Những vũ khí trong 60 ngày đêm chiến đấu lịch sử tại Hà Nội

Thứ sáu, ngày 03/03/2023 12:32 PM (GMT+7)
Với tinh thần “Cảm tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Thủ đô đã giam chân địch suốt 60 ngày đêm chiến đấu lịch sử, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đập tan âm mưu đánh úp của thực dân Pháp.
Bình luận 0

Sau 60 ngày đêm chiến đấu ác liệt, bắt đầu từ ngày 19/12/1946, lực lượng vũ trang tại Hà Nội phá tan âm mưu vô hiệu hóa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở đầu cho những thất bại của Pháp tại Đông Dương và sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống thuộc địa.

Những vũ khí trong 60 ngày đêm chiến đấu lịch sử tại Hà Nội - Ảnh 1.

Hình ảnh Thủ đô Hà Nội năm 1946 được tái hiện lại. Ảnh: Chính Phủ.

Pháp trang bị nhiều vũ khí hạng nặng

Ngay sau khi được phe Đồng Minh giải phóng năm 1944, Pháp đã lên kế hoạch chiếm lại các thuộc địa. Lúc này, kinh tế Pháp gần như sụp đổ, cần tài nguyên thuộc địa để phục hồi.

Lúc đó, Pháp tận dụng các vũ khí mới từ nguồn viện trợ của các nước đồng minh phương Tây. Phần lớn vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạng nặng như súng cối, trung liên, đại liên đều do Anh, Mỹ sản xuất. Quân lê dương được cơ giới hóa với xe tăng, thiết giáp, xe lội nước. Lính và khí tài được đưa đến Đông Dương bằng tàu vận tải do Mỹ cung cấp, mà mới chỉ vài năm trước đó được dùng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít.

Đồng thời, Pháp cử nhiều phái đoàn đến Philippines, Singapore và Ấn Độ, thu mua vũ khí từ các kho tàng còn sót lại của quân Đồng Minh sau khi thắng Nhật. Phương tiện cơ giới, pháo binh của Pháp hầu hết là trang bị đã được Mỹ sử dụng ở mặt trận Thái Bình Dương.

Những vũ khí trong 60 ngày đêm chiến đấu lịch sử tại Hà Nội - Ảnh 2.

Tiểu liên, súng carbine do Mỹ, Pháp sản xuất. Ảnh tư liệu.

Ngoài ra, Pháp còn trang bị vũ trang cho hàng chục nghìn kiều dân tại Việt Nam và binh lính đến từ các nước thuộc địa. Các vũ khí cũ từ chiến tranh thế giới thứ nhất và chiến lợi phẩm thu của Nhật được tận dụng tối đa.

Cuối năm 1946, quân viễn chinh của tướng Jean-Étienne Valluy đóng tại Hà Nội tăng lên 6.500 lính chính quy, trang bị 5.000 súng trường và carbine Mỹ, 800 tiểu liên, 180 trung liên. Ngoài ra, 7.000 kiều dân Pháp cũng được trang bị vũ khí từ nhiều nguồn. Bộ binh Pháp được cơ giới hóa hoàn toàn, với sự yểm trợ của 22 xe tăng, 40 xe thiết giáp, 42 lựu pháo. Hơn nữa, quân Pháp còn sở hữu 30 máy bay trang bị bom và súng máy.

Vũ khí thô sơ của quân và dân ta

Thời điểm chiến dịch diễn ra, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ra đời trong bối cảnh đất nước nghèo nàn, lạc hậu, hầu như không có kinh phí mua sắm trang bị vũ khí. Pháp nắm quyền kiểm soát toàn bộ tuyến biên giới phía Bắc và các cảng biển lớn, cô lập Việt Minh với bên ngoài. Không những thế, việc kiểm soát cảng biển cho phép quân Pháp có thể tăng viện trợ thường xuyên. Ngược lại, Việt Minh gặp nhiều thiệt hại về người và trang bị.

Năm 1946, toàn bộ lực lượng Việt Minh tại Hà Nội chỉ có khoảng 2.500 chiến sĩ, 8.000 dân quân nhưng thiếu vũ khí trầm trọng. Trước ngày chiến sự nổ ra, quân ta chỉ có trong tay 1.516 súng trường, 3 trung liên, 1 đại liên. Vũ khí chống tăng chỉ có 1 súng bazooka và 80 bom 3 càng cho các chiến sĩ cảm tử. Pháo binh bao gồm 1 sơn pháo 75mm, 2 súng cối và 7 pháo phòng không cũ từ các pháo đài quanh thành phố, được hoán cải để pháo kích mục tiêu mặt đất. Còn lại đều là vũ khí thô sơ, tự chế từ những vật dụng hàng ngày.

Mỗi tiểu đội Việt Minh chỉ có 3 đến 4 súng trường, còn lại là dao găm, mã tấu. Nhiều súng đã cũ, gỉ sét. Vũ khí hỏng được tháo dỡ, lấy những chi tiết lành lặn sửa chữa vũ khí cùng loại. Nhưng vấn đề nan giải nhất là súng đã ít mà đạn dược cũng vô cùng thiếu thốn. Do có quá nhiều chủng loại, việc cung ứng đạn cho súng lại càng khó khăn. Trước cuộc chiến, hầu hết đạn được sản xuất bằng cách nhồi thuốc súng và đầu đạn vào vỏ đạn cũ. Hầu hết đạn, lựu đạn tự chế có chất lượng tồi.

Những vũ khí trong 60 ngày đêm chiến đấu lịch sử tại Hà Nội - Ảnh 3.

Những vũ khí thô sơ của quân ta sử dụng trong các trận chiến năm 1946. Ảnh: thanglong.chinhphu.vn.

Tuy bất lợi về lực lượng, nhưng quân và dân Thủ đô vẫn không nao núng, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, bình tĩnh, tự tin, luôn sẵn sàng chiến đấu. Các liên khu phố và khu phố đều thành lập các đội làm công tác cứu thương, tiếp tế, phá hoại, tình báo, giao thông, tản cư, địch vận, trừ gian, các tổ sản xuất và sửa chữa vũ khí, quân cụ.

Sau khi hiệu lệnh từ pháo đài Láng vang lên vào tối 19/12, báo hiệu cuộc tổng công kích, thực dân Pháp đóng trong thành phố đã có những phút đầu chao đảo. Nhưng nhờ ưu thế cả về quân số lẫn trang bị, quân Pháp nhanh chóng phản công. Các tướng lĩnh Pháp đều là những nhà cầm quân kỳ cựu, tin rằng dù có bị tấn công trước, quân viễn chinh Pháp sẽ nhanh chóng làm chủ tình hình và đè bẹp Việt Minh sau 24 giờ.

Bộ binh cơ giới Pháp cùng xe tăng-thiết giáp gầm rú trên các con phố, chia làm 4 cánh xuất phát từ thành Hà Nội, tấn công hòng chiếm lại các vị trí quan trọng. Tuy nhiên, đà tiến công của quân Pháp nhanh chóng biến thành cuộc giành giật khi vô số chướng ngại vật và các ổ đề kháng của quân và dân Việt Nam mọc lên khắp thành phố. Xe thiết giáp xoay xở khó khăn trong các con phố chật hẹp, đầy vật cản do người dân tạo nên bằng đồ đạc trong nhà. Trong quá trình di chuyển chậm chạp, xe tăng của địch trở thành mục tiêu cho bom xăng, hoặc bị phá hủy bởi các chiến sĩ cảm tử dùng bom 3 càng.

Những vũ khí trong 60 ngày đêm chiến đấu lịch sử tại Hà Nội - Ảnh 4.

Những kỷ vật của chiến sĩ Vệ quốc quân. Ảnh: thanglong.chinhphu.vn.

Súng ống cồng kềnh và thể hình to lớn của lính Pháp lúc này lại là bất lợi khi bị giáng những đòn giáp lá cà bằng vũ khí cận chiến. Quân Pháp phải mất nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày chỉ để chiếm được một tòa nhà, dãy phố. Nhận chỉ thị "lấy vũ khí địch đánh địch", tận dụng triệt để các vũ khí thu được từ đối thủ. Mỗi khẩu súng, quả lựu đạn thu được là thêm một vũ khí cho quân dân tiếp tục chiến đấu, lại có chất lượng tốt hơn vũ khí cũ, tự chế có trong tay.

Với hơn 100 trận đánh trong nội thành, quân Pháp chỉ chủ động tiến công ta khoảng 30 trận, còn lại là ta chủ động tiến công địch. Qua 60 ngày đêm chiến đấu, quân dân Thủ đô đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 tên địch, phá hỏng 22 xe tăng và xe thiết giáp, 31 xe vận tải, bắn rơi và bắn hỏng 7 máy bay địch, bắn chìm 2 ca nô.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giam chân địch, Trung đoàn Thủ Đô đã thực hiện cuộc lui quân "thần kỳ", rút khỏi thành phố trong vòng vây khép kín của kẻ thù, vượt qua sông Hồng, lên Chiến khu Việt Bắc an toàn. Chính kết cục này khiến Pháp vướng vào một cuộc chiến dai dẳng, thất bại trong nỗ lực tiến công lên Tây Bắc những năm tiếp theo, và cuối cùng là nhận thất bại tại Điện Biên Phủ năm 1954.

PV (Theo Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem