Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, tùy vào cơ địa mỗi người mà bệnh có thể nhẹ hoặc nặng, bác sĩ cũng khó lường hết được. Đa số bệnh nhân SXH đều có thể điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. Diễn biến bệnh khá dài, có thể 1-2 tuần mới khỏi.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, cần phải chú ý các yếu tố sau để tránh các biến chứng nặng:
1. Không hạ sốt cấp tập
Người bệnh sốt cao nên người nhà thường muốn giảm sốt cấp tốc, nhất là đối với trẻ em. Tuy nhiên, bệnh do virus nên nhiệt độ hạ xong lại tiếp tục cao. Người bệnh chỉ nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần.
Để giảm sốt cho bệnh nhân, người nhà có thể cho bệnh nhân mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước vào trán, nách cho người bệnh.
2.Không tự truyền dịch
Bệnh nhân bị SXH có thể mất dịch, nôn, chán ăn. Do đó nhiều người muốn truyền dịch để người bệnh bù nước, tăng sức khỏe. Tuy nhiên, khi bệnh nhân đang sốt cao, phản ứng cơ thể rất mạnh, hệ miễn dịch cũng suy yếu nên việc truyền dịch dễ gây sốc, nhất là truyền đạm hoặc vitamin. Nếu muốn truyền dịch thì phải đi đến cơ sở y tế và truyền theo chỉ định của bác sĩ, được theo dõi cẩn thận.
Cần bù nước cho người bệnh bằng nước oresol pha đúng liều lượng, nước rau củ, hoa quả.
3. Cảnh giác với triệu chứng
Trong ngày thứ 4 bị phát bệnh, bệnh nhân thường có nhiều dấu hiệu nguy hiểm như tụt huyết áp, chảy máu bất thường, đau bụng, tràn dịch màng phổi. Do đó, nếu thấy bệnh nhân nằm ly bì, chướng bụng, khó thở, đi tiểu ít, chảy máu cam, đi ngoài ra máu hoặc xuất huyết âm đạo thì cần phải đưa đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời. Tránh cắt lể các vết sốt xuất huyết để “ra máu độc”, dễ khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng đường huyết, mất máu, gây nguy hiểm tính mạng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.