Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
"Hái trái ngọt" từ mô hình đa cây
Thương binh hạng 2 Nguyễn Hồng Tâm (SN 1954, quê Quảng Trị) từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại chiến trường Quảng Trị. Năm 1986, ông xuất ngũ trở về quê, sau đó cùng người thân và gia đình đến huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) đi xây dựng kinh tế mới.
Mang trong mình vết thương chiến tranh để lại, luôn phải chịu đau nhức đôi chân mỗi khi trái gió, trở trời, nhưng ông Tâm luôn dặn lòng không được nản chí, phải cần mẫn, chăm chỉ, cố gắng vươn lên. Sau gần 30 năm lập nghiệp trên quê hương mới, mảnh đất khô cằn nhiều sỏi đá ở thôn 7, xã Ea Kly, huyện Krông Pắc ngày nào nay đã được phủ lên màu xanh mượt mà của vườn quả ngọt.
Ông Tâm cho biết, trên diện tích 1 ha, trước đây ông trồng thuần cà phê. Khi vườn cà phê hết chu kỳ kinh doanh, ông đi học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi để tìm hướng chuyển đổi cây trồng hiệu quả.
Nhận thấy một số loại cây ăn quả khá phù hợp với điều kiện và đất đai tại địa phương. Mặt khác, trồng cây ăn quả chỉ tốn công chăm sóc thời gian đầu, sau năm thứ ba trở đi công chăm sóc giảm dần và cây bắt đầu cho thu hoạch. Do đó, năm 2016, ông quyết định phá bỏ 1 ha cà phê già cỗi, cải tạo lại đất rồi trồng 300 cây vải giống u hồng, 30 cây cam cara ruột đỏ trên diện tích 7 sào. Lấy ngắn nuôi dài, diện tích 3 sào phần đất trũng, ông canh tác 2 vụ lúa/năm, thêm nguồn thu nhập. Hiện mỗi năm gia đình ông thu hoạch gần 4 tấn trái cây các loại, hơn 3 tấn lúa.
Kinh tế gia đình ổn định, ông Tâm có điều kiện giúp đỡ người dân địa phương khó khăn trong sản xuất và tích cực tham gia công tác xã hội. Gần 10 năm nay, đều đặn mỗi cuối tuần, ông Tâm lại làm tài xế tình nguyện của những chuyến xe chở cơm thiện nguyện của chùa Phước Tịnh (thôn 3, xã Ea Kly) phục vụ bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa huyện Krông Pắc.
Tấm lòng nhân hậu của nữ thương binh
Dù mang trong mình nhiều thương tật, nhưng hằng ngày, thương binh 3/4 Trần Thị Út Hiền (SN 1952, tổ dân phố 14, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) vẫn tích cực đến từng nhà thăm hỏi, vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế, hưởng ứng phong trào địa phương, đoàn kết, xây dựng đời sống văn minh.
Tham gia hoạt động cách mạng và nên duyên vợ chồng với ông Trần Văn Học trong cùng đơn vị. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, vợ chồng bà đều mang trong mình chất độc da cam/dioxin. Năm 1982, cả gia đình đã chuyển đến định cư ở huyện Krông Pắc. Với ý chí vượt qua gian khổ của người lính, vợ chồng bà đã chăm chỉ chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình.
Thấu hiểu những khó khăn của người dân ở tổ dân phố 14, nơi gia đình bà sinh sống, từ năm 2004, sau khi được sự đồng ý của cấp ủy, chính quyền địa phương, bà Hiền đã vận động thành lập Tổ đoàn kết. Tổ họp định kỳ hằng tháng để giải quyết vướng mắc cho các chị em, đóng góp xây dựng nguồn quỹ tạo vốn xoay vòng, giúp các chị em phát triển kinh tế, đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán...
Đến nay, tổ đã vận động được 25 chị em tham gia, đóng góp bình quân 35 triệu đồng/tháng, phát triển nguồn quỹ lên đến 2,1 tỷ đồng, giúp 4 chị em tổ viên thoát nghèo bền vững, giúp nhiều chị em có điều kiện xây nhà, sửa chữa nhà, mua sắm đồ dùng như ti vi, xe máy… Hoạt động của tổ còn góp phần đẩy lùi được nạn "tín dụng đen" trên địa bàn. Nhờ sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đời sống các tổ viên ngày càng ổn định.
Không chỉ giúp các chị em thoát nghèo, bà Hiền còn vận động người dân nhiệt tình tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong cụm 5 của tổ dân phố, có đoạn đường ruộng dài khoảng 200 m nhỏ hẹp, trời mưa lầy lội. Gia đình bà Hiền đã tiên phong hiến 200 m2 đất, vận động người dân đóng góp ngày công, chung tay mở rộng đoạn đường, đổ đá cấp phối để thuận tiện cho việc đi lại, sản xuất của người dân.
Bên cạnh đó, bà Hiền còn trở thành hòa giải viên tích cực của địa phương. Khi người dân có mâu thuẫn, xích mích, bà đều đến tận nhà, dùng những lời lẽ ân cần, gần gũi, phân tích có tình, có lý để người dân hiểu, cùng nhau chung sống hòa hợp, đoàn kết.
Vượt lên thương tật, phát triển kinh tế
Năm 1980, ông Nguyễn Văn Xinh tình nguyện lên đường nhập ngũ tại Trung đoàn 733, Sư đoàn 315. Trong một lần đang trên đường truy quyét địch, ông Xinh vô tình giẫm phải mìn, khiến ông mất đi một bên chân, mang thương tật 61%. Đến năm 1983, ông Xinh xuất ngũ trở về địa phương, cuộc sống ở quê nhà khó khăn, nên 1987 ông cùng gia đình rời quê Bình Định vào lập nghiệp tại thôn 5 (xã Cư Mốt, huyện Ea H'leo, Đắk Lắk).
Thời gian đầu, do mất đi một bên chân, nên ông Xinh thường xuyên đau nhức, không thể lao động nặng. Nhưng với bản lĩnh, ý chí của người lính Cụ Hồ, ông đã cố gắng, nỗ lực vượt qua hoàn cảnh để phát triển kinh tế gia đình. Trải qua nhiều công việc khác nhau, sau thời gian dành dụm, tích góp vợ chồng ông Xinh mua được hơn 1 ha đất rẫy. Nhận thấy cây cà phê và hồ tiêu phù hợp với đất canh tác và mang lại giá trị bền vững, ông Xinh quyết định trồng xen 700 trụ tiêu và 1.000 cây cà phê.
Ông Xinh cho hay, khi trồng cà phê xen hồ tiêu, tỷ lệ sâu bệnh trên cả hai loại cây đều giảm so với trồng thuần cà phê, cây hồ tiêu được trồng dưới gốc trụ sống nên không cạnh tranh dinh dưỡng với cây cà phê. Để tiêu đạt năng suất cao, ông thường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân chuồng bón cho cây, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật nhằm tăng khả năng chống lại các loại sâu bệnh hại nguy hiểm.
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, bình quân mỗi năm gia đình ông thu được hơn 3 tấn tiêu và hơn 3 tấn cà phê, với thu nhập hơn 200 triệu đồng. Tận dụng khoảng trống giữa các cây, từ năm 2018, ông Xinh còn trồng xen thêm 50 cây sầu riêng và bơ booth để có thêm nhiều nguồn thu nhập.
Không chỉ sản xuất giỏi, ông Xinh luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, hoạt động của điạ phương. Tích cực cùng với nhân dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất cho người dân để cùng phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.