Muốn đổi phận nghèo, thanh nữ đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc. Tại cù lao Tân Lộc, Thốt Nốt, (TP.Cần Thơ) vùng đất trù phú nằm giữa sông Hậu, có đến 600 phụ nữ lấy chồng Đài Loan. Bao năm qua, những tiếng kêu cứu từ các cô gái lấy chồng nước ngoài cứ dội về như lưỡi dao cứa vào lòng người làm cha, làm mẹ. Đắng cay, phũ phàng, thế nhưng “phong trào lấy chồng ngoại” ở nông thôn ĐBSCL chưa dịu lắng.
Không còn đất cấy cày, gần 600 lao động thanh nông ở huyện Lai Vung, (Đồng Tháp) chuyên làm nghề xịt thuốc bảo vệ thực vật thuê. Hết mùa quýt, xoài... rồi đến 2 - 3 vụ lúa/năm, họ phải sống với “mưa” thuốc trừ sâu, để một ngày có được 120.000-140.000 đồng cho cơm ăn, áo mặc...
Thanh nữ kiếm chồng nước ngoài, thanh nông bán sức khỏe trong nghề độc hại đang là hiện tượng phổ biến ở nông thôn ĐBSCL đã xát mặn vào chính sách “việc làm – thu nhập” đối với người nông dân mà phía các cơ quan công quyền cần có lời giải đáp?
Ví như chính sách “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Đề án 1956 đã được Chính phủ phê duyệt, đến nay đã 5 năm thực hiện; với hàng ngàn tỷ đồng chi hàng năm, nhưng đã “lệch” khi sử dụng đến 60 - 64% chi cho xây dựng các trung tâm, trường lớp, mua sắm trang thiết bị, chỉ để lại 36% chi cho học tập. Trong học tập, lại chi cho giáo án, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên... phần còn lại chi cho người đi học là rất nhỏ. Lại thêm hàng chục ngàn cơ sở sản xuất đổ vỡ và đình đốn mỗi năm, nên lao động nông thôn vùng ĐBSCL qua đào tạo nghề chỉ đạt 8,6%,lao động trẻ thất nghiệp cao gấp 2,5 lần so với bình quân chung cả nước. Nên việc mất đất, đi làm thuê, lấy chồng nước ngoài như những nỗi đau tất yếu.
Có thấy nước mắt của bà mẹ chảy theo gánh thóc; Có chứng kiến gương mặt thất thần của ông bố khi nhận tin kêu cứu của con, mới thấm thía hết nỗi đau của người nghèo trong cuộc mưu sinh trước những quyết định “sinh tử” có liên quan đến số phận của họ.
Vậy mới biết chuyện chăm lo cho dân cần cả sự sâu sát và một tấm lòng, để dù có bận rộn đến đâu, những người có trách nhiệm cũng không quên những điều cần làm. Không thể đơn giản nghĩ quyết định đưa ra là đương nhiên cấp dưới phải chấp hành. Và chính sự thiếu sâu sát ấy, sự nửa vời trong triển khai, thực hiện đã làm biến dạng một chính sách lớn, đúng và đậm giá trị nhân văn – vấn đề mà dân chúng đã quá quen và buộc phải chịu cảnh “thắc mắc không biết hỏi ai”?
Rừng đã thưa, biển đang hẹp, nguồn lực của con người cũng đang trở nên cạn kiệt hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.