Những tiết học như "tra tấn" và sự cô độc của học sinh khi bị xa lánh
Những tiết học như "tra tấn" và sự cô độc của học sinh khi bị xa lánh
Thứ ba, ngày 18/04/2023 15:12 PM (GMT+7)
Đọc thông tin nữ sinh trường chuyên ở Nghệ An tự tử, nghi do bạo lực học đường - Phạm Minh - sinh viên tại TPHCM giật mình nghĩ lại những gì đã từng xảy ra trong chính lớp học của mình.
Mấy ngày nay, thông tin đau lòng về nữ sinh N.T.Y.N. (SN 2007) - lớp 10, Trường THPT chuyên Đại học Vinh - tự tử đã gây rúng động dư luận. Có thông tin cho biết cho biết em N. bị cả lớp xa lánh.
Bà Đặng Việt Hà - giáo viên chủ nhiệm lớp của N. - cho biết, khi vào lớp, em N. có chơi thân với một nhóm bạn, một thời gian sau thì các bạn và N. không chơi chung nữa. Cô Hà gặp gỡ riêng, tìm hiểu tâm tư các em, nhận được câu trả lời lý do "không hợp nhau".
Trước khi N. mất, có một thời gian em nghỉ học nhiều buổi, nhưng không liên tục vì lý do sức khỏe. N. cũng hỏi cô giáo về thủ tục xin chuyển lớp.
Theo dõi từng bài viết về sự việc, Phạm Minh - sinh viên ngành Luật của một trường đại học ở TPHCM như thêm những nhát cứa trong lòng cùng sự đồng cảm với N.
Năm đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học, Minh chơi rất thân với một nhóm bạn cùng lớp. Nhóm này thường cùng nhau làm bài thuyết trình, bài tập nhóm một cách vui vẻ.
Thế nhưng sau đó, các bạn còn lại đã "cạch mặt" Minh bởi cho rằng gia đình sinh viên này có quan hệ nên điểm số được ưu ái hơn các bạn.
Kể từ đó, nam sinh rơi vào cảnh khó khăn khi không thể hòa nhập với nhóm. Các bài làm việc nhóm trên lớp, các bạn không cho Minh tham gia chung. Ở đại học, giảng viên thường chia nhóm để làm việc nên em rơi vào hoàn cảnh bơ vơ.
Nhiều nhóm khác cũng không dám nhận Minh vào vì bị các bạn nhóm cũ "lời ra tiếng vào". Thậm chí, có bạn trong nhóm còn lên confession (trang tin riêng - PV) của trường bịa đặt rất nhiều thông tin nhằm bôi xấu danh dự về chàng trai.
"Đã có lúc em cảm thấy bất lực, lạc lõng trong chính lớp học của mình. Những giờ đi học như tra tấn. Mình em ngồi một góc và mình em tự làm một nhóm", Minh kể.
Nam sinh này từng có ý nghĩ xin chuyển lớp, chuyển ngành thậm chí là nghỉ học. Chán nản, Minh thường xuyên trốn tiết hoặc có mặt cũng chỉ để điểm danh… Từ một sinh viên năng động tham gia các hoạt động, Minh dần khép mình, kín tiếng, ngại xuất hiện chỗ đông người…
Nhưng rồi, sau khi suy nghĩ kỹ càng, Minh quyết định "bơ đi mà sống" bởi các bạn không thể sống thay mình.
"Đọc từng dòng tin tức về nữ sinh Nghệ An, em như thấy chính bản thân mình trong câu chuyện đó. Thật tiếc là N. đã không thể vượt qua", Minh buồn rầu.
Còn anh Bùi Khang (huyện Bình Chánh, TPHCM) giật mình khi đọc tin tức về N.
"Phải gọi là thức tỉnh, sự việc này là hồi chuông cảnh báo tới nhiều bậc phụ huynh và thầy cô giáo. Trong đó có tôi khi chính con tôi cũng là nạn nhân của bạo lực học đường mà tôi có thể chưa thực sự quan tâm hết", anh Khang nói.
Anh Khang kể, hồi đầu năm, khi đang đi làm, anh nhận được cuộc gọi của con gái lớp 3 nằng nặc đòi xin chuyển lớp. Khi gặng hỏi, bé chỉ nói không thích lớp mới do cháu vừa chuyển từ trường khác sang.
Lúc đó, anh Khang chỉ gọi điện cho cô giáo để nắm bắt tình hình và đề nghị cô quan tâm để cháu có môi trường hòa nhập tốt.
"Tối qua về gặng hỏi con, cháu mới tiết lộ vì mình chuyển từ một trường quốc tế bình thường qua trường quốc tế "xịn" hơn nên bị các bạn chú ý. Các bạn chê con không dùng hàng hiệu, không mang nhiều tiền đi học,… Tôi nghe mà chết lặng", anh Khang kể.
Cách mà các bạn cho con anh Khang "ra rìa" là không chơi cùng bé. Bé nói tiếng Anh chưa tốt, các bạn không nói chuyện với con mà chỉ nói với nhau bằng tiếng Anh.
Nhiều bình luận trên mạng xã hội cũng bày tỏ mình từng là nạn nhân của bạo lực học đường, đã có lần nghĩ tới tự tử.
Bạo lực có thể bằng lời nói, thái độ
ThS Tâm lý Lê Thị Minh Hoa chia sẻ, bạo lực học đường là một vấn nạn nghiêm trọng trong môi trường giáo dục, xuất hiện ở cả thời xưa và nay. Bạo lực xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, từ bạo lực thể xác đến tâm lý; có thể xảy ra trực tiếp hoặc trên mạng xã hội.
Trong đó, bà Hoa nhấn mạnh tới hình thức bạo hành tinh thần như xa lánh, cô lập, nói xấu… gây tổn thương rất lớn.
Học sinh bị bạo lực học đường có thể cảm thấy bất công, áp lực, gây giảm sút kết quả học tập, giảm niềm vui khi đến trường, không tự tin vào bản thân, sống khép kín, ngại chia sẻ với người thân (gia đình, thầy cô, bạn bè). Nguy hiểm hơn, những điều này khiến trẻ sợ hãi, hoang mang về những giá trị đạo đức của xã hội, nhà trường, gia đình.
ThS Minh Hoa nhấn mạnh tới vai trò của thầy cô cần quan tâm, tạo sự tin tưởng để học sinh có thể chia sẻ. Cha mẹ và thầy cô, nhà trường phối hợp chặt chẽ trong dạy bảo, chăm sóc trẻ.
Đồng quan điểm, trong bài nói chuyện với chuyên đề "Triệu chứng tự hủy hoại bản thân ở lứa tuổi THCS", ThS. NCS Mai Mỹ Hạnh - Phó trưởng khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm TPHCM - nhấn mạnh tới công tác tham vấn tâm lý tại trường học, sự quan tâm sát sao của thầy cô và gia đình.
Trong đó, trẻ cần được quan tâm, chia sẻ để phát hiện sớm các dấu hiệu để tìm nguyên nhân và giải pháp phù hợp để hỗ trợ. Các em cần có môi trường an toàn, đủ tin tưởng để chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc và khó khăn đang gặp phải…
Theo bà Hạnh, thế hệ Gen Z là đối tượng dễ mắc phải các hội chứng tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu.
"Cha mẹ, thầy cô cần quan tâm, chia sẻ với trẻ nhiều hơn; cần tăng cường các hoạt động giáo dục, kỹ năng sống, phối hợp với phòng tư vấn tâm lý học đường để có biện pháp phòng ngừa…", bà Mỹ Hạnh khuyên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.