Tết của chị Nguyễn Thị Phương (An Bài - Quỳnh Phụ - Thái Bình) năm nào cũng bắt đầu từ ngày 23 ông Táo. Bố chồng chị Phương là trưởng họ, chồng chị lại là trưởng nam của gia đình có đến 9 người con nên cứ đến ngày lễ, Tết là nhà chị Phương lại đông như trẩy hội. 23 ông Táo, chị Phương đã phải dậy từ 4h sáng “vật nhau” với chục mâm cỗ để cúng gia tiên và mời anh em họ hàng.
Tết trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người phụ nữ trong gia đình.
Cúng ông Táo xong thì đến lượt ngồi tính, liệt kê những thứ cần mua sắm cho ngày Tết. Năm nay, tổ chức mừng thọ bố chồng 75 tuổi ít nhất cũng phải có 30 mâm, nên cả tháng trời chị Phương mất ăn mất ngủ.
“Chồng công tác trong quân đội, đến 27 - 28 Tết mới được về nhà, các em trai, gái, dâu, rể thì ở xa không giúp được nhiều. Chỉ hô các cô các chú ấy về đánh chén cũng mệt rồi nên tất cả mình phải lo hết. Tết nhất, năm nào cũng thế, chẳng có thời gian đâu mà thở” - chị Phương phàn nàn.
Trong khi đó, Tết của chị Trần Thị Hà (Nam Sách - Hải Dương) thường chỉ bắt đầu vào ngày cuối cùng của năm - chiều 30 Tết. Chị Phương là tiểu thương bán quần áo trẻ em, chồng chị mất khi đứa con thứ 4 của chị mới được 2 tuổi. Năm nào cũng thế, gia đình nhỏ của chị phải chờ Tết đến sau khi... chợ đóng cửa vào chiều 30. Theo chị Hà, chỉ có mấy ngày Tết là quần áo trẻ con bán được nhiều nhất. Bố mẹ nào, nghèo nhất cũng phải lo cho con được bộ quần áo mới. Vì vậy, chị phải “gác” Tết của các con lại để đi bán hàng.
“Chiều cuối cùng của năm, dọn hàng xong là tất tưởi đi mua thịt, lá dong, đào mai, đủ thứ... Có năm muộn quá, chợ chẳng còn đồ ngon, lá dong thì xấu, héo, thịt thì bèo nhèo nhưng cũng phải mua về để các con có Tết. Năm nào đến giao thừa cũng ngập mặt dọn dẹp, nấu nướng. Có năm còn quên chẳng “để dành” cho đứa lớn, đứa bé bộ quần áo nào. Bán tống bán tháo hết cả” - chị Hà cười.
Năm nay là “dâu mới” nên câu chuyện Tết của Nguyễn Thu Trang có vẻ “vật vã” hơn. Hai vợ chồng cô làm việc và sống ở Hà Nội nhưng chồng Trang ở Nghĩa Đàn (Nghệ An). Mới cưới tháng 8, đây là năm đầu tiên cô ăn Tết ở nhà chồng.
Cả tháng trước Tết, Trang đã chuẩn bị lên danh sách mua quà về biếu nội ngoại, ông bà, họ hàng, tiền lì xì cho cháu chắt. Về nhà chồng hôm 25 Tết, từ hôm đó cô và mẹ chồng vừa vật vã lau dọn nhà cửa, trông 3 đứa cháu.
Sáng nào Trang cũng phải thức dậy từ 5h nấu đồ ăn sáng cho cả nhà, cùng mẹ chồng ra chợ bán hương rồi lại tất tưởi về nhà cơm nước cho bà nội chồng và mấy đứa cháu (con của các anh chị gửi ông bà để đi bán hàng tết), chiều lại đi thăm hỏi họ hàng trước Tết để mùng 2 vợ chồng về ngoại ở Hải Phòng.
Trang là gái thành phố, gia đình ngoại cũng có điều kiện nên cô được chiều chuộng từ nhỏ. Việc bếp núc và sắp cỗ cho cả đại gia đình là một cực hình đối với cô. “Ngày nào cũng quần quật một đống việc, người cứ rã ra như tra tấn, làm gì cũng sợ sai, sợ không đúng, sợ hỏng. Buổi tối dấm dúi ngồi bắt chồng đấm lưng cho rồi ỉ ôi với chồng, sang năm ăn tết ở Hà Nội nhé. Vậy mà bị chồng “lườm” rồi nói: “Nhà anh chỉ có anh là con trai, không về không được” - cô chỉ dám thở dài: “Giá mà không có Tết”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.