Những ngôi nhà trên sóng

Đoàn Văn Mật Thứ sáu, ngày 23/02/2018 06:25 AM (GMT+7)
Câu chuyện của đứa cháu làm đơn xin nhập ngũ, một mực tình nguyện ra Trường Sa bỗng làm cho tôi nhớ biển biết nhường nào. Nhớ những ngôi nhà đang dập duềnh trên sóng, giữa bao la là biển rộng. Mùa xuân đã về gọi tên từng tổ ấm, ngay cả ở nơi nhiều lắm bão dông này, những nếp nhà vẫn vững chãi ở đây, nếp nhà lính, quây quần gia đình lính.
Bình luận 0

Mẹ gọi điện cho tôi bảo phải về quê gấp để giải quyết chuyện gia đình. Mẹ bảo: “Chú là bộ đội, về mà lo chuyện ông cháu quý tử vừa học xong lớp 12, không chịu thi đại học đang một mực làm đơn gửi lên xã, rồi gửi cả xuống huyện xin đi bộ đội. Trong đơn nó còn nguyện vọng ra Trường Sa kia kìa. Khổ lắm! Không ai cản được. Chú là bộ đội, về lựa mà khuyên nhủ cháu. Khổ lắm chứ chả phải vừa, con, cháu người ta thì đang tìm cách hoãn nhập ngũ để đi học còn cháu mình thì... Mẹ vừa nói vừa than, vừa kể vừa trách.

Tôi bảo: “Việc đi lính là một vinh dự, là thực hiện nghĩa vụ quân sự mà người trai trẻ nào cũng phải làm, có gì đâu mà trốn tránh – Nhưng nó còn đòi ra đảo thì sao. Nghe ở quê người ta kháo nhau là ngoài ấy gian khổ, vất vả và nguy hiểm lắm. Chú đã ra Trường Sa, Hoàng Sa rồi thì thấy thế nào? Tôi khẳng định với mẹ rằng đi lính thì được. Nhưng không phải cứ làm đơn là có thể được ra Trường Sa, được làm lính đảo. Ra Trường Sa là một cơ may, không phải muốn ra là ra - Thế mà mẹ tưởng…"

Những ngôi nhà trên sóng kể tôi nghe

Câu chuyện của đứa cháu làm đơn xin nhập ngũ, một mực tình nguyện ra Trường Sa bỗng làm cho tôi nhớ biển biết nhường nào. Nhớ những ngôi nhà đang dập duềnh trên sóng, giữa bao la là biển rộng. Mùa xuân đã về gọi tên từng tổ ấm, ngay cả ở nơi nhiều lắm bão dông này, những nếp nhà vẫn vững chãi ở đây, nếp nhà lính, quây quần gia đình lính.

img

Cán bộ chiến sĩ gói bánh chưng trên giàn DK1-21.  Ảnh:  Đ.V.M

Lính nhà giàn bao giờ cũng thế, dù lúc biển yên, hay trong gió bão thì vẫn lên dây cót tinh thần rằng rất có thể tàu ra thăm sẽ không cập được vào nhà giàn nên đã chuẩn bị sẵn bộ đàm, dây kéo chuyển quà: “Chiều qua trời bỗng nổi dông, nhà như nhảy xập xình trên sóng, còn chúng tôi đứng ngồi không yên. Sợ các anh đến thăm mà không vào được. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn hệ thống âm thanh qua bộ đàm để thủ trưởng và các anh em trên tàu chúc tết, chuẩn bị cả bao bố, dây thừng để chuyển quà lên nhà giàn, chuẩn bị cả tinh thần bơi ra chào tàu. Thật may…”. Lời chia sẻ của trung tá Vũ Duy Lương - chính trị viên nhà giàn DKI/16 làm cho cuộc ghé thăm lắng lại. Trên con tàu chuẩn bị ra Trường Sa cho những chuyến cuối cùng của năm Đinh Dậu này, ngoài tất cả nhu yếu phẩm phục vụ lính đảo thì sự rộn ràng hơn cả là muôn kiện hàng đón tết. Này gạo nếp, này lá dong xanh, này hũ dưa hành, khóm mai chum nụ… Tất cả cũng đầy đủ như tết ở đất liền. Tết nhà giàn vốn không nhiều hoa lá cành như trong bờ. Thường thì hoa tết cũng là hoa nhựa, cây trang trí cũng là cây nhựa. Duy có một cây thật là cây chanh. “Ở nhà giàn DKI/16 nói riêng và các nhà giàn khác lính thường lấy cây chanh để trang hoàng cho mùa xuân, đặc biệt là trong những ngày tết. Cây chanh ở đây chịu được nắng gió, dưới bàn tay nâng niu chăm sóc của người lính luôn cho ra nhiều trái. Trái sai… Nhưng chúng tôi phải giành giữ với bão cuồng nắng hạn, giành giữ với cả nỗi thèm thuồng của con người. Nhiều khi anh em lính muốn có một chút chất chua để làm gia vị cho bữa ăn mà đâu dám vặt. Ngay kể cả những khi có người bị sốt cao, thèm một cốc nước chanh tươi để giảm nhiệt trong người mà cũng không nỡ hái. Nếu hái thì ngày xuân biết lấy cây gì để thế vào, biết lấy trái gì làm mâm ngũ quả. Trung tá Vũ Duy Lương tiếp tục chia sẻ: Giữa nơi sóng gió trăm bề, nhà thì lúc nào cũng như tổ chim choi ngoi trên mặt biển. Nhưng một tinh thần, ý chí quyết tâm gìn giữ biển đảo quê hương, tinh thần chia sẻ nhiệm vụ và mọi nỗi vui, buồn trong đời sống của anh em chiến sĩ nhà giàn thì tốt lắm, chúng tôi luôn coi nhau là một gia đình”.

