Những người “bỏ áo nâu khoác áo lính”

Hồng Đức - Hoài Thu Thứ bảy, ngày 25/04/2015 07:01 AM (GMT+7)
Trưa ngày 30.4.1975, khi chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng qua hệ thống phát thanh, cả hai người lính nông dân miền quê Thanh Hóa là Trần Viết Cả và Đào Ngọc Vân đều có những kỷ niệm không thể quên vào giây phút lịch sử của cả dân tộc. Họ đều là những người bỏ màu áo nâu khoác lên người màu xanh áo lính, vì đất nước và dân tộc.
Bình luận 0

Nguyên là Trung đội trưởng đội trinh sát của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, nay dù đã gần tuổi "thất thập", nhưng ông Trần Viết Cả (thôn Hợp Linh, xã Quảng Hợp, Quảng Xương) - vẫn giữ được phong thái rắn rỏi của người lính năm xưa.

img
Ông Trần Viết Cả (người đội mũ tai bèo bên trái), trong buổi chứng kiến Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng (30.4.1975). ảnh chụp lại.

Ông nhớ lại: "Khoảng hơn 9 giờ ngày 30.4.1975, đơn vị trinh sát đã áp sát Đài Phát thanh Sài Gòn. Khi chúng tôi tiến vào Đài Phát thanh, lúc ấy lính ngụy chạy tán loạn vì không còn khả năng kháng cự. Khoảng hơn 10 giờ, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ và các chiến sĩ quân Giải phóng chở Tổng thống Dương Văn Minh cùng các quan chức chính quyền Sài Gòn đến Đài Phát thanh để đọc bản tuyên bố đầu hàng. Thế nhưng, lúc ấy, thiết bị của đài bị hỏng. Trong khi tất cả đang loay hoay thì một nhà báo nói rằng ông ta có biết nhà của người nhân viên trực đài. Ngay lập tức, tôi được thủ trưởng cử đi cùng nhà báo đến nhà người nhân viên đó để mời đi sửa máy nhưng người thân ngăn không cho ông ta đi. Tôi phải hứa với họ sẽ bảo toàn tính mạng cho ông ấy”...

Sau khi hệ thống Đài Phát thanh được sửa xong, đúng 11 giờ 30 phút, ông Dương Văn Minh bắt đầu đọc bản tuyên bố đầu hàng quân Giải phóng miền Nam.

Kết nối lại câu chuyện thì người chở Dương Văn Minh đi đọc bản tuyên bố đầu hàng chính là ông Đào Ngọc Vân (SN 1950, hiện ở số 28 Ngô Văn Sở, phường Ngọc Trạo, TP.Thanh Hóa) nguyên chiến sĩ đơn vị C14, E66, F304 (Đại đội 14, Trung đoàn 66- Sư đoàn 304). Nhớ lại quãng đời binh nghiệp đầy tự hào, người lính xuất thân từ nông dân hào hứng: “Tháng 3.1975, khi đơn vị tôi đánh trận ở Đại Lộc, quân địch rút lui, tháo chạy và bỏ lại chiếc xe Jeep 15770 ở hiện trường. Sau trận chiến ấy, đơn vị tôi đã thu giữ chiếc xe chiến lợi phẩm”.

Ngừng một lát, hớp chén trà, ông Vân, kể tiếp: “Đến 7 giờ sáng 30.4.1975, chiếc xe tôi lái được lệnh tiến vào xa lộ Biên Hòa, vượt cầu Sài Gòn. Qua phố Gia Long, trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ ra lệnh: “Tiến thẳng vào Dinh Độc Lập”! Khoảng hơn 10 giờ, xe tôi đến nơi. Thấy chiếc xe tăng của ta vừa húc đổ cánh cổng sắt Dinh Độc Lập, tôi dấn ga cho chiếc xe Jeep chở chỉ huy và tốp chiến sĩ E66, Sư đoàn 304 lao theo rồi đỗ ngay trước cửa một tòa nhà 4 tầng. Chúng tôi ra khỏi xe, chạy phắt lên tầng 2 tòa nhà sau đó nhận lệnh đưa một số nhân vật cao cấp của chính quyền ngụy đến Đài Phát thanh Sài Gòn. Vào lúc 11giờ 30 phút, các loa phóng thanh TP.Sài Gòn vang lên lời tuyên bố đầu hàng quân Giải phóng miền Nam của ông Dương Văn Minh”.

Lúc đó, tôi nhảy ra khỏi xe, quá mừng vui, nước mắt trào ra, hét lớn cùng đồng đội và nhân dân bên đường: “Giải phóng hoàn toàn miền Nam rồi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem