Những thực phẩm "sai lè lè" trong phim cổ trang Trung Quốc
Những thực phẩm "sai lè lè" trong phim cổ trang Trung Quốc
PV
Thứ hai, ngày 04/03/2024 18:31 PM (GMT+7)
Dưa hấu được truyền vào thời Tống - Liêu - Kim, nhưng Trư Bát Giới có thể ăn dưa hấu giải khát có lẽ là vì ông ta có thể cưỡi mây đạp gió bay đến Tây Vực...
Trong những phim cổ trang Trung Quốc, sai lầm về thực phẩm hay thấy nhất là "bắp" và "khoai lang", khiến người xem không khỏi thắc mắc là do biên kịch thích ăn chúng, hay là do bắp và khoai lang vừa rẻ lại dễ bảo quản? Trước thời tiền Đại Minh, chủng loại cây lương thực ở Trung Quốc cơ bản không thay đổi, nhưng đến thời kỳ hậu Đại Minh, bởi vì phát hiện châu lục mới, cây trồng châu Mỹ truyền vào làm thay đổi cơ cấu sản xuất lương thực Trung Quốc. Trong đó, loại cây quan trọng nhất là bắp và khoai lang.
Sử sách Trung Quốc ghi chép sớm nhất về bắp là trong "Dĩnh Châu Chí" vào thời vua Chính Đức nhà Minh (năm 1511). Bắp có thể nấu, nướng, mài thành bột, thậm chí còn có thể ăn sống. Tuy nhiên, mặc kệ bắp dễ ăn như thế nào thì cũng không thể xuất hiện trong phim cổ trang đề tài về thời tiền Đại Minh. Trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa" có tình tiết ăn bắp sống, trong trận chiến Quan Độ, binh sĩ của Tào Tháo bụng đói ăn quàng, ăn bắp sống.
Trong tập 1 phim "Tân Thủy Hử" có một cảnh đặc biệt, anh hùng Lương Sơn hẹn nhau tại cánh đồng bắp, Tống Giang đấu kiếm với Công Tôn Thắng tại cánh đồng bắp, một màn này chính là "hạt sạn" lớn trong bộ phim. Mà phía nhà làm phim thú nhận rằng, họ dùng cây bắp là vì không tìm được cây cao lương nên không thể quay đúng tình tiết đó.
Khoai lang cũng giống như bắp, cũng được đưa vào Trung Quốc từ thời đại nhà Minh. Năm 22 Vạn Lịch (niên hiệu của Vua Thần Tông thời Minh, Trung Quốc, 1573-1620), Phúc Kiến bị mất mùa nghiêm trọng, nhờ có khoai lang mới qua được thiên tai. Khoai lang được phổ biến đến một mức độ nhất định giúp giảm bớt vấn đề lương thực lúc ấy. Dân số Tây Hán đã đạt đến 60 triệu, thế mà cho đến cuối thời Minh dân số chỉ có 100 triệu người, nhưng đến thời Càn Long (niên hiệu vua Cao Tông, thời Thanh, Trung Quốc) dân số lại tăng vọt lên đến 200 triệu, ảnh hưởng của bắp và khoai lang có sản lượng cực kỳ cao là không thể xem thường.
Cà rốt vốn là sản vật Bắc Âu, được đưa đến từ Ba Tư vào thời nhà Nguyên, vì vậy nó không nên xuất hiện trong những phim quay vào thời đại trước thời nhà Nguyên. Mà ớt cũng là một trong những loại rau quả được đưa từ châu Mỹ vào từ thế kỷ 16. Kỳ thực, Trung Quốc cổ đại có khá ít chủng loại rau quả. Trong "Kinh Thi" nói đến 132 thực vật gieo trồng, nhưng những rau quả có thể ăn được chỉ có hơn 20 loại. Thời đó, những loại rau con người hay ăn nhất là "ngũ thái" được nhắc đến trong "Tố vấn" gồm: rau quỳ, rau hẹ, đậu, hành lá, củ kiệu.
Như vậy, quay một bộ phim cổ trang trước thời nhà Đường - Tống, nhân vật trong phim ăn rau gì mà người xem có thể biết đến, lại đảm bảo sẽ không phạm một sai lầm lịch sử đây? Đáp án dĩ nhiên là rau hẹ (hay còn gọi là cửu thái). Rau hẹ sinh trưởng nhiều ở Trung Quốc, nhưng vào triệu đại nhà Hán không phải người bình thường nào cũng có thể ăn được, vì nó là loại thực phẩm hiếm thấy, chỉ có vương công quý tộc mới ăn được rau hẹ sấy. Đến triều đại nhà Tống rau hẹ mới tương đối phổ biến, trong thơ Tô Thức có nhắc đến, "Tiệm giác đông phong liêu tiểu hàn, thanh cao hoàng cửu thí xuân bàn".
Ngoài rau hẹ, cải trắng ban đầu được gọi là "tùng" (nói trong sách cổ) cũng là một lựa chọn an toàn. Tuy nhiên, phẩm chất cải trắng hiện nay căn bản không thể so sánh với "tùng" trong triều đại nhà Hán, hơn nữa "tùng" thời đó khá quý giá. Đến thời nhà Tống, cải trắng được cải tiến tạo thành giống tốt, khỏe mạnh hơn, lớn hơn, năng suất cao, chịu được lạnh, cũng ăn ngon hơn nhiều so với các loại rau cải khác. Tô Thức từng nói qua: "Bạch tùng tự cao đồn, mạo thổ xuất hùng bàn", có ý tứ rằng, rau cải trắng ăn còn ngon hơn bàn chân gấu, cừu non, cá nóc.
Lương thực và rau quả không được sai trong bối cảnh lịch sử. Ví dụ như trong bộ phim truyền hình Lục Trinh truyền kỳ rõ ràng xuất hiện quả thanh long, Lục Trinh là quan nữ thời Bắc Tề, trong khi nguyên gốc xuất xứ quả thanh long là Trung Mỹ.
Ăn hoa quả nào mới an toàn đây? Các diễn viên có thể yên tâm dùng anh đào, đào, quýt, vải, hạnh, lê, mận, mận bắc, quả hồng..., để diễn các nhân vật trong bất kỳ thời đại nào, nhưng không được dùng quả táo, dứa, dâu tây.
Phần lớn các vùng trồng táo ở Trung Quốc hiện nay đều là táo châu Âu du nhập vào sau thế kỷ 19. Có người cho rằng trong tài liệu lịch sử cổ đại thường xuyên xuất hiện "nại" chính là quả táo, kỳ thực đó là táo hồng (một loại táo ở Trung Quốc). Khi ăn một số trái cây cần phải chú ý niên đại, ví dụ như trước thời Hán có một số hoa quả chưa xuất hiện như nho, lựu, óc chó, những thứ này đều được mang đến từ Tây Vực. Dưa hấu được truyền vào thời Tống - Liêu - Kim, nhưng Trư Bát Giới có thể ăn dưa hấu giải khát có lẽ là vì ông ta có thể cưỡi mây đạp gió bay đến Tây Vực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.