Những sai lầm về tiền bạc mà hầu như ai cũng mắc

Thứ ba, ngày 01/12/2015 15:00 PM (GMT+7)
Quản lý tiền bạc là một việc khó. Việc bạn cần làm ngay bây giờ là phải làm chủ được chi tiêu của mình, dưới đây là một số sai lầm về tiền bạc mà ai cũng ước mình đã nhận ra sớm hơn.
Bình luận 0

Dùng thẻ tín dụng vô tội vạ

Đây là thói quen của những người nghiện mua sắm, do việc thanh toán quá dễ dàng, nhất là khi họ thiếu tiền mặt. Tuy nhiên, thẻ tín dụng có thể khiến bạn rơi vào vòng xoáy nợ nần nếu không trả đúng hạn.

Trả đủ giá cho mọi thứ

Với sự xuất hiện của hàng loạt website mua hàng theo nhóm, và các phiếu ưu đãi của nhiều cửa hàng, chẳng có lý do gì để bạn phải mua đồ với 100% giá niêm yết cả. Hãy tận dụng những phiếu mua này để tiết kiệm tiền bất kỳ lúc nào có thể.

Mua tùy hứng

Bạn rất khó cưỡng lại được cảm giác muốn mua đồ khi nhìn thấy thứ ưng ý. Nhưng hãy nghĩ đến việc chúng có thực sự cần thiết hay không và nên lập kế hoạch trước khi đi mua sắm.

Dĩ nhiên, bạn hoàn toàn có thể mua nếu cơ hội xuất hiện, nhưng hãy chia đồ ra thành nhiều nhóm và phân ngân sách cho từng nhóm. Ví dụ, bánh gato nên được để vào nhóm "không quá cần thiết".

img

Không phân biệt được nhu cầu và sự ham muốn

Mấu chốt của việc giảm chi tiêu lãng phí chính là đây. "Tôi rất ngạc nhiên khi nghe nhiều người nói rằng họ nghĩ làm móng, thuê thợ chăm vườn và giúp việc là điều cần thiết", Michael Chadwick - CEO Chadwick Financial cho biết.

Chọn tiền thay vì cơ hội phát triển bản thân

Nhiều người trẻ chọn những công việc có mức lương tốt và từ chối các vị trí có thu nhập thấp hơn, nhưng lại có nhiều cơ hội phát triển bản thân hơn.

Chọn cơ hội phát triển thay vì tiền bạc là điều rất quan trọng. Những cơ hội học tập và thăng tiến là vô giá, và có khả năng bạn sẽ được hưởng một mức lương tốt hơn nhiều so với công việc đầu tiên sau một khoảng thời gian ngắn.

Chi tiêu quá nhiều vào những thứ không cần thiết

Một chiếc iPhone hoặc sản phẩm chăm sóc tóc mới xem ra cũng khá cần. Thế nhưng bạn có thực sự đủ khả năng chi trả cho những thứ này dựa vào ngân sách hiện tại không? Chi tiền cho những thứ mình thích là việc đáng làm, nhưng hãy bình tĩnh và xem xét lại nếu chi phí của bạn đã quá cao.

Trước khi bạn mua một sản phẩm cao cấp, thời thượng nào đó, hãy tự hỏi mình những câu như: "Mình có thực sự đủ tiền mua thứ này? Nó có cần thiết không? Tại sao mình muốn mua nó?"...

img

Không đặt mục tiêu tài chính dài hạn

Hầu hết mọi người trong độ tuổi hai mươi có những mục tiêu tài chính ngắn hạn, như trả tiền thuê nhà và các hóa đơn. Tuy nhiên, nếu bạn đủ khả năng để thiết lập mục tiêu tài chính ngắn hạn, thì bạn cũng có khả năng thiết lập những mục tiêu dài hạn. Hãy quyết định xem mình muốn tiết kiệm được bao nhiêu trong một năm, và cứ theo hướng đó mà làm.

Một ngày nào đó, bạn có thể muốn bắt đầu một doanh nghiệp hoặc mua một căn nhà. Việc thiết lập các mục tiêu tài chính dài hạn sẽ khiến cho những điều này khả thi hơn.

Không có nguồn dự phòng

Nhiều người có xu hướng bỏ qua khả năng xe hư, bệnh/ tai nạn đột ngột hay mất việc, nhưng đây lại là những viễn cảnh có thể nhanh chóng ngốn sạch túi của bạn. Không có tiền dự phòng có thể khiến bạn phải mượn nợ hay buộc bạn phải trích quỹ từ tài khoản tiết kiệm dài hạn nếu một tình huống khẩn cấp xảy ra.

Lượng tiền tiết kiệm bạn cần tùy thuộc vào cá nhân, nên không thể có con số cụ thể; thay vào đó, bạn có thể tính được những chi phí phải trang trải trong tháng của mình. Một quy luật chung về mức tiền dự phòng nên bằng khoảng 6 tháng tiền tiết kiệm được hàng tháng nhưng con số chính xác thì phụ thuộc vào tình cảnh của bạn.

Ngọc Anh (Đời sống & Pháp luật)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem