng với các Anh hùng Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót… Một thế hệ làm nên Điện Biên Phủ chấn động địa cầu như thế, cần phải được ghi lại cho hậu thế. Vậy nên tôi đã ấp ủ việc này từ lâu nhưng mãi đến năm 2005 mới bắt đầu thực hiện được".
Với chiếc xe đạp cà tàng, ông rong ruổi đi hầu khắp 39 xã, thị trấn để tìm đến nhà của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa sưu tầm tư liệu. Huyện Yên Thành có hàng trăm chiến sĩ Điện Biên, nay người còn, người mất, người nằm lại chiến trường… Để đến được từng nhà, sưu tầm tư liệu, là một vấn đề hết sức khó khăn, vất vả, nhất là đối với một cụ già ngoại "thất thập cổ lai hy" như ông. Nhưng ông Viên vẫn thầm lặng bền bỉ công việc của mình.
Ông đến từng nhà đồng đội, thăm hỏi, động viên anh em kể ký ức Điện Biên rồi nghi lại. Những ai tự viết được, ông khích lệ viết. Không chỉ đi sưu tầm tư liệu ở nhà những chiến sĩ Điện Biên mà ông còn cất công đi vào Bảo tàng Quân khu 4, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các thư viện để sưu tầm tư liệu, ảnh liên quan để phục vụ cho tập sách.
Nặng lòng với đồng đội và muốn để lại cuốn sách tư liệu vô giá cho thế hệ trẻ nên ông đã ròng rã hơn 3.000 ngày, bất kể trời mưa hay nắng, bất kể những vết thương khi trái gió trở trời đau nhức nhối, ông vẫn đạp xe đi làm.
Khi "kho" tư liệu đã đầy đủ, ông lại ngồi viết, biên soạn hơn 3 năm trời mới xong tập sách mang tựa đề "Âm vang Điện Biên. Năm 2011 cuốn sách "Âm vang Điện Biên" dày gần 300 trang đã được nhà xuất bản Nghệ An ấn hành.
Điểm nổi bật nữa của "Âm vang Điện Biên" là các cựu binh đã gắn khí thế oai hùng của Điện Biên năm xưa với cuộc sống đời thường hôm nay. Đó là những người lính Cụ Hồ trên trận tuyến mới – làm kinh tế…
Tất cả sách xuất bản đều được đem tặng cho những cựu chiến binh Điện Biên và các trường học.
Hiến nhà làm thư viện
Giờ đây, đã hơn 93 tuổi, tóc hạc, da mồi nhưng ông Viên vẫn không cho phép mình ngơi nghỉ. Ông hăng say làm kinh tế trang trại, viết báo, làm thơ, ông sống giản dị trong ngôi nhà thờ cấp 4 nhỏ bé mà ông cha để lại.
Hội cựu chiến binh tỉnh Nghệ An đã về thăm, thấy ông sống giản dị đơn sơ nên đề xuất, giúp xây cho ông ngôi nhà tình nghĩa, nhưng ông tâm sự: "Tôi rất cảm ơn Hội cựu chiến binh tỉnh Nghệ An về ngôi nhà, nhưng tôi đã lấy ngôi nhà tình nghĩa này làm thư viện tặng cho xóm. Bây giờ tôi lại tiếp tục đi mua, sưu tầm sách về cho con em xóm núi Ngọc Thành nói riêng và xã Hùng Thành nói chung đọc sách miễn phí. Tôi vẫn luôn trăn trở về thế hệ trẻ và muốn giúp các cháu về văn hóa đọc chừng nào còn có thể".
Tủ sách của ông có hàng ngàn đầu sách gồm đủ các loại. Ông thuê thợ đóng tủ, phân loại từng loại sách để bạn đọc dễ tìm. Có người bảo "đúng là ôm rơm nặng bụng" nhưng ông không nghĩ vậy. Ông thấy mình còn minh mẫn và còn có thể tiếp tục làm được việc. Con cháu thiếu sách học, không đam mê đọc sách, không được tiếp cận kho tri thức là ông không chịu được. Ông quyết tâm sưu tầm, xây dựng tủ sách và tự bản thân đi vận động bà con, học sinh đến nhà mình đọc sách. Sau này, số độc giả tìm đến với sách ngày càng đông. Dân làng dần hiểu ra, kho tàng tri thức và sự cần thiết của sách vở với cuộc sống này quan trọng thế nào.
Ông bảo: "Ý nghĩa của cuộc đời là ở chỗ đó. Bao nhiêu cơm gạo ăn rồi cũng hết, tiền bạc bao nhiêu tiêu rồi cũng xong. Cốt là để lại chút tri thức hữu ích cho con cháu, cho bà con nông dân nghèo".
Thu Trang, học sinh một trường THCS tâm sự: "Đọc sách ở đây đã trở thành thói quen của em cùng rất nhiều bạn bè trong lớp, trong trường. Nguồn sách, báo nhiều, liên tục được bổ sung, càng đọc càng thấy say mê".
Thầy Nguyễn Hân – Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Thành nhận xét: "Nhờ thư viện của bác Viên, dân trí trong xã được nâng lên rất nhiều. Con cháu trong xã cũng chăm ngoan, học giỏi hơn".
Ông Trần Duy Thiều – Chủ tịch hội cựu chiến binh huyện Yên Thành cảm kích: "Với ông Nguyễn Thế Viên, còn chút sức lực nào, ông sẽ cống hiến hết mình cho mọi người, và cho sự phát triển của xã hội. Đó là một con người mẫu mực luôn sống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ông luôn được mọi người tin yêu, quý trọng và là tấm gương sáng, mẫu mực để thế hệ trẻ noi theo".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.