Theo sách Lịch sử văn minh thế giới, khoảng thiên niên kỷ thứ IV trước Công nguyên, người Xume ở Lưỡng Hà đã phát minh ra chữ viết, gồm hai loại là chữ tượng hình và chữ tiết hình.
Những loại văn tự đầu tiên
Với những từ chỉ nội dung phức tạp, người ta kết hợp giữa chữ tượng hình và tượng ý. Chẳng hạn, để chỉ con bò, người ta vẽ hình đầu bò. Họ sẽ thêm vào một chiếc lá cây lên đầu con bò nếu muốn diễn đạt “con bò rừng”.
Tuy nhiên, loại chữ tượng hình và tượng ý này cũng không thể diễn đạt hết các từ. Cùng với loại chữ biểu đạt ý, người ta còn phát minh chữ hài thanh để biểu thị các âm từ.
Người Lưỡng Hà cổ đại đã sáng tạo ra hàng trăm phù hiệu để biểu thị âm tiết và có cả chữ cái để biểu thị nguyên âm. Mặc dù có dấu hiệu âm tiết, họ vẫn dùng nhiều ký hiệu tượng hình kết hợp tượng ý. Thậm chí, một từ vừa có yếu tố âm tiết, vừa có yếu tố tượng hình.
Chữ tiết hình của người Lưỡng Hà dù được dùng trong thời gian rất lâu, cuối cùng cũng đã trở thành “chữ chết”. Mãi đến nửa đầu thế kỷ XIX, một học giả người Đức tên Henry Rawlingson mới tìm tra được cách đọc loại chữ này.
Bảng chữ cái Hy Lạp.
Từ 5.000 năm trước, người Ai Cập đã sáng tạo ra chữ tượng hình bằng cách dùng những hình vẽ đơn giản để diễn đạt từ. Để chỉ Mặt trời, người ta vẽ hình tròn rồi thêm một dấu chấm ở giữa. Hình chữ nhật chia thành nhiều ô để diễn tả đồng ruộng, ba làn sóng để chỉ nước…
Phương pháp tượng hình này không đủ khả năng diễn đạt những từ có nội dung phức tạp, có tính trừu tượng cao. Để khắc phục, người Ai Cập đã kết hợp giữa phương pháp tượng hình và phương pháp tượng trưng. Ví dụ, để diễn tả con trâu, người ta vẽ hình đầu trâu, hình con chim Đà Điểu (có lông đều dài như nhau) để thể hiện sự công bằng.
Thời kỳ này, người Ai Cập đã biết sử dụng da, vải và giấy Papyrus để viết chữ. Đây là loại cây tương tự cây sậy, mọc rất nhiều ở bờ sông Nile. Ngoài ra, văn tự cổ của người Ai Cập còn được khắc trên các mặt đá.
Chữ tượng hình của người Ai Cập rất khó đọc và khó nhớ. Sau khi Ai Cập suy vong, không ai có thể đọc được thứ chữ viết này. Đến năm 1822, một học giả người Pháp tên Champollion mới tìm ra cách để giải mã những văn tự cổ do người Ai Cập để lại.
Cùng với những nền văn minh lớn như Ai Cập, Lường Hà, Ấn Độ, người Trung Quốc cũng sớm tạo ra chữ viết cho riêng mình vào khoảng thiên niên kỷ thứ III trước Công nguyên. Thời Thương - Ân xuất hiện chữ Giáp cốt, được viết trên các mai rùa, xương thú. Đến nay, các nhà khảo cổ học phát hiện được 5.000 chữ giáp cốt này.
Thời Tây Chu, chữ viết ngày càng được cải tiến đơn giản hơn. Thời nhà Tần đã biết dùng thẻ tre để viết thành sách. Thời nhà Hán, chữ viết về cơ bản được hoàn thiện. Người Trung Quốc cũng đã phát minh ra giấy viết.
Chữ viết trên giấy Papyrus của người Ai Cập.
Sự ra đời của bảng chữ cái đầu tiên
Sự ra đời của chữ tượng hình ở Ai Cập, Lưỡng Hà hay Trung Quốc cổ đại là thành tựu văn minh lớn. Tuy nhiên, nó đòi hỏi phải có rất nhiều biểu tượng tượng trưng cho từng chữ nên viết rất phức tạp, rất ít người làm được.
Trong thiên niên kỷ thứ II trước Công nguyên, nhóm người nói tiếng Semit đã sử dụng một phần trong bộ chữ tượng hình Ai Cập để biểu đạt âm thanh của tiếng họ. Loại chữ viết nguyên thủy xuất hiện ở vùng Sinai này thường được coi là bảng chữ viết có hệ thống đầu tiên. Trong đó, những biểu tượng riêng biệt tượng trưng cho các phụ âm đơn, không có biểu tượng cho các nguyên âm.
Chữ Trung Quốc cổ đại.
Bảng chữ cái phụ âm này còn được gọi là Abjad (bảng chữ cái Ả Rập), được viết từ phải qua trái và được các thương nhân Phoenicia (ngày nay thuộc lãnh thổ Li-Băng, Syria, và Israel) truyền bá qua đường biển. Nó gồm 22 biểu tượng đơn giản, các thương nhân bình thường cũng có thể học và viết.
Đến khoảng thế kỷ VIII-VII trước Công nguyên, bảng chữ cái Phoenicia được truyền sang Hy Lạp. Tại đây, nó được trau chuốt và phát triển để ghi lại tiếng Hy Lạp. Một số ký tự Phoenicia đã được giữ lại, số khác bị bỏ đi. Tiến bộ vượt bậc nhất là việc sử dụng chữ cái để ghi lại nguyên âm.
Nhiều học giả tin rằng chính sự bổ sung này - thứ đã giúp ta đọc và phát âm chữ viết một cách chính xác - đã đánh dấu sự ra đời của bảng chữ cái “thực sự” đầu tiên.
Tiếng Hy Lạp ban đầu được viết từ phải sang trái, nhưng cuối cùng được chuyển thành xen kẽ các dòng từ phải qua trái và từ trái qua phải. Đến thế kỷ V trước Công nguyên, hướng viết chữ đã cố định theo chiều từ trái sang phải cho đến nay.
Bảng chữ cái của người Hy Lạp đã sản sinh ra nhiều bảng chữ cái khác. Những người La Mã cổ đã tiếp nhận bảng chữ cái Hy Lạp và đưa vào một số sửa đổi, bổ sung.
Từ đó, bảng chữ cái Latinh đã ra đời và được người dân các nước Tây Âu sử dụng rộng rãi. Sau đó, các chữ cái trong bảng chữ cái Tiếng Anh dựa trên bảng chữ cái La Mã.
Nguyễn Thanh Điệp (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.