Đắk Lắk: Chú trọng thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa

Thư Anh Thứ hai, ngày 24/07/2023 20:03 PM (GMT+7)
Những năm qua, bên cạnh nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đắk Lắk luôn xác định công tác thương binh, liệt sĩ và giải quyết chính sách đối với người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng.
Bình luận 0

Nỗ lực chăm lo cho gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tỉnh Đắk Lắk đang quản lý gần 60.000 hồ sơ đối tượng, trong đó gần 45.000 hồ sơ người có công, thân nhân người có công và hơn 14.000 hồ sơ đối tượng khác như thanh niên xung phong, hưởng chế độ theo Quyết định 290, 142, 53, 62, 57, 49 của Thủ tướng Chính phủ... Hiện nay, tỉnh đang chi trả trợ cấp hằng tháng cho hơn 10.000 đối tượng, với số tiền hơn 21 tỷ đồng/tháng.

Đắk Lắk: Chú trọng thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa - Ảnh 1.

Đại diện lãnh đạo huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) thăm, tặng quà lão thành cách mạng Nông Thị Hạnh ở xã Tân Hòa.

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều hoạt động chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành LĐ-TBXH tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận và xử lý 505 hồ sơ đối tượng chính sách các loại; đón tiếp, xác nhận 3.196 lượt thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk; giải quyết di chuyển 7 hài cốt liệt sĩ đang an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh về quê theo nguyện vọng của gia đình.

Toàn tỉnh đã thực hiện thăm, tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng; tổ chức đưa 55 đối tượng người có công với cách mạng tiêu biểu của tỉnh đi tham quan các tỉnh miền Trung và miền Bắc; đưa 240 đối tượng người có công với cách mạng đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công miền Trung (TP Đà Nẵng).

Đắk Lắk: Chú trọng thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa - Ảnh 2.

Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh Đắk Lắk trao mô hình sinh kế cho các gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ chính sách ưu đãi cho người có công như: Chi trả trợ cấp hằng tháng, thực hiện chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, bảo hiểm y tế, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm, cải thiện nhà ở…

Đồng thời, tiếp tục duy trì phát triển 184/184 xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Các địa phương luôn quan tâm hỗ trợ các gia đình chính sách là hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; tất cả Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn tỉnh đều được chăm sóc, phụng dưỡng…

Thương binh hạng 1/4 Kbuôr Y Rô (ở tổ dân phố 7, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) cho hay: "Hằng tháng, tôi được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách. Vào dịp lễ, Tết, đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương luôn thăm hỏi, động viên. Những tình cảm ấy làm tôi rất phấn khởi. Dẫu trên người mang thương tích của chiến tranh, nhưng tôi luôn cố gắng lao động sản xuất. Trên diện tích gần 1 ha đất sản xuất được cấp, tôi trồng trọt kết hợp chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Nhìn chung đời sống gia đình ổn định, không còn cảnh nghèo khó như trước đây".

Đắk Lắk: Chú trọng thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa - Ảnh 3.

Sự thăm hỏi, động viên không chỉ là sự tri ân công lao của các thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công mà còn là động viên họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Ngoài ra, các chương trình chăm sóc thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công trên địa bàn cũng được quan tâm thực hiện tốt, giúp các đối tượng chính sách có thêm niềm tin và động lực để tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng trong thời bình, làm gương cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng đất nước.

Phát huy truyền thống đạo lý của dân tộc 

Sự thăm hỏi, động viên không chỉ là sự tri ân công lao của các thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc mà còn là để động viên họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Ông Lục Văn Kín (SN 1954, ở thôn 11, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) là thương binh nặng với tỷ lệ thương tật 82% vẫn thường kể cho con cháu nghe những câu chuyện vào sinh ra tử của mình và đồng đội thời kháng chiến. Ông Kín cũng không quên nói về sự chăm sóc tận tâm của chính quyền địa phương, của những cán bộ làm công tác thương binh xã hội tỉnh Đắk Lắk từ khi ông cùng gia đình rời quê hương Cao Bằng vào định cư tại đây năm 1980.

Năm 1998, gia đình ông Kín được chính quyền cấp đất và hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng căn nhà Tình nghĩa rộng hơn 30 m2, hằng năm lại được cho đi điều dưỡng ở các tỉnh, hoặc có thể hưởng trợ cấp điều dưỡng tại nhà. Cùng đó là nhiều chế độ, chính sách ưu đãi khác dành cho người có công… "Được Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, thăm hỏi thường xuyên vào những dịp lễ, Tết, những người lính tham gia chiến đấu vì độc lập của dân tộc như chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng. Lần nào đến, đại diện chính quyền địa phương, cán bộ chính sách cũng đều ân cần hỏi thăm sức khỏe, tình hình kinh tế gia đình, chuyện học hành của con cháu...", ông Kín vui vẻ tâm sự.

Đắk Lắk: Chú trọng thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa - Ảnh 4.

Công tác chăm lo đời sống gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Đắk Lắk chú trọng.

Bà Trần Thị Thu Hoài, Trưởng Phòng Người có công, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công thể hiện vai trò, trách nhiệm và những truyền thống đạo lý tốt đẹp lâu đời của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là việc làm thời gian qua các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt chú trọng và quan tâm thực hiện.

Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để thế hệ trẻ hiểu về truyền thống đấu tranh của các anh hùng liệt sĩ, những hy sinh to lớn của thế hệ cha ông. Từ đó phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời làm tốt hơn nữa công tác "Đền ơn đáp nghĩa". 

Bên cạnh đó là triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách ưu đãi của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để người có công và gia đình cải thiện cuộc sống, tiếp tục khẳng định và phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, dòng họ. Làm tốt công tác này là hướng đến mục tiêu chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn người dân nơi cư trú.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem