Nhớ đảo hơn nhớ đất liền
Ngày cuối cùng của chuyến hành trình đến các điểm đảo Trường Sa, chúng tôi dừng chân ở đảo Trường Sa Lớn - nơi được cho là thành phố thu nhỏ giữa lòng đại dương.
Điều khiến đảo Trường Sa Lớn trở nên quen thuộc giống đất liền là khi đón chúng tôi, ngoài cán bộ, chiến sĩ trên đảo, còn có trẻ em của 7 hộ dân sống trên đảo. Các cháu ào ra ríu rít như chim non.
Tôi được một cô bé dẫn tới khu nhà của 7 hộ dân ở đây. 7 ngôi nhà khang trang xây cùng một khuôn mẫu với diện tích ước chừng hơn 80m2. Đặc biệt, mỗi nhà đều có khoảng vườn đằng sau để chăn nuôi và trồng rau. Vườn rau nhà nào cũng xanh tốt với giàn mướp lúc lỉu quả cùng rau muống, mồng tơi, rau dền…
Tiết mục múa giao lưu giữa các chiến sĩ đảo Trường Sa Đông và các cô gái của đoàn công tác số 5. Ảnh: Thanh Hà
Ngôi nhà chúng tôi bước vào đầu tiên là của vợ chồng anh Nguyễn Quốc Tuấn, chị Võ Thị Thu Sai cùng 2 con Nguyễn Trà My (sinh năm 2008) và Nguyễn Quốc Duy (sinh năm 2011). Anh Tuấn chia sẻ, trước khi ra đảo Trường Sa và trở thành cư dân của đảo, vợ chồng anh khá lận đận trong việc mưu sinh, lăn lộn ở TP. Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Tuấn có nghề sửa xe, sau đó anh đi bộ đội 3 năm, đóng quân ở Đăk Lăk, với chức vụ tiểu đội trưởng.
Sau khi lấy vợ, sinh con, gia đình Tuấn kéo nhau lên TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp và trải qua khá nhiều nghề khác nhau tại đây... Sau đó, như nhân duyên, cả hai vợ chồng quyết định đưa 2 con ra đảo Trường Sa sinh sống.
Quốc Tuấn bảo, ngày đầu mới ra đảo, do chưa quen với cuộc sống ở đây, chưa quen ai nên rất nhớ đất liền, liên tục gọi điện về cho ba mẹ, bất kể ngày đêm. Anh tâm sự: “Thời điểm đó, mỗi lần điện thoại về nói chuyện là tôi lại khóc. Khi thấy tôi khóc, mẹ tôi cũng khóc theo. Mẹ tôi sốc, ốm nặng phải đi bệnh viện, mất một tháng rưỡi mới khỏi. Tôi hay tin mẹ ốm, lo lắng tới mức, 4 ngày 4 đêm không ngủ”.
Hiện tại, Tuấn chia sẻ, cuộc sống đã quen và mọi việc trên đảo đã trở nên thân thuộc. Hơn nữa, cán bộ, chiến sĩ trên đảo rất tốt và thương dân. “Trung tá Đỗ Thế Tuyến - Chỉ huy đảo Trường Sa, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa quan tâm, chăm sóc tận tình từng hộ dân. Có khúc mắc hay cần điều gì, chỉ cần chia sẻ với anh Tuyến sẽ được chỉ dẫn và giúp đỡ ngay” - Tuấn nói.
Quốc Tuấn kể, sống ở đảo được vài năm rồi, kỷ niệm trên đảo rất nhiều, nhưng nhớ nhất là cái Tết năm 2016. Một cái Tết rất vui với nhiều trò chơi giữa các hộ dân và các chiến sĩ nơi đây...
Chia tay gia đình anh Tuấn, chúng tôi sang thăm gia đình anh Nguyễn Thành Hưng, vợ là Lê Thị Trúc Hà và 2 cô con gái cực kỳ dễ thương. Chị Hà chia sẻ, khi anh chị ra đảo, con gái nhỏ mới 6 tháng tuổi, nhưng cả hai không lo ngại. Ngoài đảo không khí trong lành, các cháu có sức đề kháng khá tốt, nên chưa bao giờ ốm nặng mà chỉ sổ mũi, cảm cúm lặt vặt.
Bố anh Hưng là người trong quân đội nên khi vợ chồng anh thông báo về việc ra đảo Trường Sa sinh sống, ông bà không hề ngăn cản mà để anh chị tự quyết định. Chị Hà tâm sự: “Ra đảo ở đã khá lâu nên em nhớ đảo nhiều hơn nhớ đất liền. Mỗi lần cả nhà được về phép, chỉ khoảng 3-4 ngày em lại nhớ đảo quay quắt”.
Tâm tình người chiến sĩ hải quân
Một trong những hoạt động gây xúc động và ý nghĩa trong 10 ngày công tác của chúng tôi là phần giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ hải quân trên quần đảo Trường Sa. Các ca sĩ của đoàn văn công Long An, cùng giọng ca của đoàn thanh niên, chiến sĩ hòa vào nhau khiến không khí ở đảo sôi động hơn. Tất cả đứng thành vòng tròn vỗ tay bên cây đàn ghi ta với “Nơi đảo xa”, “Đời mình là một khúc quân hành”, “Gần lắm Trường Sa”, “Tổ quốc gọi tên mình”…
Các cháu bé đạp xe, chơi đùa khi đoàn công tác số 5 đến thăm đảo. Ảnh: Thanh Hà
"Ra đảo ở đã khá lâu nên em nhớ đảo nhiều hơn nhớ đất liền. Mỗi lần cả nhà được về phép, chỉ khoảng 3-4 ngày em lại nhớ đảo quay quắt".
Chị Lê Thị Trúc Hà
|
Một giọng nữ vút lên: “Mỗi cánh thư về từ đảo xa /Anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi/Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ /Bên đồng đội yêu thương…/Không xa đâu Trường Sa ơi…vẫn gần bên và …” (Gần lắm Trường Sa). Tôi chợt hỏi chiến sĩ đứng bên cạnh: Có đúng là không xa đâu Trường Sa ơi không? Chiến sĩ cười tươi và bảo, đúng mà chị. Trường Sa luôn được cả nước hướng về nên dù nghìn trùng cũng không còn xa cách nữa.
Điều khiến tôi nghẹn lòng và xúc động là những chia sẻ chân tình nhưng cũng thật mạnh mẽ của các cán bộ, chiến sĩ đã từng công tác ở đảo Cô Lin trong cuốn lưu bút. Thiếu úy Nguyễn Văn Trường, nhân viên máy nổ trên đảo Cô Lin năm 2013 viết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng trung du xứ Nghệ, nơi quanh năm vật lộn với cái nắng khô rát của gió Lào. Ngày bé, khi cậu tôi - một chiến sĩ Hải quân về thăm nhà, tôi đã mang trong mình khát vọng được trở thành người lính biển. Rồi tôi cũng thực hiện được ước mơ ấy. Tôi đã công tác tại đảo Đá Lớn B, đảo Sơn Ca, đảo An Bang, và giờ là vùng biển thiêng Cô Lin. Tôi có những đồng đội đúng 30 Tết bố mất, một tháng sau anh trai lại mất, vì nhiệm vụ đồng chí ấy không thể về chịu tang. Thế nhưng vì sự bình yên của vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, chúng tôi vẫn sẵn sàng...”.
Thiếu úy Dương Ngọc Đức, nhân viên báo vụ đảo Cô Lin năm 2013 viết: “Từ nhỏ tôi đã ước mơ được mang trên mình bộ quân phục màu xanh nước biển của người chiến sĩ Hải quân. Giờ đây, trong vai trò đảm bảo thông tin liên lạc trên toàn đảo Cô Lin, tôi càng hiểu mình cần phải cố gắng không ngừng để hoàn thành nhiệm vụ, để xứng đáng với hy sinh của các liệt sĩ đã ngã xuống trong sự nghiệp giữ gìn chủ quyền đảo. Linh hồn những con người vĩ đại ấy hòa quyện vào biển cả của đất nước, sát cánh cùng chúng tôi giữ vững từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc”.
Giờ chia tay của đoàn công tác số 5 chúng tôi với quân, dân trên đảo Trường Sa thật sự bịn rịn và xúc động. Tất cả đứng dàn hàng vẫy tay, hát vang những ca khúc tiễn chúng tôi. Trên tàu, những giọt nước mắt đã lăn dài, một vài chị em đã không cầm được xúc động bật khóc nức nở. Một vài khuôn mặt của các anh em trong đoàn đứng lặng nhìn xuống bến cảng. Lòng tôi chùng xuống, kìm nén cảm xúc, tôi đưa máy chụp lại những gương mặt mà chỉ trước đó vài tiếng đang còn bỡ ngỡ, phải hỏi tên nhau thì giờ đây đã trở nên quen thuộc, thân thương đến kỳ lạ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.