Những lá thư nơi lửa đạn

Thứ ba, ngày 12/04/2011 10:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dù nghỉ hưu đã lâu, nhưng đại tá Phạm Xuân Sinh (trú tại khối 8, phường Hà Huy Tập, TP. Vinh, Nghệ An) vẫn lưu giữ rất cẩn thận những bức thư mà vợ chồng ông viết cho nhau từ 45 năm trước.
Bình luận 0

Khi đó, ông là chiến sĩ trẻ mới vào chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị), còn bà Kim Dung (vợ ông bây giờ) mới chỉ là người yêu.

Lá thư đầu tiên vào tháng 10.1966, từ Khe Sanh, ông viết: “Em thân yêu! Từ tiền tuyến, trận địa phòng thủ của một đơn vị, anh viết thư này gửi em. Lẽ ra để lúc khác có thời gian, nhưng anh nghĩ nên tranh thủ viết ngay cho em trên mảnh đất đang rực lửa bom đạn này.

img
Một trong những bức thư ông Sinh gửi người yêu thời chiến tranh.

Mấy ngày gần đây, nơi anh đang ngồi biên thư cho em - tình hình chiến sự xảy ra rất ác liệt... Hàng ngày, từng đàn quạ sắt trút hàng chùm bom cháy, bom bi, bắn xối xả hàng trăm quả rốc két. Bọn địch từ cao điểm bên kia cũng hùa theo bắn hàng trăm quả đại bác để dọn đường cho bộ binh tiến.

Kẻ địch tưởng dùng sức mạnh sắt thép là có thể khuất phục được trái tim và lý trí của những người chiến sĩ trẻ, nhưng chúng đã lầm to. Sức mạnh sắt thép của chúng chỉ làm cho đất đá tung lên, cây cối cháy sém, trơ trụi, khét lẹt chứ không thể mảy may nào khuất phục được họ. Bởi họ là những chiến sĩ cách mạng, được trang bị bằng một thứ vũ khí tuyệt mạnh, mạnh gấp ngàn lần sắt thép...”.

Trong lá thư gửi người yêu ngày 26.3.1969, ông viết: "Đọc thư em, lòng anh thấy nao nao khó tả, một cảm giác nhớ nhung, bồn chồn như lâng lâng trỗi dậy trong anh, gợi anh nhớ lại những kỷ niệm đã qua, nhớ lại những đêm đầu hò hẹn, tâm tình nơi quê nhà yêu dấu.

Em! Có phải đến bây giờ chúng ta mới hiểu đâu, mà ngay từ những buổi đầu chúng ta cũng đã hiểu, hiểu một cách rất tự giác, cái chân lý ngàn đời không thay đổi: Tình yêu chưa thể trọn, hạnh phúc chưa thể đủ đầy khi quân thù đang còn giày xéo non sông.

Trong hoàn cảnh đó, đối với chúng ta thì "hạnh phúc" chỉ có thể trọn vẹn, đủ đầy khi mà xung quanh ta rộn vang những tiếng trống, tiếng kẻng không phải báo hiệu quân cướp biển, cướp trời, cướp đất... mà là những tiếng báo hiệu một ngày hội thanh bình, một mùa xuân trong độc lập tự do thật sự...”.

45 năm đã qua, nhưng những lá thư từ thuở ban đầu viết nơi lửa đạn vẫn được vợ chồng đại tá Phạm Xuân Sinh lưu giữ cẩn thận như là kỷ vật thiêng liêng không chỉ của cuộc chiến, mà còn là sợi dây gắn kết tình cảm của ông bà cho tới tận bây giờ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem