Những sự kiện khoa học công nghệ Việt Nam nổi bật năm 2021
Những sự kiện khoa học công nghệ Việt Nam nổi bật năm 2021
Hồng Quân
Thứ năm, ngày 23/12/2021 09:15 AM (GMT+7)
Năm 2021 là một năm với nhiều dấu ấn khoa học – công nghệ nổi bật trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân phải thích ứng với cuộc sống “bình thường mới”. Cùng Dân Việt điểm lại những sự kiện khoa học – công nghệ Việt Nam nổi bật nhất trong năm 2021.
Năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, giáo dục,… Giãn cách xã hội khiến việc tiếp xúc trực tiếp giữa người với người gặp khó khăn. Chính bởi vậy, phần lớn các giao tiếp được đưa lên môi trường số. Trong bối cảnh như vậy, chuyển đổi số đã phát huy hiệu quả, vừa phòng chống dịch, vừa là nền tảng giúp kinh tế, xã hội vận hành, tạo tiền đề để phục hồi và phát triển trong tương lai.
Trong đại dịch, mọi hoạt động của đời sống xã hội vẫn diễn ra nhờ công nghệ. Bệnh nhân không cần lên bệnh viện nhưng vẫn được thăm khám, điều trị từ xa. Người dân chỉ cần ở nhà vẫn có thể thực hiện các hoạt đoạt mua sắm qua các trang thương mại điện thử, gặp mặt đối tác, giải quyết công việc thông qua các buổi họp online.
Dạy học trực tuyến được áp dụng xuyên suốt, học sinh vẫn có thể tiếp thu kiến thức mà không cần đến trường;… Đối với công tác phòng chống dịch, chuyển đổi số giúp các quy trình khai báo y tế, dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm được số hoá, thuận tiện, dễ dàng quản lý.
Đại dịch là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để doanh nghiệp bức phá nhờ bệ phóng là chuyển đổi số. Nhiều ngành nghề kinh doanh mới được tạo ra, hàng chục nghìn lao động có việc làm. Theo thống kê, các lao động trong lĩnh vực công nghệ số đã tăng hơn 60.000, số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng thêm 5.600 so với năm 2020. Ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng gấp 3 lần so với tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam vẫn đang còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Hạ tầng, chất lượng các dịch vụ số chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều lần bị người dùng phàn nản. Các vấn đề an toàn thông tin chưa được đảm bảo, khoảng cách số của người dân còn cao. Đây sẽ là những thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam cần giải quyết để quá trình chuyển đổi số đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
2. Thống nhất ứng dụng phòng chống dịch Covid-19
Trong năm 2021, đã xuất hiệu nhiều ứng dụng với các tính năng khác nhau để phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 như: Ncovi, Bluezone, VHD,… Tính đến tháng 9, Việt Nam đã có hơn 12 ứng dụng do các bộ ngành phát triển.
Việc có quá nhiều ứng dụng gây không ít rắc rối cho người dân trong quá trình sử dụng. Mỗi ứng dụng chỉ cung cấp 1 tính năng, không liên thông, đồng bộ dữ liệu với nhau. Nhiều ứng dụng gặp lỗi trong quá tình sử dụng, sai thông tin, thiếu dữ liệu về các mũi tiêm vaccine Covid-19.
Trước thực trạng đó, ngày 30/9 ứng dụng PC-Covid ra đời, tổng hợp tính năng của nhiều ứng dụng, nền tảng khác nhau như: khai báo y tế, khai báo di chuyển, quét mã QR, phát hiện tiếp xúc gần,... Bên cạnh đó, ứng dụng này còn đồng bộ dữ liệu với hệ thống quản lý tiêm chủng, xét nghiệm COVID-19 để người dân tra cứu. Từ những thông tin này, ứng dụng sẽ cấp thẻ COVID-19 cho người tiêm đủ 2 mũi, hoặc có kết quả xét nghiêm âm tính trong ngắn hạn.
PC-Covid cũng được liên thông để thực hiện đối soát, xác thực với 4 nguồn dữ liệu lớn, quan trọng, đó là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý), Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý), Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng phòng COVID-19 (do Bộ Y tế quản lý) và Cơ sở dữ liệu về xét nghiệm COVID-19.
Dù ban đầu vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhưng PC-Covid ngày càng hoàn thiện và trở thành ứng dụng duy nhất, đưa công nghệ trở thành mắt xích quan trọng trong công tác phòng chống dịch.
3. Ra mắt Mobile Money
Sự ra đời của Mobile Money tại Việt Nam nằm trong bối cảnh mạng 3G và 4G phủ sóng rộng khắp các khu dân cư, người dân thuận tiện dùng các ứng dụng có liên quan đến data trên chiếc điện thoại di động.
Ngày 18/11, MobiFone đã trở thành nhà mạng di động đầu tiên được phép triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money trên phạm vi toàn quốc, thời gian thí điểm đến 18-11-2023. Theo MobiFone, trong giai đoạn đầu, sẽ triển khai cung cấp dịch vụ trên hệ thống hơn 600 cửa hàng, điểm giao dịch toàn quốc, sau đó sẽ tiếp tục mở rộng hơn 10.000 điểm giao dịch của các đối tác, đại lý.
Ngay sau đó, VNPT - VinaPhone cũng công bố dịch vụ Mobile Money. Hiện mạng lưới dịch vụ thanh toán của VNPT Mobile Money đã sẵn sàng phục vụ người dùng trên các nền tảng online, offline. Người dùng có thể thao tác đăng ký và sử dụng VNPT Mobile Money trên cả điện thoại phổ thông, thông qua lệnh trên bàn phím thoại, tin nhắn SMS hoặc thông qua ứng dụng VNPT Pay (trên điện thoại thông minh).
Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) không chỉ ra mắt Mobile Money mà còn ra mắt Hệ sinh thái Tài chính số Viettel Money với nhiều tính năng nhất tính tới thời điểm hiện nay. Có hơn 300 tiện ích được cá nhân hóa theo nhu cầu của mỗi khách hàng về mua bán, chuyển tiền, đầu tư, bảo hiểm, thanh toán các dịch vụ trong cuộc sống.
4. Việt Nam tổng hợp thành công chế phẩm điều trị Covid-19
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các cơ quan nghiên cứu đã chạy đua với thời gian để tổng hợp chế phẩm tiến tới sản xuất thuốc điều trị Covid-19 của Việt Nam. Ngày 28/6, Viện Hóa học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu thành công phương pháp mới trong việc tổng hợp thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm. Đây là thuốc dành cho điều trị COVID-19.
Các công bố nghiên cứu cho thấy việc tổng hợp loại thuốc này cần qua 7-8 bước phản ứng. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu của Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam bước đầu cải tiến phương pháp bằng cách rút ngắn quy trình tổng hợp thuốc, chỉ qua ba bước phản ứng đơn giản và hiệu quả, từ nguyên liệu có sẵn trong nước. Nhờ vậy, giá thành hợp lý hơn, phù hợp với điều kiện sản xuất ở Việt Nam.
Đến tháng 8/2021, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc điều trị Covid-19 có nguồn gốc thảo dược. Thuốc thử nghiệm Vipdervir được điều chế từ các nguyên liệu có nguồn gốc từ thảo dược, giúp ức chế khả năng nhân lên của virus nCoV trong tế bào. Thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương giai đoạn ba, trên 200 tình nguyện viên mắc Covid-19.
Hiện nay, Bộ Y tế đã triển khai chương trình thí điểm sử dụng thuốc Molnupiravir cho bệnh nhân điều trị ngoại trú tại TP HCM. Viện Hóa sinh biển đã ký hợp đồng chuyển giao quy trình sản xuất Molnupiravir quy mô pilot cho một công ty dược phẩm.
Những kết quả nghiên cứu này đã góp phần vào nỗ lực chung của các nhà khoa học Việt Nam trong nghiên cứu thuốc, vaccine và sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
5. Tiêm thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam
Để ứng phó với dịch Covid-19, Việt Nam đã chủ động nghiên cứu và sản xuất vắc xin. Hiện tại, trong nước có 4 đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin bao gồm: Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược (Nanogen); Viện vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC); Công ty vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac).
Tính đến tháng 12/2021, vắc xin Nanocovax của Công ty Nanogen đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên 12.000 người. Các vaccine Covid-19 của đơn vị khác đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 và tiền lâm sàng.
Ngày 16/12, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã họp xem xét, đánh giá báo cáo cập nhật, bổ sung kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin Nanocovax. Cụ thể, vắc xin Nanocovax đạt yêu cầu an toàn và sinh miễn dịch, cần bổ sung dữ liệu hiệu quả bảo vệ.
Công ty Nanogen, đơn vị nghiên cứu và phát triển vaccine, ngay sau đó nộp hồ sơ xin cấp phép khẩn cấp song đến nay chưa được phê duyệt. Vaccine còn cần thông qua một bước xét duyệt nữa của Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Bộ Y tế.
Năm 2021 là năm nở rộ của NFT - chứng chỉ số duy nhất được đăng ký trong một blockchain, ghi lại quyền sở hữu một tài sản như tác phẩm nghệ thuật hoặc đồ sưu tầm. Mỗi tài sản, vật phẩm, hay nhân vật của người chơi trong game là duy nhất. Họ có thể sử dụng các nhân vật để đi chiến đấu và kiếm token, hoặc giao dịch vật phẩm, kiếm lời bằng tiền điện tử.Mọi thứ từ thẻ cầu thủ, vật phẩm game cho đến ảnh meme, dòng tweet, cục đá... đều có thể được giao dịch dưới dạng NFT với giá hàng triệu USD.
NFT trở thành cơn sốt, xuất hiện tràn ngập trên Internet và trở thành Từ của năm 2021. Dù có nhiều biến động và rủi ro, các chuyên gia tin rằng NFT sẽ là công nghệ quan trọng của tương lai và khi thị trường ổn định, xu hướng này có thể tạo ra một nền kinh tế hoàn toàn mới.
Các dự án chơi game kiếm tiền cũng "mọc lên như nấm". Trong đó, từ khóa "metaverse" nổi lên, gây biến động thế giới công nghệ là metaverse. Tại Việt Nam, điển hình cho xu hướng metaverse là Axie Infinity - game blockchain đắt giá nhất thế giới.
Từ sau Axie Infinity, một loạt dự án game NFT khác của Việt Nam đã được triển khai và đạt được những thành công nhất qua các vòng gọi vốn. Có thể kể đến như: My DeFi Pet, Faraland, MeebMaster, Theta Arena … Trong đó, đáng chú ý là tựa game My DeFi Pet, dù mới chỉ ra mắt hồi tháng 5/2021 nhưng giá trị vốn hóa đã đạt mức 43 triệu USD. Giới phân tích dự đoán, với tốc độ phát triển hiện tại, Việt Nam có thể trở thành thủ phủ của game thế hệ mới, bắt kịp làn sóng metaverse đang bùng nổ.
7. Triển khai làm CCCD gắn chip, số hóa dữ liệu dân cư
Hệ thống CSDL quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD gắn chip, do Bộ Công an chủ trì vận hành, là 2 dự án lớn về công nghệ số cấp quốc gia được đánh giá có những tác động lớn, tích cực đến tình hình kinh tế - xã hội và mang lại nhiều tiện ích cho người dân.
Đầu năm 2021, Bộ Công an đặt ra mục tiêu cấp 50 triệu thẻ CCCD gắp chip và đẩy lên thành cấp độ "chiến dịch" trên toàn quốc. Với CCCD gắn chip, người dân khi thực hiện các giao dịch hay thủ tục hành chính không cần mang theo nhiều loại giấy tờ rườm rà như trước.
Tương tự, dự án dữ liệu quốc gia về dân cư cũng dự kiến được chia sẻ kết nối dữ liệu với ngành thuế, BHYT, BHXH… Theo đó, các thông tin về công dân chỉ thu thập một lần. Khi giao dịch, công dân chỉ cần mang theo thẻ CCCD gắn chip để thực hiện giao dịch, bởi thẻ này đã được tích hợp thông tin về mã số thuế, mã số thẻ bảo hiểm.
Vào cuối tháng 10, chiến dịch cấp đổi 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip đã được hoàn thành. Hiện tại, Bộ Công an tiếp tục triển khai giai đoạn 2 cấp đổi tiếp 30 triệu thẻ và dự kiến hoàn thành trong quý 1/2022.
8. BKAV ra mắt tai nghe true wireless và Bphone mới
Đầu tháng 12, BKAV đã chính thức ra mắt tai nghe AirB, dòng tai nghe True Wireless cao cấp đầu tiên do công ty Việt Nam thiết kế và sản xuất. Hai phiên bản tai nghe được Bkav giới thiệu tới người dùng gồm AirB Pro với giá 2,99 triệu đồng và AirB có giá 1,49 triệu đồng.
Trong đó, AirB và AirB Pro được trang bị củ loa toàn dải với chất lượng cao, có khả năng tái tạo đủ nhất các dải tần số mà tai người có thể phân biệt được, với tiêu chuẩn nghiêm ngặt của tai nghe hỗ trợ ANC.
AirB sử dụng pin 400 mAh cho phép nghe nhạc liên tục trong vòng 5 giờ, kết hợp hộp sạc có thể kéo dài thời gian sử dụng lên 18 giờ. Ngoài ra, tai nghe của Bkav cũng được trang bị chip âm thanh cao cấp Qualcomm, tính năng cảm ứng toàn phần...
Sau đó 2 tuần, vào ngày 19/12, BKAV đã chính thức ra mắt 3 mẫu điện thoại Bphoen tầm trung có tên gọi A40, A50 và A60. Trong đó, Bphone A40 được bán với giá 4,49 triệu đồng, A50 là 5,49 triệu đồng và A60 là 6,49 triệu đồng.
Cả ba có cùng thiết kế, tính năng và phần lớn thông số cấu hình, gồm màn hình 6,67 inch độ phân giải FullHD+ 2.160 x 1.080 pixel, chip Mediatek Helio G85, pin 5.000mAh hỗ trợ sạc nhanh 18W.
Đại diện Bkav cho biết máy được sản xuất dưới dạng ODM - đặt hàng từ một công ty sản xuất thiết bị gốc. Bkav viết phần mềm và nhập các cụm phần cứng về lắp ráp tại Việt Nam. Việc chuyển đổi phương thức giúp hãng tối ưu hóa chi phí, đưa ra mức giá hợp lý hơn cho sản phẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.