Những thương binh "tàn nhưng không phế"

Thùy Linh Thứ hai, ngày 12/12/2022 12:30 PM (GMT+7)
Từng xông pha trong lửa đạn, cống hiến tuổi trẻ, xương máu của mình cho độc lập tự do của dân tộc, khi trở về với cuộc sống đời thường, nhiều thương binh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lại tiếp tục nỗ lực trên "mặt trận" kinh tế - xã hội, làm giàu cho gia đình và góp sức xây dựng quê hương…
Bình luận 0

Nghị lực của người lính

Xuất ngũ trở về quê hương với thương tật hạng 2/4, năm 1984, ông Lê Đức Thái (SN 1948) cùng gia đình rời quê hương Thanh Hóa vào thôn 12, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) định cư lập nghiệp.

Thời điểm đó, kinh tế gia đình ông rất khó khăn. Thêm vào đó, cứ mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát khiến ông đau đớn, có lúc ông muốn bỏ về lại quê hương. Nhưng rồi khắc ghi lời dạy của Bác "Thương binh tàn nhưng không phế", vợ chồng ông lại động viên nhau cùng nỗ lực vươn lên. "Chiến tranh, bom đạn ác liệt là vậy mình còn vượt qua được chẳng lẽ lại sợ khổ, sợ đói nghèo", ông Thái động viên bản thân. Với ý chí cùng sự quan tâm động viên của gia đình, bạn bè, đồng đội, ông Thái cùng vợ tăng gia sản xuất, khai phá đất trồng hoa màu lấy cái ăn và gom góp tiền mua thêm đất canh tác.

Những thương binh "tàn nhưng không phế" - Ảnh 1.

Mô hình nuôi gà thương phẩm của thương binh Lê Đức Thái ở xã Ea Kmút (huyện Ea Kar)

Trên 1 ha đất của gia đình, ở khu vực thấp trũng, ông Thái thuê người đào 200 m2 ao nuôi cá, diện tích còn lại vợ chồng ông làm chuồng trại chăn nuôi gà thương phẩm và trồng thêm các loại rau xanh. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ông tận dụng đất trống xung quanh vườn trồng cỏ làm thức ăn cho cá và không ngừng tìm hiểu, áp dụng kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Nhờ vậy, trang trại của gia đình ông ngày càng phát triển. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu được lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, thương binh Lê Đức Thái còn nhiệt tình tham gia công tác ở địa phương với vai trò là Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn, Trưởng thôn rồi đến Bí thư Chi bộ thôn 12. Ở vị trí công tác nào ông Thái cũng tích cực cùng cấp ủy, ban tự quản, các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa. Giờ đây, do tuổi cao sức yếu, ông không đảm trách những công việc của thôn, nhưng với uy tín, kinh nghiệm của mình, ông vẫn tích cực tham gia công tác dân vận.

Thương binh "hai giỏi"

Năm nay dù đã 75 tuổi, nhưng thương binh 1/4 Kbuôr Y Rô ở tổ dân phố 7 (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) vẫn giữ tinh thần lạc quan, nụ cười luôn thường trực trên môi.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Krông Năng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), năm 12 tuổi ông Y Rô đã làm liên lạc cho cách mạng. Năm 1962, ông thoát ly, tham gia bộ đội trinh sát thuộc Tỉnh đội Đắk Lắk đóng tại huyện H2 (nay là xã Ia Rsai, Krông Pa, tỉnh Gia Lai), sau đó được điều động về Trạm giao bưu thông tin liên lạc Bưu điện Đắk Lắk. Đất nước giải phóng, ông Y Rô chuyển về Đội công tác truy quét Fulro đóng tại buôn Dlung (xã Thống Nhất, huyện Krông Búk).

Những thương binh "tàn nhưng không phế" - Ảnh 2.

Thương binh Kbuôr Y Rô (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) là người có uy tín trong cộng đồng được bà con yêu mến, kính trọng

Năm 1980, trong một lần tham gia truy quyét Fulro, ông Y Rô bị thương nặng. "Khoảng 20 giờ ngày 3/3/1980, trong lúc bàn chiến thuật cùng hai đồng đội thì bất ngờ bị các đối tượng Fulro phục kích. Tôi cùng đồng đội bắn trả, tiêu diệt được bốn tên, đêm tối khiến tôi mất cảnh giác nên bị Fulro bắn vào chân, trước khi ngất đi tôi chỉ nghe một loạt tiếng súng rền vang. Lúc tỉnh dậy đã thấy mình nằm điều trị tại Bệnh viện huyện Krông Búk, trên người dây garo quấn chằng chịt, chân và tay không có cảm giác gì", ông Y Rô nhớ lại.

Trở về sau những ngày điều trị với chân và tay phải bị cưa cụt, mất 81% sức khỏe, nhưng với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, ông Y Rô hăng say lao động sản xuất, nuôi dạy con cái trưởng thành. Được Nhà nước hỗ trợ lắp chân giả và định kỳ kiểm tra sức khỏe tại Trung tâm Phục hồi chức năng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), ông Y Rô dần làm quen với chân giả, tự mình chăm sóc bản thân, phát triển kinh tế trên 9 sào đất được cấp. "Từng mảng da bị tróc, máu rịn trên cánh tay tật nguyền mỗi khi lao động, nhưng nếu không vượt qua nỗi đau thể xác, vợ con sẽ đói", ông Y Rô tự động viên mình. Sau những nỗ lực, cố gắng, kinh tế gia đình ông Y Rô dần ổn định. Vợ chồng ông mở rộng chuồng trại để tăng thêm thu nhập.

Là người có uy tín trong cộng đồng, ông Y Rô thường xuyên cùng thành viên Ban tự quản tổ dân phố đến từng nhà vận động bà con nhân dân trong tổ tham gia phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc", "Xây dựng đời sống văn hóa"…, góp phần xây dựng tổ dân phố văn hóa. Gia đình ông Y Rô nhiều năm liền được công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu.

Làm giàu từ mô hình VAC

Với quyết tâm vượt khó vươn lên làm giàu, ông Trần Toàn (62 tuổi) thương binh hạng 3/4 ở thôn 2, xã Ea Knuêk, huyện Krông Pắc là tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi với mô hình VAC tổng hợp.

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, ông Toàn tham gia vào lực lượng 04 của tỉnh; năm 1976 trong một trận truy quét Fulro trên địa bàn huyện Krông Pắc ông bị thương ở tay. Sau khi hồi phục sức khỏe, ông chuyển về làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội tại UBND xã Ea Knuêk, với tỷ lệ thương tật 27%.

Hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả lại đông con nên bên cạnh việc hoàn thành tốt công tác xã hội, ông còn tích cực học hỏi kinh nghiệm, áp dụng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả tại địa phương để phát triển kinh tế gia đình.

Những thương binh "tàn nhưng không phế" - Ảnh 3.

Thương binh Trần Toàn ở xã Ea Knuêk (huyện Krông Pắc) với mô hình phát triển kinh tế Vườn- ao - chuồng mang lại hiệu quả

Ban đầu, nguồn vốn còn hạn hẹp, ông Toàn tập trung đầu tư trồng cà phê trên mảnh đất 1,5 ha của gia đình. Nhờ quá trình chăm sóc bài bản, đúng kỹ thuật, sau 3 năm vườn cà phê đã cho sản lượng ổn định từ 3-4 tấn/năm. Từ nguồn thu qua các mùa cà phê, năm 1990 ông bắt tay vào tu sửa 700 m2 ao để thả nuôi các loại cá: Trắm, chép, rô phi..., hằng năm ông thu hoạch được 5 tạ cá, trừ chi phí ông còn lãi 20 triệu đồng. Cùng với đó, ông canh tác thêm 1 sào ruộng lúa, kết hợp nuôi 2 con bò sinh sản.

Những năm trở lại đây, ông Toàn tiếp tục thử nghiệm chiết ghép tự tạo giống một số loại cây ăn quả như: Sầu riêng, thanh long, bơ... để dần thay thế cho vườn cà phê già cỗi. Tận dụng nguồn phế thải từ việc chăn nuôi bò để chăm bón cho cây, hiện các loại cây đang phát triển tốt và đã bắt đầu cho thu hoạch.

Với đức tính cần cù, chịu khó, kết hợp mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng phù hợp nên gia đình ông từng bước vươn lên khấm khá, xây dựng nhà cửa đàng hoàng cũng như nuôi 6 người con ăn học đến nơi đến chốn. Mô hình kinh tế VAC hiệu quả, hằng năm, trừ chi phí ông Toàn còn thu về hơn 200 triệu đồng. Từ những kinh nghiệm thực tế có được, ông luôn chia sẻ, giúp đỡ các thành viên trong Hội Cựu chiến binh và bà con trong thôn, xã cùng nhau phát triển kinh tế gia đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem