"Ni cô Huyền Trang" xót xa trước sự ra đi của biên kịch "Biệt động Sài Gòn"

Thứ hai, ngày 16/05/2022 15:38 PM (GMT+7)
"Ni cô Huyền Trang" cùng đạo diễn Long Vân của "Biệt động Sài Gòn" và nhiều nghệ sĩ bày tỏ sự thương tiếc trước sự ra đi của nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương.
Bình luận 0
"Ni cô Huyền Trang" xót xa trước sự ra đi của biên kịch "Biệt động Sài Gòn" - Ảnh 1.

Nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương qua đời lúc 20h 44 tối 14/5, hưởng thọ 89 tuổi (Ảnh: Sưu tầm).

Nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương nổi tiếng với những tác phẩm điện ảnh như: Cơn lốc biển, Biệt động Sài Gòn và những bộ phim truyền hình: Ngã ba thời gian, Con nhện xanh, Mã số thần kỳ, Nước mắt đàn bà, Tổ ấm, Chiều không nhạt nắng... Đặc biệt không quá khi nói rằng Biệt động Sài Gòn đã trở thành huyền thoại điện ảnh của cả tác giả và dòng phim nhà nước một thời.

Vì thế, sự ra đi của ông để lại nhiều tiếc thương cho đồng nghiệp, bạn bè...

Đạo diễn Long Vân của phim Biệt động Sài Gòn xúc động chia sẻ với PV Dân trí: "Ông Lê Phương là một người bạn thân chí cốt và ăn ý với tôi trong công việc, ông ấy viết cái gì hay là tôi hoan nghênh, còn những gì tôi thấy không làm được, không thực tế với công việc đạo diễn thì tôi góp ý nên bỏ đi.

Tôi rất buồn khi biết tin Lê Phương qua đời. Mặc dù bây giờ mắt tôi đã mờ, sức khỏe đã yếu và chân cũng chẳng đi được nữa, nhưng đám tang của ông ấy chắc chắn tôi sẽ đến dự, đó là tình cảm của tôi muốn dành cho người bạn, người đồng nghiệp của mình, tôi muốn tiễn đưa ông ấy về nơi an nghỉ cuối cùng".

"Ni cô Huyền Trang" xót xa trước sự ra đi của biên kịch "Biệt động Sài Gòn" - Ảnh 2.

Đạo diễn Long Vân chỉ đạo phim từ xa (Ảnh: Sưu tầm).

Trong ấn tượng của đạo diễn Long Vân, nhà biên kịch Lê Phương là một người suy nghĩ sâu sắc, thấu đáo và cẩn thận. "Ông ấy ít nói, trầm ngâm nhưng là người tốt bụng", đạo diễn Long Vân xúc động chia sẻ.

NSND Thanh Loan, người thủ vai "Ni cô Huyền Trang" trong Biệt động Sài Gòn cũng không giấu được nỗi buồn, nghẹn ngào tâm sự: "Sự ra đi của biên kịch Lê Phương là nỗi đau buồn không chỉ đối với gia đình, bạn bè và anh chị em nghệ sĩ mà đó còn là tổn thất lớn đối với nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Dù biết ông đã tuổi cao sức yếu nhưng sự ra đi của ông cũng khiến tôi và nhiều người vô cùng buồn, tiếc thương".

NSND Thanh Loan cho biết bà đã gắn bó với đoàn phim Biệt động Sài Gòn hơn 4 năm trời nên có nhiều tình cảm và kỷ niệm. Bà kể: "Bộ phim vừa quay, biên kịch Lê Phương lại vừa viết và sáng tạo những cái mới theo yêu cầu của cố vấn nghệ thuật Hải Ninh nên rất vất vả".

Trong ấn tượng của bà, ông Lê Phương là một nhà biên kịch tài giỏi và có cái nhìn rất sâu sắc, hài hòa và tốt bụng với đồng nghiệp. Thanh Loan cho biết để có một "Ni cô Huyền Trang" sắc sảo và biến hóa khôn lường như thế cô phải nghiên cứu kịch bản kỹ lưỡng, bàn luận và làm việc với biên kịch Lê Phương nhiều.

Thậm chí, cô phải xin vào chùa tu tập và làm công quả một thời gian dài để cho ra được những bước chân khất thực, những ánh mắt thăm thẳm mà an yên của một sư cô nương nhờ của Phật.

"Ni cô Huyền Trang" xót xa trước sự ra đi của biên kịch "Biệt động Sài Gòn" - Ảnh 3.

NSND Thanh Loan thời trẻ trong vai "Ni cô Huyền Trang" (Ảnh: Tư liệu).

Đối với NSND Thanh Loan, nhân vật "Ni cô Huyền Trang" là vai diễn bà không thể quên, bà cảm thấy tự hào khi góp mặt vào một tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam lúc bấy giờ mà công lao lớn nhất không thể không kể đến nhà biên kịch Lê Phương.

NSƯT Trần Lực chia sẻ trên trang cá về sự bất ngờ, bàng hoàng khi hay tin người anh trong nghề qua đời, anh viết: "Vĩnh biệt Anh tôi, nhà văn, nhà biên kịch đại tài Lê Phương! Xin chia buồn cùng chị Nhã, cháu Bùi Huệ và toàn thể gia đình. Buồn lắm…"

Nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương tên thật là Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1933 tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông bắt đầu sáng tác kịch bản phim từ năm 1990. Lê Phương viết không nhiều nhưng tác phẩm của ông đều để lại dấu ấn sâu đậm với khán giả, như Nơi gặp gỡ tình yêu (hai tập, 1980), Biệt động Sài Gòn (bốn tập, viết chung với Nguyễn Thanh)...

Từ sau năm 1990, ông bắt đầu viết phim truyền hình, nổi tiếng với bộ Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ. Sau đó, ông cùng vợ - biên kịch Trịnh Thanh Nhã - viết chung nhiều phim dài tập như Ngã ba thời gian, Con nhện xanh, Mã số thần kỳ, Nước mắt đàn bà, Tổ ấm, Chiều không nhạt nắng...

Theo Hương Hồ (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem