Ông Tùng cho biết:
- Từ xa xưa ở Việt Nam sừng tê giác được sử dụng chỉ là một bài thuốc trong hàng chục, thậm chí cả trăm vị thuốc. Đến khoảng năm 2000, sừng tê giác bắt đầu được người dân sử dụng như một phương thuốc chữa bách bệnh. Những năm 2006, 2007 là thời điểm phong trào sử dụng, buôn bán sừng tê giác ở nước ta rầm rộ nhất. Nguyên nhân là do một số thầy thuốc lăng xê quảng bá công dụng của nó đến bán kiếm lời.
Theo điều tra mới nhất của chúng tôi, hiện nay nhu cầu mua và sử dụng sừng tê giác đã giảm 38%, số người tin vào công dụng chữa bệnh của sừng tê giác giảm 25,4%. Hà Nội là điểm có thay đổi lớn nhất với số người có nhu cầu mua và sử dụng sừng tê giác giảm 77% , số người tin vào công dụng chữa bệnh của sừng tê giác cũng giảm 53%. Từ năm 2004 đến nay Việt Nam đã bắt 30 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép sừng tê giác, với trọng lượng khoảng 200kg.
Sừng tê giác được đưa vào Việt Nam qua những con đường nào?
- Trước đây Việt Nam vẫn còn một cá thể tê giác ở Vườn quốc gia Cát Tiên, nhưng năm 2010 cá thể này đã bị chết, hầu hết các sừng tê giác được đưa vào Việt Nam đều có nguồn gốc từ Châu Phi và được vận chuyển chủ yếu bằng đường hàng không và đường thủy.
Theo tôi được biết, ở Mozambique, Angola có khoảng 10.000 người Việt sinh sống. Từ đây sừng tê giác sẽ được thu gom thông qua săn bắn, hoặc mua bán rồi vận chuyển về nước. Hoặc một số Việt kiều ở các nước Đông Âu như Cộng hòa Séc, Ba Lan, ở Tây Âu như Pháp… sang Châu Phi mua sừng tê về rồi từ Đông Âu vận chuyển qua đường hàng không về Thái Lan, Singapore… và từ đây chuyển về Việt Nam dưới hình thức hành lý ký gửi, hoặc xách tay được nguy trang tinh vi.
Đa số những người tham gia vận chuyển, buôn bán bị bắt chủ yếu là vận chuyển thuê cho chủ là người Trung Quốc. Gần đây có dân của một số nước như Lào, Thái Lan bắt đầu tham gia vào việc vận chuyển thuê cho các chủ ở Trung Quốc. Vô hình chung Việt Nam đang bị quốc tế coi là quốc gia sử dụng sừng tê giác nhiều nhất, ảnh hưởng lớn đến uy tín của quốc gia.
Vậy thế giới dựa vào đâu khi đánh giá Việt Nam là nước buôn bán, sử dụng sừng tê giác lớn nhất thế giới?
- Có thể họ dựa vào mấy nguyên nhân như: Việt Nam có số lượng người bị bắt về buôn bán, vận chuyển sừng tê giác lớn nhất nhưng không bị xử phạt hình sự; nhiều cửa hàng công khai bán đĩa mài sừng tê giác; việc buôn bán sừng tê giác khá công khai (thậm chí quảng cáo, rao bán trên mạng). Tuy nhiên, trên thực tế người Việt Nam sử dụng sừng tê giác không nhiều như Trung Quốc.
Ở Trung Quốc họ sử dụng sừng tê chủ yếu làm trang sức như vòng, nhẫn, cốc, chén… cũng có khi được tán nhỏ để làm thuốc. Tuy nhiên, do Trung Quốc đã ký vào Công ước quốc tế về thực thi CITES (Bảo vệ động vật hoang dã) nên Chính phủ Trung Quốc có những hình phạt rất nặng với hành vi này. Để lách luật, những chủ buôn Trung Quốc thường thuê người Việt Nam, Lào, Thái Lan vận chuyển sừng tê giác cho mình.
Ông Đỗ Quang Tùng - Giám đốc Cơ quản lý CITES Việt Nam.
Như vậy có thể thấy luật pháp của ta trong việc xử lý các hành vi liên quan tới buôn bán, sử dụng sừng tê vẫn còn quá nhẹ, thưa ông?
- Đúng vậy! Mặc dù thời gian qua chúng ta đã bắt được nhiều vụ với nhiều đối tượng vận chuyển, buôn bán số lượng lớn sừng tê giác, nhưng vẫn không thể xử lý hình sự vì các quy định tại điều 153, 154, 155 của Bộ luật Hình sự vẫn còn quy định rất chung chung như: “Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng” hay “Số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn”, nhưng lại không có định lượng cụ thể.
Hiện khung hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với các hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật chỉ ở mức 7 năm tù, hình phạt tiền cao nhất là 500 triệu đồng. Thực tế, hình phạt 7 năm tù chưa được áp dụng, mức phạt 500 triệu đồng cũng ít được áp dụng. Phần lớn chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính. Mức xử phạt này không thấm gì so với lợi nhuận của việc buôn bán bán sừng tê giác, ngà voi đem lại.
Thành phần có trong sừng tê giác chỉ như giống như thành phần ở móng tay hay tóc của con người. Thậm chí, y học đã ghi nhận nhiều người sử dụng sừng tê giác bằng cách mài uống đã bị sỏi thận vì sừng tê giác rất khó phân hủy” - Ông Đỗ Quang Tùng
Ông có kiến nghị gì để xây dựng hệ thống pháp lý chặt chẽ, nghiêm minh hơn?
- Chúng tôi đang dự thảo một Thông tư “Hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ trái phép sừng tê giác, ngà voi có nguồn gốc từ nước ngoài thuộc CITES”. Theo đó, bất cứ hành vi vận chuyển qua biên giới, tàng trữ, lưu thông, buôn bán mẫu vật tê giác có khối lượng từ 0,3kg trở lên, bất cứ hành vi quảng cáo thương mại dưới bất cứ hình thức nào nhằm mục đích tiêu thụ mẫu vật tê giác, voi đều bị coi là phạm tội theo khoản 1 Điều 190 Bộ luật Hình sự.
Về định lượng tang vật, hành vi được coi là vi phạm nghiêm trọng khi buôn bán, vận chuyển từ 0,3 – 0,9kg mẫu vật tê giác và 9 – 27 kg đối với mẫu vật voi; được coi là đặc biệt nghiêm trọng khi mẫu vật tê giác có trọng lượng từ 2,7kg trở lên và mẫu vật voi có trọng lượng từ 27kg trở lên. Trường hợp người phạm tội vận chuyển, tàng trữ, lưu thông và tiêu thụ cả mẫu vật tê giác và voi thì việc xác định tội được tiến hành đối với từng hành vi phạm tội và sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, đến nay Bộ Tư pháp vẫn chưa đồng ý vì lo vấn đề nhân quyền.
- Xin cảm ơn ông!
Việt Tùng (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.