Hồng Loan - Thùy Trang
Chủ nhật, ngày 30/04/2023 08:16 AM (GMT+7)
Ngày nay, khó có thể tìm thấy hình bóng sạp báo giấy thân thuộc trên những con phố của Thủ đô Hà Nội khi người dân ngày càng có nhiều lựa chọn tiếp nhận thông tin hơn trên các phương tiện truyền thông hiện đại.
Bám trụ giữa lòng Thủ đô khi chỉ bán báo giấy và tạp chí
Một trong những sạp báo hiếm hoi còn tồn tại ở Hà Nội nằm ngay tại vị trí đầu tiên trên con phố Hàng Trống là nơi đến quen thuộc của những người dân yêu thích và đam mê thưởng thức những thông tin nóng hổi, sâu sắc trên tờ báo giấy truyền thống.
Không chỉ bán những tờ báo in hàng ngày vô cùng quen thuộc như Thanh Niên, Tiền Phong hay Đời sống & Pháp luật, sạp báo số 1 Hàng Trống còn có nhiều tạp chí hiện đại về những lĩnh vực khác nhau, có thể kể đến một vài ấn phẩm nổi bật: Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống, tạp chí Văn nghệ quân đội, tạp chí Đẹp, tạp chí BAZAAR Việt Nam… Ngoài ra, cô chủ sạp báo cũng bán thêm lịch xé treo tường, phong bì và các bộ hồ sơ.
Kết hợp sạp báo truyền thống với hoạt động kinh doanh khác nhằm duy trì sự tồn tại
Giữa chốn bộn bề đông người qua lại, có một điểm bán báo truyền thống lâu đời nằm yên bình, gọn gàng trên phố. Đó là sạp báo 22 Cửa Nam tồn tại hơn 50 năm, gắn bó với nhiều người dân Hà Nội.
Khi nhắc đến nguồn gốc của sạp báo, anh chủ tự hào chia sẻ: "Sạp báo này được mở ra từ thời ông bà anh còn trẻ, đến lượt anh là đời thứ ba. Có thể nói, việc bán báo giấy đã trở thành một truyền thống đẹp của gia đình anh, thế hệ sau tiếp tục kế thừa từ thế hệ trước."
Hiện nay, sạp báo 22 Cửa Nam chủ yếu bán những tờ báo giấy hàng ngày vô cùng quen thuộc với người dân như báo Thanh Niên, báo An ninh thủ đô, báo Tiền Phong hay báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có báo nguyệt san Tuổi Trẻ Cười cùng một số tạp chí.
Các ấn phẩm có giá dao động từ khoảng 6.000đ đến 12.000đ cho một tờ. Còn tạp chí sẽ có giá nhỉnh hơn. Đến với sạp báo, phần lớn là khách quen, những người lớn tuổi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có những khách lạ tìm đến để đọc và mua báo giấy.
Đứng trước nhiều khó khăn đang tồn tại, anh chủ chia sẻ sạp báo đã không còn giống với ngày xưa mà cần phải kết hợp với hình thức kinh doanh khác: "Lúc trước, sạp báo truyền thống nhà anh bán nhiều báo giấy hơn, vừa bày biện ở không gian trong nhà, vừa trưng bày thêm một khu ở ngoài trời.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do người dân có xu hướng chuyển sang đọc báo mạng điện tử, số lượng người mua báo giấy cũng giảm đi đáng kể cho nên sạp nhà anh đã thu gọn lại, chỉ còn một khoảng nhỏ trong nhà. Đồng thời, anh đã kết hợp bán cà phê chung với sạp báo nhằm tăng thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống hàng ngày."
Một góc báo nhỏ khác nằm sâu trong con ngõ Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa cũng đã kết hợp bán báo giấy cùng văn phòng phẩm và đồ chơi cho trẻ em. Chú chủ quán chia sẻ gia đình đã bán báo được khoảng 17 năm, từ thời kỳ báo in vô cùng phát triển.
"Ngày trước, một ngày chú có thể thể bán được hàng trăm đầu báo khác nhau nhưng bây giờ, chỉ bán được tối đa 20 đầu là nhiều. Khách đến mua báo chủ yếu là khách quen, những người đã có tuổi. Chú nghĩ vì vị trí bán hàng nằm trong khu dân cư nên khó để những người lạ biết đến. Nhưng lý do lớn nhất khiến cho chú không bán được nhiều là vì nhiều người đã không còn duy trì thói quen đọc báo giấy."
"Nếu giờ gia đình chú chỉ bán báo giấy để sống thì chắc chắn là rất khó dù trước kia hoàn toàn làm được như thế. Do gánh nặng về tài chính nên chú phải kết hợp kinh doanh nhiều mặt hàng, cả văn phòng phẩm và đồ chơi cho trẻ em. Hiện nay, chú vẫn bán báo giấy như cố gắng duy trì thói quen đọc cho mọi người, đặc biệt là những người cao tuổi."
Dẫu số lượng đầu báo bán ra mỗi ngày khá khiêm tốn, chủ quán sạp báo vẫn lạc quan: "Rất may là bây giờ có một số cơ quan báo chí cho mình trả lại báo nếu không bán được. Và một số ít cơ quan khác còn tài trợ những khoản phí khác khi chú nhập báo để bán lâu dài. Cũng vì thế mà giờ chú có thể duy trì sạp báo nhỏ của gia đình trong suốt thời gian qua."
Báo in trong ký ức của người cán bộ cao tuổi
Ông Nguyễn Văn Vinh (78 tuổi, Hà Nội) là cán bộ đã về hưu được gần 30 năm. Ông là một nhân chứng của thế hệ lớn tuổi đã chứng kiến sự đổi thay của báo in. Hiện nay, dù tuổi đã cao, mắt đã không thể nhìn rõ như ngày trước nhưng đối với ông, từng tờ báo giấy đều là một phần rất quan trọng trong hoạt động sinh hoạt hằng ngày: "Ngày xưa, ông chỉ đọc tin tức từ báo in là chính, thi thoảng cũng xem thời sự trên tivi. Hồi đó, đến nhà ai cũng có báo giấy, nhiều khi không có chuyện gì để nói, mọi người lại cùng nhau bàn bạc tin tức trên báo. Nói thật, ngày trước ông không thích mùi báo giấy, thế mà ngửi quen mấy chục năm cũng thành quen."
"Trước khi được nhà nước gửi báo, ông vẫn mua báo của chú đi xe đạp bán rong. Giờ cũng lâu lắm rồi, chú này không bán báo nữa. Cũng rất may là 5 năm trở lại đây, ông được nhà nước gửi báo hàng tuần. Thời gian đầu là ngày nào ông cũng được nhận báo. Còn bây giờ, một tuần ông nhận báo một lần.
Ông đang ở cái tuổi không còn minh mẫn, tinh anh, nhiều lúc đang đọc báo mà mắt mỏi và chảy nước mắt liên tục. Thế nên, dù có thích đọc báo, ông cũng phải hạn chế bớt, một ngày đọc 1, 2 lần. Có lúc, ông không tìm thấy kính, chỉ đọc mỗi mấy dòng chữ lớn để biết hôm qua có tin tức gì. Kể ra mà có các cháu đọc báo hộ thì tốt nhưng các cháu ông đều ở xa, chỉ có hai ông bà già ở với nhau nên ông cũng đành chấp nhận."
Trong dòng ký ức của mình, ông Vinh chia sẻ thời mới nghỉ hưu, cả ngày ông chỉ quanh quẩn với tờ báo giấy trên tay, rảnh lúc nào là đọc lúc đó. Thế hệ của ông, ai cũng thích đọc báo in. Dù hiện nay, báo điện tử rất phát triển, ai cũng có điện thoại, máy tính bảng nhưng ông và những người bạn của mình vẫn giữ thói quen đọc báo giấy. "Đọc báo điện tử thì không có mùi giấy.
Đọc báo điện tử thì quảng cáo rất nhiều. Một khoảng thời gian, ông cũng từng đọc báo điện tử trên máy tính bảng. Nhưng rồi ông vẫn quay lại với báo in. Có lẽ thói quen đọc báo giấy mấy chục năm nên không thể thay đổi được. Thế hệ ông là như vậy."
Chứng kiến sự đổi thay của thời đại và báo in, ông Vinh bày tỏ sự trăn trở: "Chắc giờ chỉ còn thế hệ của ông mới đọc báo in. Giờ ông đi đâu, cũng chỉ thấy mọi người cầm điện thoại trên tay, nhìn mình, có lúc thấy lạc hậu. Nhưng ông nghĩ đọc báo in đã từng là một nét đẹp trong đời sống sinh hoạt của người Việt Nam. Chỉ là, nó đã không thể đáp ứng thị hiếu hiện nay của công chúng nên sự mai một là điều không tránh khỏi."
Lặng lẽ cầm tờ báo in trên tay, ông Vinh đọc tiếp tờ báo Hà Nội Mới ngày 24/4/2023. Ông cho biết đây là tờ báo mới nhất người ta phát cho ông. Chỉ một tờ báo thôi, cũng đủ để giúp ông đỡ buồn mấy ngày giữa những ngày tháng tuổi già đơn độc ở Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.