Sống ở "xóm chạy thận” ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đa số là những bệnh nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, họ đều chạy thận ở Bện viện Bạch Mai
Con hẻm 121 Lê Thanh Nghị (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) 21 năm nay vẫn được mọi người gọi với cái tên quen thuộc “xóm chạy thận”. Nơi đây là mái nhà của hơn 100 bệnh nhân đang từng ngày, từng giờ chống chọi với căn bệnh suy thận.
Tồn tại nhiều năm, “xóm chạy thận” chứng kiến nhiều lớp người đến và đi, già có, trẻ có. Đến đây là không hẹn ngày về nữa vì chẳng biết sẽ “ra đi” lúc nào. Những người ở xóm đều chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Hầu hết bệnh nhân ở đây đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Cứ 3 ngày chạy lọc máu một lần, một tháng chạy 13 lần, thiếu lần nào thì sức khỏe suy kiệt, tụt huyết áp, chân tay bủn rủn.
Khu xóm có khoảng 50 phòng trọ tồi tàn, ẩm thấp. Mỗi phòng trọ chỉ khoảng 8m2 dành cho 2 người với tiền thuê khoảng 2 triệu đồng/ tháng, bao gồm cả điện nước.
"Xóm chạy thận” đã nghèo lại càng nghèo thêm vì nhiều người sức khỏe yếu dần, không lao động được
Ở xóm chạy thận đa số là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Để có tiền trang trải cho sinh hoạt và thuốc men, ai còn sức thì còn đi làm, có những người vừa rút kim truyền, lại quay quắt đi kiếm sống.
Đến “xóm chạy thận” vào một chiều (30/5), từ đầu ngõ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã nghe thấy tiếng mọi người xôn xao về vụ tai biến khi chạy thận khiến 7 người chết ở Hòa Bình, mọi người động viên nhau vui vẻ sống.
Bà Vì Thị Lành (quê Bắc Giang) ngồi nói chuyện với những người cùng cảnh ngộ ở một quán nước, bà cho biết, trong xóm này già có, trẻ có, tất cả họ đều có điểm giống nhau là đều nghèo khó và bệnh nặng.
“Cách đây một năm, tôi từng một lần chết lâm sàng, lúc đó lọc xong tôi bị tụt huyến áp, trong người hụt hẫng, môi, mắt tím hết, nhìn nhợt nhạt nhưng các bác sĩ đã kịp thời hô hấp nên tôi thoát chết”, bà Lành kể.
Nghe tin những người cùng cảnh ngộ chết ở Hòa Bình trong quá trình chạy thận, bà Hoàng Thị Tư (quê Ba Vì) đang chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bản thân bà đã có 9 năm chạy thận, nhưng chưa từng bị sốc phản vệ.
"Cuộc sống cũng khó khăn, chồng tôi bị ung thư ở cùng tôi ở trên này. Giờ mình bị bệnh như này chỉ biết phó thác cho ông trời, cứ sống vô tư, càng lo nghĩ càng ốm”, bà Tư tâm sự.
Bà Hoàng Thị Tư (Ba Bì) chạy thận ở BV Bạch Mai nhiều năm cho biết, dù mang trong mình căn bệnh khó chữa nhưng bà vẫn vui vẻ sống
Cùng chung cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Ráng (Hòa Bình) chạy thận ở đây đã 14 năm, chia sẻ: “Từ ngày còn nhỏ, tôi đã bị những cơn đau đầu, mỏi lưng bất chợt. Cuộc sống bộn bề lo toan nên bố mẹ không chú ý. Khi lớn lên, do căn bệnh này nên tôi không lấy chồng, sống trong xóm nhiều năm được mọi người chia sẻ tình cảm nên cũng tự tin hơn. Những lúc đau yếu, khó khăn có mọi người tôi cũng đỡ tủi thân”.
Bà Ráng đã chạy thận ở đây 14 năm
Dù sức khỏe yếu, nhưng nhiều thành viên trong xóm chạy thận vẫn cố gắng làm những công việc phù hợp để kiếm thêm thu nhập. Người cao tuổi thì tranh thủ những khoảng đất trống để trồng rau sạch, nuôi một vài con gà để sinh hoạt, tiết kiệm chi phí. Trong khi đó, người trẻ lại tranh thủ may vá, đi đánh giày thuê, chạy xe ôm…
Mang trong mình căn bệnh khó chữa, nhiều người lên Hà Nội chữa chạy không hẹn ngày về
Tuy cuộc sống nghèo khó nhưng họ vẫn lạc quan vào một ngày mai tươi sáng hơn.
Đêm 29.5, 1 bệnh nhân 60 tuổi đã tử vong, nâng số người tử vong khi chạy thận tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình lên 7 người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.