Bằng những kinh nghiệm và va chạm ngoài xã hội, khi xộ khám, chính những tử tù này đã khiến cho cả xã hội hoang mang bởi những kế hoạch đào tẩu khỏi nơi giam giữ không thể tưởng tượng.
10 bánh xe bật lửa và câu chuyện vượt ngục bất ngờ
Hai đối tượng Thân “Rau muống” và Nam “Cu chính” đã tạo ra một cuộc vượt ngục không tưởng chỉ với 10 chiếc bánh xe lửa và dao lam.
Câu chuyện vượt ngục của Nguyễn Văn Thân (Thân “Rau muống”, ở xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Tây cũ) và Nguyễn Hải Nam (Nam “Cu chính”, xóm Dân Chủ, phường Văn Miếu, Hà Nội) đến nay vẫn còn được nhiều người nhắc đến trong sự kinh ngạc.
Sự kinh ngạc ở đây được thể hiện qua những tình tiết hai tên tử tù này đã dùng những thủ đoạn hết sức tinh vi để chuẩn bị cho việc vượt ngục. Những vật dụng được các đối tượng sử dụng để phục vụ quá trình phá cùm, cưa song sắt cửa sổ hay đục tường đều khiến dư luận không thể tin được đó là sự thật.
Theo đó, Thân “Rau muống” và Nam “Cu chính” là hai tử tù giam chung trong buồng biệt giam số 3 K3 Trại Hỏa Lò mới và đều đã đào tẩu khỏi nơi này vào đêm 27 rạng sáng 28.10.2001.
Biệt danh Thân “Rau muống” xuất phát từ việc Thân có dáng cao, gầy, da đen tái, người lòng khòng nên bị gọi như vậy.
Theo hồ sơ, trong vòng 6 năm (từ năm 1992 đến năm 1998), Thân đã tham gia vào 3 vụ giết người (một ở Sơn La, một ở Hà Nội và một ở Bình Phước), trong đó có 2 vụ Thân là thủ phạm chính.
Trước những hành vi phạm tội nghiêm trọng, tháng 2.2000, TAND Hà Nội đã tuyên phạt mức án cao nhất là tử hình đối với Thân.
Thân bị đưa vào giam tại buồng biệt giam số 3 K3 Trại Hỏa Lò mới. Trong trại, mỗi buồng biệt giam được thiết kế để giam 2 phạm nhân với 2 bệ xi măng đặt song song theo chiều dài buồng giam.
Vào thời điểm trước khi vụ trốn tù này xảy ra, Trại Hỏa Lò mới thường cho 2 phạm nhân tử hình ở chung một buồng.
Nam “Cu chính” là người ở cùng Thân “Rau muống” trong cùng một buồng biệt giam. Lúc bị tuyên án, Nam mới 28 tuổi và thuộc diện có 5 tiền án.
Về diễn biến sự việc, Thân đã chuẩn bị khá nhiều dụng cụ để mài cùm và cưa cửa.
Một chiếc dũa được tạo bởi 10 bánh xe bật lửa buộc ghép lại, dao lam, mẩu gạch men vỡ có mặt dưới là xi măng cát vàng để tạo độ ma sát, một mẩu gương nhỏ để có thể nhìn thấy người đến gần buồng giam.
Sau chừng hơn 3 tháng, với bộ dụng cụ nói trên, Thân và Nam đã mài cùm vẹt đến mức có thể rút được chân ra, đã cưa được một lỗ hổng đủ chui qua ở cửa thông gió và 2 song sắt ở cửa sổ tường rào của buồng giam.
Các công cụ hỗ trợ khác cho việc vượt tường rào phía ngoài buồng biệt giam cũng được chúng chuẩn bị đầy đủ như dây thừng (được tết từ các túi nilon đồ tiếp tế), chăn chiên, sắt chữ T (được cưa ra từ chính lỗ thông hơi).
Cuối tháng 10.2001, mọi công việc chuẩn bị đã xong, hai tử tù ngồi chờ thời cơ đến là vượt ngục.
Chiều 27.10.2001, Hà Nội đột ngột chuyển gió mùa đông bắc, đến đêm thì mưa to. Chờ đến gần 2 giờ sáng, Thân và Nam mới hành động cùng mớ dụng cụ mà chúng đã chuẩn bị sẵn.
Sau khi trốn trại, hai tử tù khét tiếng đã lẩn trốn trong các tấm lá khô này để tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng.
Khoảng 5h, cả hai thoát được ra đến đường 70 thuộc xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm.
Phát hiện hai đối tượng bỏ trốn, khoảng 500 cán bộ chiến sĩ đã được huy động, 60 đầu xe chở quân được sử dụng hết công suất.
Tất cả các tuyến đường thủy, đường bộ, đường không, cửa khẩu có nghi vấn đều được kiểm soát kỹ lưỡng. Công an Hà Nội đã cố gắng đến mức cao nhất để bắt lại hai kẻ tử tù này trong thời gian ngắn nhất.
Sau 17 ngày truy nã, hai đối tượng đã bị lực lượng trinh sát bắt giữ khi đang trốn dưới hầm của bãi dâu thuộc huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc.
Tử tù và chiêu “nước chảy đá mòn”
Nguyễn Hữu Thành (biệt danh Phước “tám ngón”, SN 1971, Dĩ An, Thuận An, Sông Bé (cũ), nay là tỉnh Bình Dương) là một tử tù đã vượt ngục chỉ bằng một chiếc dao lam.
Nhắc đến Phước “tám ngón”, nhiều người không thể không nhớ đến hình ảnh một kẻ tử tù “máu lạnh”, luôn nung nấu ý định vượt ngục sau khi mang án tử.
Phước “tám ngón” đã vượt ngục thành công chỉ với một chiếc dao lam.
Phước là kẻ cầm đầu một băng cướp có vũ trang. Vào đầu năm 1991, trong vòng một tháng hoạt động, băng cướp này đã gây ra hai vụ cướp, một vụ trộm, xả súng làm một người chết, một người trọng thương.
Mặc dù bị truy quét gắt gao nhưng một năm sau, Phước “tám ngón” mới bị sa lưới pháp luật.
Ngày 24.6.1994, Phước bị Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên án tử hình về các tội Giết người, Cướp tài sản. Suốt 8 tháng bị giam giữ, Phước chưa một phút giây nào tỏ ra hối lỗi và luôn nung nấu ý định vượt ngục. Hắn đã kiên trì cắt đứt chiếc cùm chân của mình trong nhiều ngày chỉ bằng một chiếc dao lam.
Khám Chí Hòa vô cùng kiên cố, được cho là nơi đối tượng phạm tội chỉ vào chứ không thể trốn thoát nhưng đã bị khuất phục trước chiêu trò của Phước “tám ngón”.
Đêm ngày 26.3.1995, khi thời cơ đến, Phước “tám ngón” bí mật tháo cùm, chui vào nhà vệ sinh, đục tường chui ra. Tinh ranh hơn, để có thể qua mắt người gác cổng, Phước trộm quần áo của quản giáo phơi ngoài sân để cải trang rồi ung dung dắt xe đạp đi qua cổng chính trại giam.
Phước đã vượt ngục thành công và tiếp tục lún sâu vào con đường tội lỗi.
Không lâu sau, tên tội phạm này đã bị đưa trở lại trại giam và lãnh án tử hình thứ hai trong phiên xét xử tại Tòa án Nhân dân TP.HCM ngày 29.4.1996.
Nhét miếng sắt vào hậu môn để cưa cùm trốn trại
Hành động này là của Thọ “sứt”, tức Lê Văn Thọ (SN 1980, Thanh Hà, Hải Dương). Thọ đã dùng miếng sắt trên để cưa cùm, khoét tường, cùng một tử tù khác bỏ trốn khỏi Trại tạm giam T16, Bộ Công an vào đêm 10.9.2017.
Theo diễn biến vụ việc, Thọ “sứt” và Nguyễn Văn Tình (SN 1989, ở huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã âm thầm chuẩn bị cho việc vượt ngục trong thời gian khá lâu.
Thọ “sứt” và Nguyễn Văn tình đã trốn khỏi Trại tạm giam T16 bằng cả một quá trình dài chuẩn bị.
Thọ “sứt” là đối tượng có “số má” đầy mình với các tiền án về các tội Giết người, Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, đưa hối lộ, trộm cắp tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Vào tháng 5.2017, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hà Nam đã tuyên phạt Lê Văn Thọ mức án tử hình cho các tội danh Mua bán trái phép chất ma túy, Giết người và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn Tình đã có 1 tiền án về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tháng 4 vừa qua, Tình bị TAND TP.Hà Nội tuyên án tử hình vì tham gia mua bán túy.
Theo cơ quan chức năng, trong một lần chuyển trại, Thọ đã giấu được một miếng sắt nhỏ vào hậu môn rồi mang vào phòng biệt giam. Trong khoảng thời gian dài, Thọ và Tình đã cấu kết với nhau lên kế hoạch đào tẩu.
Chúng dùng miếng sắt nhỏ để cưa cùm chân, khoét tường gạch để chuẩn bị vượt ngục. Đáng chú ý, để tránh sự phát hiện của cán bộ quản giáo, sau mỗi lần khoét tường, hai đối tượng dùng cơm trộn với kem đánh răng và đất bẩn để bôi vào chỗ vừa khoét để ngụy trang.
Chính vì sự tinh vi, xảo quyệt của hai tử tù này, cán bộ trại tạm giam đã không phát hiện ra.
Khuya ngày 10.9, chúng tháo cùm, dỡ 4 viên gạch ở tường biệt giam rồi chạy tới vọng gác. Khi thấy không có người, các đối tượng trèo lên vọng gác rồi đu dây vượt qua tường bỏ trốn.
Đến ngày 17.9, sau nhiều ngày trốn chạy, cả hai đối tượng đã bị lực lượng công an bắt giữ trở lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.