Những vấn đề gay cấn nào sẽ được đặt lên bàn cuộc gặp thượng đỉnh Tập Cận Bình - Biden?
Những vấn đề gay cấn nào sẽ được đặt lên bàn cuộc gặp thượng đỉnh Tập Cận Bình - Biden?
V.N (Theo AP)
Thứ bảy, ngày 11/11/2023 10:19 AM (GMT+7)
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau vào thứ Tư 15/10 tại California để đàm phán về thương mại, Đài Loan và mối quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung trong cuộc gặp đầu tiên sau một năm giữa lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhà Trắng đã nói trong nhiều tuần rằng họ dự kiến ông Biden và ông Tập sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại San Francisco, nhưng các cuộc đàm phán đã diễn ra từ trước cuộc họp.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về “tầm quan trọng liên tục của việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở” và cách họ “có thể tiếp tục quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm và làm việc cùng nhau khi lợi ích của chúng ta phù hợp, đặc biệt là về các thách thức xuyên quốc gia có ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế”.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10/11 cho biết, ông Tập sẽ tham dự APEC từ thứ 14-16/11 theo lời mời của ông Biden và sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung.
Hai quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Biden cho biết, các nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau ở khu vực Vịnh San Francisco nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết vì lo ngại về an ninh. Hàng nghìn người biểu tình dự kiến sẽ đổ xuống San Francisco trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong đã gặp nhau trong ngày hội đàm thứ hai hôm 10/11 tại San Francisco. Đây là sự kiện mới nhất trong chuỗi các cam kết cấp cao giữa hai quốc gia trong những tháng gần đây nhằm giảm bớt căng thẳng.
Bà Yellen cho biết, trong cuộc hội đàm, bà nhấn mạnh rằng Mỹ đang tìm kiếm mối quan hệ kinh tế lành mạnh với Trung Quốc. Bà kêu gọi Trung Quốc trấn áp các công ty tư nhân và tổ chức tài chính của Trung Quốc mà Mỹ tin rằng đang né tránh các lệnh trừng phạt quốc tế để kinh doanh với Nga, đồng thời bà nêu lên mối lo ngại về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc đối với than chì trong số các khoáng sản quan trọng khác. Than chì là nguyên liệu thô quan trọng trong pin xe điện.
Bà Yellen đã đến thăm Trung Quốc vào tháng 7, và lần này cho biết bà đã nhận lời mời quay trở lại Bắc Kinh vào năm tới.
“Không có gì có thể thay thế cho ngoại giao trực tiếp” - Yellen nói và cho biết bà tin rằng hai bên đã đặt nền móng cho cuộc gặp hiệu quả giữa Biden và Tập. “Trong các cuộc thảo luận, chúng tôi đã nhất trí về vấn đề thảo luận sâu sắc và thẳng thắn, đặc biệt khi chúng tôi không đồng ý”.
Cuộc gặp Biden - Tập dự kiến sẽ không dẫn đến nhiều thông báo quan trọng, nếu có, và sự khác biệt giữa hai cường quốc chắc chắn sẽ không được giải quyết. Thay vào đó, một quan chức cho biết, ông Biden đang hướng tới “quản lý sự cạnh tranh, ngăn chặn nguy cơ xung đột và đảm bảo các kênh liên lạc luôn rộng mở”. Các quan chức cho biết họ tin rằng đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Tập tới San Francisco kể từ khi ông còn là một lãnh đạo trẻ của Đảng Cộng sản.
Chương trình nghị sự không thiếu những vấn đề khó khăn.
Những khác biệt trong mối quan hệ vốn đã phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ trở nên sâu sắc hơn trong năm ngoái, khi Bắc Kinh phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ đối với công nghệ tiên tiến. Ngoài ra ông Biden ra lệnh bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc sau khi nó bay ngang qua lục địa Mỹ. Trung Quốc cũng rất tức giận về chuyến dừng chân tại Mỹ của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vào đầu năm nay… Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác.
Ông Biden cũng có thể sẽ thúc ép Chủ tịch Tập sử dụng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về tốc độ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên cũng như việc Bình Nhưỡng cung cấp đạn dược cho Nga để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine.
Tổng thống Biden cũng dự kiến sẽ cho ông Tập biết rằng ông muốn Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng ngày càng tăng của mình đối với Iran để làm rõ rằng Tehran hoặc các lực lượng ủy nhiệm của họ không nên thực hiện hành động có thể dẫn đến mở rộng cuộc chiến Israel-Hamas. Mỹ tin rằng Trung Quốc - nước mua dầu lớn của Iran, có đòn bẩy đáng kể với Iran - nước ủng hộ chính cho Hamas.
Lần cuối cùng hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung gặp nhau là cách đây gần một năm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia. Trong cuộc họp kéo dài gần ba giờ, ông Biden phản đối trực tiếp “các hành động cưỡng ép và ngày càng hung hăng” của Trung Quốc đối với Đài Loan và thảo luận về việc cuộc chiến Nga - Ukraine cùng các vấn đề khác. Ông Tập nhấn mạnh rằng “vấn đề Đài Loan là cốt lõi của lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, nền tảng của nền tảng chính trị của mối quan hệ Trung-Mỹ, là ranh giới đỏ đầu tiên không được vượt qua trong quan hệ Trung-Mỹ”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết lần này hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào “trao đổi chuyên sâu về các vấn đề chiến lược, tổng hợp và định hướng trong quan hệ Trung-Mỹ cũng như các vấn đề lớn liên quan đến hòa bình và phát triển thế giới”.
Cuộc họp cấp cao diễn ra khi Mỹ chuẩn bị cho một năm có thể gập ghềnh trong quan hệ Mỹ-Trung, với việc Đài Loan sẽ tổ chức một cuộc bầu cử lãnh đạo vào tháng 1 và Mỹ sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Bắc Kinh coi mối liên hệ chính thức của Mỹ với Đài Loan là sự khuyến khích để biến hòn đảo này trên thực tế độc lập lâu dài, một bước đi mà các nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng họ không ủng hộ. Theo chính sách “Một Trung Quốc”, Mỹ công nhận Bắc Kinh là chính phủ Trung Quốc và không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, nhưng vẫn khẳng định rằng Đài Bắc là một đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Một quan chức cho biết, ông Biden có ý định tái khẳng định rằng Mỹ không muốn thay đổi hiện trạng.
Trong khi đó, số vụ đụng độ không an toàn hoặc mang tính khiêu khích liên quan đến tàu và máy bay của hai nước đã tăng vọt. Đầu tháng 10, Lầu Năm Góc đã công bố đoạn phim về một số trong số hơn 180 vụ máy bay Trung Quốc chặn máy bay chiến đấu Mỹ xảy ra trong hai năm qua, một phần trong xu hướng mà các quan chức quân sự Mỹ lo ngại.
Tướng CQ Brown Jr., chỉ huy quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ, nói với các phóng viên ở Tokyo hôm thứ Sáu rằng việc khôi phục liên lạc giữa quân đội với quân đội là “cực kỳ quan trọng” để “đảm bảo không có tính toán sai lầm” giữa các bên. Ông cho biết ông đã gửi một lá thư đến người đồng cấp Trung Quốc bày tỏ mong muốn bắt đầu lại cuộc đối thoại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.