Đón tết ở nếp nhà trên đảo

img

Từng có 7 năm liền từng ăn tết ngoài đảo, với thượng tá Phạm Văn Lý - Tham mưu phó Lữ 146, Hải Quân thì tết đến xuân về luôn mang đến cho anh thứ cảm xúc đặc biệt nhất, da diết nhất.

Nhớ cái tết đầu tiên trên đảo Đá Lớn năm 1999, thời ấy biết bao khó khăn, điện không có phải dùng máy nổ, tivi thì lục bục, đài đóm xột xoạt lúc được lúc mất, không có điện thoại di động, tủ lạnh càng không. Thực phẩm mang từ đất liền cho anh em lính đảo trong dịp tết, to nhất là một con lợn nên khi đã tổ chức mổ lấy thịt là phải ăn dồn, ăn dập. Đảo Đá Lớn có 3 điểm đảo (Đá Lớn A, Đá Lớn B, Đá Lớn C), tựa vào nhau theo thế chân kiềng, mỗi khi thủy triều rút, dải san hô trên cụm đảo trồi lên tầng tầng như vỉa chông và những khi cần thiết anh em vẫn phải vượt đường để gặp nhau. Từ điểm đảo này tới điểm đảo kia có đi cũng phải mất nửa ngày mới sang được.

“Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Đó là tình yêu lớn mỗi người lính đang sinh sống và trên đảo. Nhưng cái gia đình nhỏ cũng luôn neo và tâm hồn họ những luyến nhớ, niềm mong và những đắp xây cho tương lai. Tôi gặp chiến sĩ Nguyễn Thái Khương trên đảo Nam Yết khi đã được đồng chí đảo phó giới thiệu. Khương được biết đến là người chiến sĩ vượt khó với nhiệm vụ nào cũng được hoàn thành. Khương bảo: “Em đi lính nghĩa vụ, được ra đảo là vinh dự lắm rồi nên mọi nhiệm vụ cũng cứ theo niềm vinh dự ấy mà hoàn thành”. Một chàng trai sức vóc, nhanh nhẹn trong công việc, vậy mà khi hỏi chuyện gia đình Nguyễn Thái Khương trở nên bẽn lẽn và thột thoạt lắm: “Em quê ở làng biển của tỉnh Ninh Thuận, nhà chỉ có ba mẹ con. Khi mẹ em có bầu, chuẩn bị sinh thì bố bỏ đi theo người đàn bà khác, bỏ mặc mẹ ròng rã mưu sinh để nuôi con. Mẹ đã cố nuôi hai chị em ăn học. Khi em đang học lớp 8, phải bỏ học giữa chừng để phụ mẹ gánh cá thuê, kiếm sống. Ngày em đi bộ đội ra đảo, mẹ vừa vui mừng vừa tong tả nước mắt. Vui vì em đã trưởng thành, buồn vì em không được đi học như chúng bạn cùng lứa, buồn nữa là mái nhà tranh dột nát lúc bão quật, dông khua, mưa dột thiếu đi bàn tay một người đàn ông. Tết đến khi nhà người đã sum vầy đông đủ thì mẹ vẫn phải quang gánh mưu sinh anh ạ. Em muốn khi hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự, sẽ trở về quê đi theo nghề đánh cá khơi xa, hay làm những công việc khác rồi xây cho mẹ một nếp nhà, để mẹ yên tâm, để mẹ bớt nhọc nhằn”. Nghe Khương kể, bỗng sự rộn rạo của mùa xuân trong tôi như lắng lại, dưới gốc cây bàng vuông vài manh chiếu đã được trải ra và lính đảo đặt lên đó những lá dong, những cân gạo nếp để gói bánh chưng mừng tết mà như gói vào trong đó muôn ngàn phong vị cùng nỗi nhớ quê nhà.

Xuân đã đến trên những nếp nhà trên sóng, đảo là nhà biển cả là quê hương. Tổ quốc vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc. Đã ngân lên trong những cuộc lên đường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem