Những thầy giáo quân hàm xanh

Thứ ba, ngày 19/07/2011 19:38 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giữa đại ngàn Trường Sơn, hơn một năm qua vẫn duy trì một lớp học xóa mù chữ của các chiến sĩ Đồn Biên phòng 591. Học sinh của lớp là đồng bào Ma Coong có độ tuổi từ 15 đến xấp xỉ 50.
Bình luận 0

Lớp học lúc mờ sáng

Tờ mờ sáng, khi những con gà rừng cất tiếng gáy te te thì người dân bản Ban (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cũng í ới gọi nhau ra lớp học chữ Bác Hồ. Trung úy Hoàng Thanh Hợp - cán bộ vận động quần chúng, Đồn Biên phòng 591 cho biết, sở dĩ phải tổ chức học sớm vì “học sinh” của lớp còn phải lên rẫy làm việc. Lớp học này hiện có 23 học sinh, đều là bà con dân tộc Ma Coong có độ tuổi từ 15 đến xấp xỉ 50.

img
Lớp học xóa mù tại bản Ban, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.

Theo trung uý Hợp, đầu năm 2010, qua khảo sát, Đồn Biên phòng 591 thấy ở bản Ban có nhiều người mù chữ và có nguy cơ tái mù. Dựa trên cơ sở đó, đơn vị đã họp bàn và xin ý kiến cấp trên rồi quyết định mở lớp học xóa mù chữ tại bản.

Lớp học chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1.7.2010 và duy trì đều đặn cho đến nay. Trung uý Hoàng Thanh Hợp và thiếu tá Hoàng Văn Đức - cán bộ vận động quần chúng được giao trách nhiệm phụ trách lớp học này.

Thiếu tá Hoàng Văn Đức cho biết thêm, phần lớn bà con đều tỏ ra e ngại, xấu hổ vì lớn tuổi rồi mà còn đi học. 2 anh phải đến từng nhà vận động bà con: “Người Ma Coong cũng như tất cả các dân tộc anh em khác ở Việt Nam đều là anh em ruột thịt. Phải học cho được cái chữ Bác Hồ thì mới đẩy lùi được “giặc đói” và “giặc dốt”. Ngay trong xã Thượng Trạch có Đinh Hợp, Đinh Xon, Y Nương… đời sống kinh tế khấm khá, hiểu biết nhiều về xã hội là nhờ trước đây họ rất chăm chỉ học cái chữ Bác Hồ”. “Mưa dầm thấm lâu”, bà con bắt đầu theo 2 anh đến lớp.

“Hiểu được tâm lý của bà con nên trong quá trình soạn giáo án, chúng tôi nghiên cứu khá kỹ lưỡng để tìm ra cách giảng dạy sao cho phù hợp với khả năng tiếp thu của từng người, phù hợp với đặc điểm địa lý, đời sống văn hóa của người Ma Coong…” - anh Đức chia sẻ.

Cả nhà cùng đi học

Một điều thú vị ở lớp học xóa mù chữ này là thời gian học không tuân theo một quy tắc nào mà “linh hoạt” với công việc của bà con. Chẳng hạn khi bản có việc cần thiết, vào dịp mùa màng thì họ tiến hành họp bàn rồi xin phép thầy giáo bố trí thời gian phù hợp. Trong lớp học xóa mù chữ này hội đủ các lứa tuổi khác nhau. Có trường hợp cả cha và con đều học cùng lớp như ông Đinh Xam và con là Y Noi.

img Có người buổi đầu đến lớp học chữ chỉ vì thấy trong bản có nhiều người đi học, bản thân không đi thì xấu hổ với mọi người. Dần rồi quen, dân bản ai cũng hăng hái đi học... img

Trung úy Hoàng Thanh Hợp

Một trường hợp khác cả nhà 3 thế hệ cùng nhau đến lớp như gia đình bà Y Huân và con là Y Mổ. Một số học sinh vừa theo học ở trường nhưng vẫn theo học ở lớp xóa mù. Các thầy giáo của lớp học xóa mù chữ cho biết, họ đã phân ra 4 trình độ khác nhau từ lớp 1 đến lớp 4 để giảng dạy cho phù hợp. Nhiều người khi vào học không hề biết lấy một con chữ, nhưng nay 100% học sinh của lớp đều đọc, viết thông thạo, thậm chí làm được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia khá phức tạp.

Chị Y Biên, 27 tuổi, đã có một con nhỏ tâm sự: “Trước đây miềng đã từng học hết lớp 7 rồi bỏ học. Chừ phải đi học tiếp để hiểu biết về xã hội chứ. Miềng là cán bộ phụ nữ của bản, vừa là người mẹ, phải học cho thật nhiều để làm gương cho con cái, nói dân bản mới tin và nghe theo chớ…”.

Anh Đinh Xam (sinh năm 1962) ngồi bên cạnh Y Biên tiếp chuyện: “Trước đây chiến tranh, miềng chỉ học đến lớp 2 rồi bỏ học. Miềng có 8 người con, tất cả chúng đều được miềng cho tới lớp học chữ hết. Chừ miềng đi học chủ yếu là để hiểu biết thêm về xã hội, biết được nhiều điều hay chứ có phải học để lấy bằng cấp chi mô. Hơn nữa, học là để làm gương cho con cái”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem