Khi
thủ phạm Lê Thị Bích Trâm (25 tuổi, đang ở 26/29 ấp 1, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh TP.HCM) bị bắt, so sánh khuôn mặt của đối tượng ai cũng phục sát đất trước bức ký họa giống đến bất ngờ. Chỉ cần nghe những nhân chứng kể lại hình dạng, khuôn mặt, mái tóc, gò má của nghi can, người họa sĩ tài hoa đã phác lên một bức họa giống như hình chụp.
Bức họa và khuôn mặt của Lê Thị Bích Trâm
Thực ra ký họa chân dung tội phạm không có gì mới mẻ, trong thời kỳ cổ xưa khi những kẻ phạm tội rồi bỏ trốn, để truy nã, các vị quan lại vẫn thường cho vẽ hình của họ dán cáo thị ở khắp nơi để nhân dân nhân diện tố giác. Một khi hình đã được dán ở những nơi công cộng thì kẻ phạm tội đến đâu cũng dễ bị phát giác. Để có tấm hình thì tất cả các vị họa sĩ của thời xa xưa đó cũng chỉ nghe các nhân chứng tả rồi phác họa lại.
Tuy nhiên khi xã hội càng phát triển thì các phương pháp nghiệp vụ hiện đại để xác định, truy bắt đối tượng phạm tội càng đa dạng. Lực lượng công an ngoài sử dụng những biện pháp nghiệp vụ còn có thêm những biện pháp làm rõ thông tin về tội phạm như thu giữ ảnh đối tượng từ hệ thống, từ gia đình, người thân, camera công cộng… nên phương pháp thủ công dùng hình vẽ hình ngày càng ít xuất hiện, trở thành xa lạ. Tuy nhiên dù hiện đại đến đâu thì nhiều trường hợp vẫn phải dùng đến phương pháp vẽ chân dung để truy tìm kẻ gây án.
Điển hình và nổi tiếng nhất là vụ triệt phá băng cướp khét tiếng Dũng “chim xanh”. Cuối năm 1999 - đầu năm 2001, băng cướp có trang bị vũ khí này đã hoành hành trên QL1A (đi qua địa phận Đồng Nai, TP.HCM...) gây chấn động dư luận thời bấy giờ. Bộ Công an đã mời họa sĩ Võ Tấn Thành (64 tuổi, ngụ Đồng Nai) phác họa chân dung tên tướng cướp này. Dù băng cướp Dũng “chim xanh” luôn gây án vào ban đêm, nạn nhân không thấy rõ mặt mũi của hắn nhưng qua khắc họa của ông Thành, chân dung Dũng “hiện hình” gần giống với chân dung thật. Từ bức phác họa chân dung, lực lượng trinh sát đã tích cực truy lùng và băng cướp Dũng “chim xanh” sa lưới.
Nước Mỹ một quốc gia phát triển nhất thế giới, dù đã có công nghệ hiện đại hỗ trợ cho công tác điều tra, phá nhiều án phức tạp nhưng đôi khi công nghệ kĩ thuật số cũng "bó tay", không thể truy ra thủ phạm. Để giải quyết bế tắc này cảnh sát Mỹ vẫn dựa vào một công cụ được cho là cổ xưa là vẽ kí họa chân dung đối tượng khả nghi để truy lùng.
Khi 2 người phụ nữ đi vào một khu rừng một gã đàn ông đã bám theo họ. Hắn rút súng đe dọa cả hai, hiếp dâm một người và cướp tài sản người còn lại. Vài phút sau, hắn thực hiện một phi vụ nữa, cướp tài sản của 3 thiếu niên gần Trường THPT Northwestern ở Hạt Prince George và tấn công tình dục một thiếu nữ.
Không có camera để ghi lại hành động tội ác và một số đối tượng khả nghi ở Chillum, cảnh sát đành phải dùng biện pháp phác thảo tổng hợp chân dung nghi can.
Phác họa khuôn mặt của kẻ đánh bom thư được FBI đặt biệt danh là Unabomber.
Sĩ quan Cảnh điều tra tội phạm hình sự kiêm họa sĩ pháp y Joyce Conlon đã ngồi miệt mài suốt 4 tiếng đồng hồ với từng nạn nhân bị tấn công, kết hợp trí nhớ của họ để tạo thành một bức tranh của kẻ nghi phạm. Kết quả: một bản phác họa đen trắng về một đối tượng nam có đầu vuông vức, tai dài và khuôn mặt hốc hác. Hai tháng sau, một nghi can bị cảnh sát bắt ở Hạt Montgomery.
Nước Mỹ đã từng có thời bị ám ảnh với kẻ tội phạm chuyên sử dụng bom thư tấn công. Theodore John Kaczynski sinh ngày 22.5.1942 được biết đến với biệt danh “Unabom” hay “Unabomber”. Y đã bị kết án chung thân về tội giết người bằng bom thư (gửi thư có cài bom) vào năm 1996. Trong vòng 18 năm, y đã làm chết 3 người và làm bị thương 29 người. Y từng là mục tiêu săn lùng “tốn kém” nhất của Cục Điều tra liên bang (FBI) bởi hắn rất ít khi để lại dấu vết khi gây tội ác.
Qua lời kể của rất nhiều nhân chứng, cuối cùng một bức chân dung của Unabomber cũng được phác họa với khuôn mặt có vẻ hăm dọa, mũ trùm đầu, đeo kính râm được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Khi bắt được Kaczynski, người ta nhận ra hắn hoàn toàn trùng hợp với bức phác họa trước đó của cảnh sát.
Ngọc Lương ( Ngọc Lương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.