Những sai lầm cơ bản khiến trẻ mắc Covid-19 chuyển nặng

Bạch Dương Chủ nhật, ngày 20/02/2022 11:30 AM (GMT+7)
Việc đi học trực tiếp tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca mắc Covid-19, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ. Các chuyên gia khuyến cáo, không nên chủ quan với Covid-19 ở trẻ em bởi đã có nhiều trường hợp trẻ mắc Covid-19 chuyển nặng, nguy kịch.
Bình luận 0
Những sai lầm cơ bản khiến trẻ mắc Covid-19 chuyển nặng - Ảnh 1.

TP.HCM đang tăng cường giám sát dịch Covid-19 trong trường học. Ảnh: HCDC

Tại TP.HCM, số ca mắc Covid-19 ở trẻ em thời gian gần đây tăng nhẹ. Trong ngày 14/2, thành phố ghi nhận có 27 em mắc Covid-19; ngày 15/2 có 50 em, ngày 16/2 có 86 em. Hiện các bệnh viện trên địa bàn thành phố đang điều trị cho 45 trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, tình trạng mắc Covid-19 ở trẻ sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, bởi trẻ em đã đi học trở lại trong khi một số lượng lớn các em chưa được tiêm vaccine, cộng thêm tốc độ lây lan nhanh của virus.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, đến nay cả nước ghi nhận 165 trẻ mắc Covid-19 tử vong, chiếm 0,42% trong tổng số ca tử vong chung.

"Mặc dù số trẻ em tử vong do mắc Covid-19 không cao nhưng với nhóm trẻ thừa cân béo phì, đang điều trị bệnh nền, mãn tính, trẻ bị suy giảm miễn dịch cần hết sức cẩn trọng", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết và lo ngại, bởi hiện có nhiều trẻ tuy mắc bệnh nhẹ, không triệu chứng nhưng sau khi khỏi bệnh lại có biến chứng nguy hiểm như suy đa tạng, nhiễm trùng huyết, viêm đa hệ thống…

Theo các chuyên gia y tế, thông thường trẻ em khi mắc Covid-19 chỉ cần theo dõi, điều trị tại nhà, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ phải vào bệnh viện. Trẻ mắc Covid-19 có nguy cơ chuyển nặng khi có các yếu tố như trẻ sinh non, nhẹ cân; trẻ mắc các bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bất thường gene, béo phì. Bên cạnh đó, trẻ mắc bệnh hô hấp mãn tính, hen phế quản, tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, suy thận mãn, ung thư, huyết học… là những đối tượng cần cẩn trọng với Covid-19.

Bộ Y tế đã đưa ra các triệu chứng cần cho trẻ mắc Covid-19 nhập viện là trẻ thở nhanh, kém ăn, bỏ bú, thậm chí là trẻ ăn uống được nhưng kém hơn một chút, chỉ số SpO2 dưới 96%. Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thông thường trẻ chỉ cần theo dõi, điều trị tại nhà, một tỷ lệ rất nhỏ vào viện khám. Với những trẻ có triệu chứng thở nhanh, chỉ số SpO2 giảm, bác sĩ cần chỉ định chụp X-quang, nếu X-quang bình thường thì kiểm tra lại, có thể cho trẻ về nhà.

Trẻ chuyển nặng và nguy kịch khi SpO2 tụt, trẻ kém ăn, bỏ bú, tổn thương phổi rõ rệt, thậm chí có trường hợp bị sốc, suy đa phủ tạng, phải thở máy… Trường hợp này, trẻ bắt buộc phải nhập viện. Về các nguy cơ trẻ mắc Covid-19 tăng nặng (bé mắc bệnh lý nền), PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ: "Đây là yếu tố gây nguy cơ bệnh nặng chứ không phải là yếu tố quyết định các cháu nhập viện hay không vì có rất nhiều trường hợp có bệnh nền nhưng không diễn biến nặng".

Quá trình điều trị trẻ tại nhà, theo PGS.TS Hiếu, phụ huynh đừng quá căng thẳng, bắt trẻ đeo khẩu trang suốt ngày đêm. Trẻ trên 2 tuổi nên đeo khẩu trang nếu trẻ tiếp xúc người chưa nhiễm, đa phần không nên đeo khẩu trang, nhất là lúc ngủ sẽ làm trẻ bị thiếu oxy, ảnh hưởng hô hấp. Không nên cấm trẻ vui chơi, chỉ hạn chế hoạt động mạnh, ra nhiều mồ hôi.

Những sai lầm cơ bản khiến trẻ mắc Covid-19 chuyển nặng - Ảnh 3.

Một trường hợp trẻ mắc Covid-19 nặng tại Bệnh viện Nhi đồng TP. Ảnh: BVCC

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, quá trình chăm sóc trẻ mắc Covid-19 tại nhà, người chăm sóc nên thiết lập đường dây cố định với nhân viên y tế để được tư vấn xuyên suốt và ổn định, Bên cạnh đó, cần lưu ý việc chọn thiết bị đo chỉ số SpO2. Thiết bị này có nhiều loại dành cho người lớn, trẻ em và trẻ sơ sinh. Đa phần các gia đình mua thường mua 1 loại và dùng chung cho cả nhà dẫn đến đo sai chỉ số SpO2 của trẻ.

Về thuốc hạ sốt, phụ huynh chỉ cho con uống khi sốt 38,5 độ trở lên, liều lượng phải theo cân nặng. Không được dùng thuốc người lớn pha cho trẻ uống. Khi trẻ có các dấu hiệu thở nhanh, khó thở dữ dội, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú, tím môi đầu chi, chi lạnh, nổi vân tím… bằng mọi cách, phụ huynh phải đưa trẻ vào bệnh viện gần nhất có khả năng điều trị Covid-19.

Một sai lầm nữa của phụ huynh khi chăm sóc trẻ mắc Covid-19 tại nhà là đọc tin tức, nghe lời khuyên trên mạng, cho trẻ uống thuốc chống đông, chống viêm. Theo BS Hiếu, đây là việc rất nguy hiểm. Thuốc này chỉ dùng cho người lớn và được sự đồng ý, kê đơn của bác sĩ. Với trẻ em tuyệt đối không nên dùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem