Ba vụ việc gây xôn xao nhất xảy ra trên ba chuyến bay của Vietnam Airlines.
Ngày 26.7.2011, trên chuyến bay mang số hiệu VN 7671 chặng Hải Phòng - Đà Nẵng, hành khách Nguyễn Hoàng Hoạt (quê Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã tự ý mở cửa thoát hiểm bên trái, phía trước của máy bay.
|
Hành khách nên tuân thủ theo các quy định về an toàn bay. Ảnh minh họa từ internet |
Với hành vi này, anh Hoạt đã phải chấp nhận mức phạt 15 triệu đồng do Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải quyết định vì táy máy, “nghịch” cửa máy bay.
Ngày 5.11.2011, trên chuyến bay mang số hiệu VN1162 hành trình TP HCM – Hà Nội, sinh viên Nguyễn Đức Duy (quê huyện Củ Chi – TP HCM), vô tư mở cửa thoát hiểm để…ngắm cảnh vì nghĩ đó là…cửa sổ. Ngay sau đó, cơ trưởng chuyến bay phải quyết định hoãn chuyến bay và chuyến bay đã bị chậm 2 giờ so với lịch trình.
Theo Duy, vì đây là lần đầu tiên đi máy bay nên sơ suất, vô tình vi phạm an toàn bay. Bên cạnh đó, vì không để ý bảng hướng dẫn nên Duy nhầm là cửa sổ nên kéo khóa chốt, ấn nút mở khiến phao cứu sinh nối từ thân máy bay xuống mặt đất mở tung. Mục đích mở cửa của Duy là để “chiêm ngưỡng cảnh bên ngoài cho dễ” chứ không xuất phát từ việc gây hại hoặc ảnh hưởng đến an toàn chuyến bay.
Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã xử phạt 15 triệu đồng đối với Duy trong khung phạt theo quy định với hành vi này là 10-20 triệu đồng.
Vụ việc thứ ba vừa xảy ra cách đây ít ngày. Trên chuyến bay VN581 có lộ trình từ Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc) về TPHCM ngày 19.11.2011, một vị khách 80 tuổi người Đài Loan, Trung Quốc tên Chuang Wen suýt mở nhầm cửa thoát hiểm vì nghĩ đó là nhà…vệ sinh.
Khi đến cửa thoát hiểm số 3 ở bên phải máy bay, hành khách này tưởng đó là cửa nhà vệ sinh nên đã mở nắp bảo vệ, nhấc cần gạt lên và cố ấn mạnh nút "open" để mở cửa... đi vệ sinh. Rất may, một hành khách khác ngồi gần đã kịp thời ngăn chặn hành động của ông khách ngoại 80 tuổi.
Với hành động này, ông Chuang có thể phải nộp phạt từ 10-20 triệu đồng.
Trước đó, vài vụ việc tương tự cũng đã xảy ra. Ngày 22.6.2010, nhà chức trách sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cho biết, một chuyến bay của công ty Vasco có hành trình từ TP HCM ra Chu Lai, Quảng Nam phải bất ngờ dừng vì một hành khách tên Nguyễn Văn Khiêm tò mò mở chốt cửa thoát hiểm phía bên phải máy bay.
Sau khi các chuyên viên kỹ thuật, thợ máy kiểm tra và đóng cửa thoát hiểm này lại, thấy không ảnh hưởng đến an toàn, chuyến bay mới tiếp tục được cất cánh… Và hành khách này chỉ bị nhắc nhở.
Một trường hợp khác xảy ra vào ngày 20.4.2011, trên chuyến bay TP.HCM - Tuy Hòa (chuyến bay OV8442, số hiệu B210) của công ty Vasco, hành khách Võ Văn Sỹ (trú ở P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) đã tự mở cửa thoát hiểm sau khi máy bay dừng bánh.
Theo giải trình của ông Sỹ, khi máy bay dừng bánh, trong lúc đứng lên, ông đã vô tình vịn vào một lỗ nhỏ phía trên đầu để làm điểm tựa, sau đó thấy cửa hé mở, lập tức ông gọi tiếp viên báo cáo sự việc và rời khỏi máy bay. Ông Sỹ được người của Cảng vụ đến tìm yêu cầu về cảng vụ làm việc và khẳng định ông đã vi phạm quy định an toàn bay đồng thời thu giữ giấy phép lái xe và thẻ lên máy bay. Bị bắt nộp phạt, ông Sỹ cho rằng, đây là hành động vô ý, xảy ra khi máy bay đã vào vị trí đỗ.
Theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, ông Sỹ phải chịu phạt từ 10 – 20 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Sỹ không đồng tình với cách xử lý của Cảng vụ hàng không Tuy Hòa và cho biết sẽ nhờ cơ quan chức năng làm rõ vụ việc.
Sau những vụ việc trên, dư luận dấy lên những lo ngại về ý thức chấp hành quy định của hành khách đi máy bay. Có người cho rằng hành khách sai khi không tuân thủ quy định của hãng vận chuyển, tự ý mở cửa khi chưa được hướng dẫn. Số ý kiến khác lại bênh vực và cho rằng hãng vận chuyển cũng có một phần trách nhiệm khi các chỉ dẫn chưa cụ thể khiến hành khách hiểu lầm và cần làm tốt công tác tuyên truyền hơn nữa.
Tuy nhiên, theo các hãng hàng không, việc mở cửa thoát hiểm không đơn giản là nhấn nút "open". Thao tác mở cửa thoát hiểm ngoài việc nhấn nút "opne" còn có cần gạt, phải tác động một lực lớn mới đủ gạt cần mở được cửa. Hơn nữa, trên chỗ mở cửa thoát hiểm đều có ghi cảnh báo là chỉ được mở trong trường hợp khẩn cấp.
Trên hệ thống sân bay cả nước, mỗi năm, có cả chục vụ hành khách tự ý mở cửa thoát hiểm. Rất may, chưa có vụ nào xảy ra trong lúc đang bay, nếu cửa thoát hiểm bật ra khi máy bay đang ở trên cao, người ngồi gần cửa có thể bị hút ra ngoài, áp suất trong máy bay cũng bị thay đổi, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng hành khách.
Tại Việt Nam, theo điểm a, điều 7, Nghị định 60/2010/NĐ-CP của Chính phủ, mở cửa thoát hiểm là hành vi vi phạm quy định về an ninh an toàn hàng không dân dụng, bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Còn tại nhiều nước trên thế giới, ngoài việc nộp phạt, hành vi mở cửa thoát hiểm là một tội, hành khách vi phạm phải đối mặt với các phiên tòa và các mức án án khác nhau.
Thảo Linh (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.