Những lo ngại về đề án sử dụng máy tính bảng cho học sinh Việt

Thứ tư, ngày 27/08/2014 07:38 AM (GMT+7)
Đề án trang bị máy tính bảng cho học sinh Việt gần đây làm dư luận không khỏi lo ngại về tính khả thi, gây khó khăn cho phụ huynh, giáo viên và đặc biệt là các em học sinh – chủ nhân tương lai của đất nước.
Bình luận 0

Những tin tức cập nhật gần đây trên báo chí cho thấy, học sinh các lớp từ 1 đến 3 ở thành phố Hồ Chí Minh rất có thể phải mua mỗi em một máy tính bảng để phục vụ quá trình học tập của mình.

Máy tính bảng (bảng tương tác) là công cụ giúp cho việc học tập dễ dàng hơn, không thể phủ nhận những thiết  bị này trong sự kích thích hứng thú của học sinh. Sách giáo khoa điện tử là một phần mềm được tích hợp và đưa vào máy tính bảng.

Nhưng trẻ em ở lứa tuổi từ lớp 1 tới lớp 3 là giai đoạn đang phát triển mạnh về khả năng tư duy, đặc biệt là tư duy trừu tượng. Nếu để các em dính quá nhiều vào tivi, điện thoại hay các thiết bị công nghệ hiện đại là không phù hợp.

Phụ huynh lo ngại về đề án sử dụng máy tính bảng cho học sinh Việt

Nhiều phụ huynh cho rằng Đề án sách giáo khoa điện tử mà Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM đưa ra ảnh hưởng trực tiếp đến con em mình nhưng họ không được hỏi ý kiến.

Anh Nguyễn Khắc Quân - phụ huynh có con học lớp 2 và lớp 3 tại trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (Gò Vấp) cũng bày tỏ không ít lo ngại về vấn đề này: việc mua máy tính bảng cho con không phải là chuyện khó khăn. Tuy nhiên, "Trẻ con ở lứa tuổi từ lớp 1 đến 3 còn rất mê chơi, nếu đưa máy tính bảng cho chúng chẳng khác gì sắm máy chơi game cho con. Hơn nữa đối với học sinh, việc phát triển tư duy là rất cần thiết, máy tính bảng không thể thay thế sách giáo khoa”.

Còn chị Mai Lan, có con đang là học sinh trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), tỏ ra khó gay gắt: "Việc thay thế sách giáo khoa bằng máy tính bảng ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh và túi tiền của phụ huynh nhưng chúng tôi lại không hề được hỏi ý kiến về việc này. Tôi cho rằng đây là một cách làm thiếu trách nhiệm. Chúng tôi cần phải biết những tác động từ máy tính bảng đối với con mình. Nó có hiệu quả gì, và mặt trái của nó tới đâu?".

Không chỉ các bậc cha mẹ, nhiều giáo viên cũng không khỏi băn khoăn trước đề án nghìn tỷ này của Sở Giáo dục TP.HCM.

Bà Lê Thị Ngọc Điệp - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Bỉm Khiêm (quận 1) nói: “Nội dung đề án đưa ra là tốt, song tôi không khỏi băn khoăn về các khoản tiền trang bị cho lớp học như hệ thống âm thanh, bảng viết...”.

Hiệu trưởng trường Tiểu học Chính Nghĩa (quận 5) Đinh Kim Phượng thì cho rằng, việc đưa phòng học thông minh vào sử dụng sẽ có hiệu quả tốt với học sinh. Tuy nhiên, việc giảng dạy theo cách này này có ảnh hưởng đến sức khỏe, không gian sống... của các em hay không còn chưa xác định được. Sở cần phải làm rõ những vấn đề này.

Ngoài ra, cần phải có sự tự nguyện từ phụ huynh. Việc lựa chọn mô hình, thiết bị nào cho phòng học nên để nhà trường tự tính toán nhằm phù hợp với kinh phí của mình chứ không nên cào bằng tất cả các trường với nhau.

P.V (VietQ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem