Từ nhỏ, Lương Thị Thúy – học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An đã chứng kiến tình trạng thanh niên trong bản học xong THCS hoặc THPT là nghỉ để đi làm thuê, lấy chồng sớm, quanh năm quanh quẩn với ruộng đồng, bản làng nên không có cơ hội phát triển bản thân. Thuý không cam lòng đi theo lối mòn như anh chị trong bản. Em ý thức phải học, bám chữ để thay đổi cuộc đời. Những bài giảng của thầy cô đã nhen nhóm ước mơ trở thành cô giáo trong Thúy.
Thuý nhớ lại: “Em sống ở bản nghèo, đi học được thầy cô chỉ bảo nhiều điều mới lạ, thú vị; trên báo đài cũng có nhiều câu chuyện về thầy, cô từ vùng xuôi dành cả thanh xuân bám bản gieo chữ cho học sinh vùng khó khiến em cảm động và thán phục. Vì thế, em mong muốn trở thành cô giáo, đứng trên bục giảng truyền kiến thức, giúp học sinh trong bản biết hình thành ước mơ, hoài bão”.
Nhờ động lực đó, thời gian 12 năm học phổ thông, Thuý luôn nỗ lực học tập, rèn luyện. Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 em đạt 29 điểm và trở thành thủ khoa khối C00 (Ngữ văn 9,25, Lịch sử 9,75, Địa lý 10) của Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An và trở thành tân sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Cùng lúc nhận được thông tin trúng tuyển sớm ở 5 trường đại học lớn gồm: Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Trường ĐH Luật Hà Nội, thế nhưng, Đinh Thị Bích Ngọc - Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình), thủ khoa “kép” tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (thủ khoa toàn quốc và thủ khoa khối C00 toàn tỉnh Ninh Bình với 29,75 điểm) quyết định chọn ngành Sư phạm tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Ước mơ trở thành cô giáo được Ngọc ấp ủ từ hè năm lớp 11, khi tham gia dự án dạy tiếng Anh cho các em ở Trung tâm bảo trợ xã hội Ninh Bình. Bích Ngọc kể: “Em may mắn hơn các bạn nhỏ ở Trung tâm vì từ khi sinh ra được bố mẹ quan tâm, chăm sóc, học hành đầy đủ để phát triển đam mê, sở thích, sở trường bản thân. Cũng nhờ vậy, em được tiếp cận với tiếng Anh sớm nên quá trình học và giao tiếp thuận lợi hơn”.
Sau khi kết thúc thời gian dạy tiếng Anh ở Trung tâm bảo trợ xã hội Ninh Bình, Bích Ngọc nhận ra nhiều bạn đồng lứa và các em nhỏ không có cơ hội tiếp xúc với ngôn ngữ này. Với mong muốn làm điều gì đó để giúp đỡ được nhiều người, nữ thủ khoa quyết tâm trở thành cô giáo dạy ngoại ngữ trong tương lai.
“Một lý do nữa khiến em chọn ngành Sư phạm chính là những năm học phổ thông, thầy cô luôn tạo điều kiện thuận lợi, truyền cảm hứng để em có thể biến mọi ước mơ thành sự thật. Thầy cô không ngại ngồi hàng giờ đồng hồ để giảng giải, chia sẻ những kiến thức khó; thậm chí luôn lắng nghe chúng em trong giai đoạn ôn thi nước rút dù rất mệt. Nếu không phải là những người thầy tâm huyết, hết lòng vì học trò thì khó có thể hiểu và đồng cảm với trò như vậy”, Bích Ngọc chia sẻ thêm.
Tín hiệu vui
Đổi mới giáo dục đòi hỏi nguồn nhân lực ngày một cao. Bởi vậy, một trong những điều quan trọng để thu hút người tài lựa chọn ngành Sư phạm là các chính sách đãi ngộ, việc làm.
Thầy Nguyễn Văn Chắp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tây Hà Nội (Hà Nội) nói: “Thời gian gần đây báo chí đưa tin về nhiều thủ khoa các khối tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT chọn theo ngành Sư phạm, đó là tín hiệu đáng phấn khởi. Đứng ở góc độ quản lý, ai cũng mong muốn có được đội ngũ tốt để phục vụ giảng dạy. Trường học có đội ngũ giáo viên tâm huyết, năng lực tốt, chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ có bước tiến lớn”.
Theo thầy Chắp, những chuyển biến tích cực trong tuyển sinh ngành Sư phạm thời gian qua nhờ Nhà nước, ngành Giáo dục có nhiều chính sách thu hút người giỏi. Cụ thể: Chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt, học bổng, nâng cao chất lượng đầu ra, việc làm… đã thu hút được học sinh có năng lực tốt.
Cùng đó, các chính sách còn khuyến khích người có bằng cấp hoặc kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác chuyển đổi sang ngành Sư phạm cũng mang đến sự đa dạng, phong phú trong kiến thức và phương pháp giảng dạy. Các cơ sở đào tạo cũng tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên, giáo viên tiếp cận môi trường học tập, thực hành hiện đại, góp phần nâng cao kỹ năng chuyên môn.
Đồng quan điểm, TS Bùi Hồng Quân - Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, Trường ĐH Sư phạm TPHCM nói: “Các thủ khoa chọn ngành Sư phạm cho thấy vai trò, vị trí của ngành được xã hội ngày càng quan tâm. Những chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước đã tác động vào ngành Giáo dục, chăm lo đời sống giáo viên tốt hơn. Qua đó cho thấy tầm quan trọng của nguồn nhân lực sư phạm không chỉ trong giáo dục mà cả quốc gia”.
Ở một góc độ khác, những chính sách của Nhà nước theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP rất quan trọng. Trong thực tế, nhiều sinh viên chọn ngành Sư phạm ngoài đam mê còn để giảm gánh nặng chi phí học tập cho gia đình. Nhờ bệ đỡ tài chính, nhiều em tập trung học tập nên vừa là thủ khoa đầu vào, vừa là thủ khoa đầu ra; cơ hội việc làm, học tiếp và phát triển rất lớn.
Ngành Giáo dục không chỉ cần chính sách thu hút mà còn phải có sự hỗ trợ, đãi ngộ, tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên phát triển toàn diện và đóng góp lâu dài. Tôi tin rằng, với sự đồng bộ và nhất quán của các chính sách, chúng ta có thể đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, từ đó góp phần xây dựng thế hệ học sinh có tri thức và kỹ năng vượt trội, sẵn sàng hội nhập vào môi trường quốc tế. - Thầy Nguyễn Văn Chắp (Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tây Hà Nội)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.