Niềm mơ ước của những cánh đồng

Lê Trúc Thứ năm, ngày 28/12/2017 13:45 PM (GMT+7)
Không đơn thuần là những nhà kinh doanh phân bón, tôi gọi đội ngũ lãnh đạo và CBCNV Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ (PVFCCo SW), trực thuộc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) là niềm mơ ước của những cánh đồng. Họ không những cam kết cung cấp sản phẩm phân bón chất lượng tốt nhất cho sản xuất nông nghiệp mà còn là những người nặng tình với ruộng đồng, đồng hành cùng nông dân xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Bình luận 0

PVFCCo SW vừa tổ chức tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2017. Ai cũng vui mừng vì các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu đều vượt kế hoạch đề ra. Niềm vui dù không được trọn vẹn khi đến nay chưa cán đích chỉ tiêu lợi nhuận, nhưng có thể nói kết quả này có ý nghĩa động viên to lớn với tập thể lãnh đạo, CBCNV của tổng công ty (TCT) nói chung và PVFCCo SW nói riêng trong tình hình thị trường phân bón có nhiều biến động.

img

Cánh đồng mẫu sử dụng phân bón Phú Mỹ.

Năm 2017 tiếp tục là một năm có rất nhiều khó khăn đối với PVFCCo và đặc biệt là với PVFCCo SW. Thứ nhất, đó là nguồn cung urê các loại trên thị trường luôn trong tình trạng dư thừa so với nhu cầu do các nguồn hàng giá rẻ được nhập từ khu vực ASEAN về liên tục (do thuế nhập khẩu áp dụng cho khối ASEAN là 0%) và các nhà máy trong nước hoạt động tương đối ổn định. Từ đó tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường trong nước, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do phần lớn phân bón nhập khẩu được tiêu thụ ở đây.

Thứ hai, giá phân bón của cả thị trường trong nước và thế giới đều diễn biến bất thường, trong đó có nhiều khoảng thời gian giảm đột ngột và sâu, đã ảnh hưởng lớn đến công tác bán hàng của PVFCCo SW.

Trong năm 2017, PVFCCo SW đã tổ chức, phối hợp tổ chức tổng cộng gần 200 cuộc hội thảo, họp nhóm, tọa đàm chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân bón hiệu quả.

Bên cạnh đó, trong năm 2017, tình hình hạn - mặn không diễn ra nghiêm trọng như năm trước, song những ảnh hưởng vẫn còn kéo dài cho đến tận cuối năm. Diện tích canh tác lúa bị thu hẹp để thay vào đó là nuôi trồng thủy sản. Lũ rút chậm, vụ Đông Xuân 2017-2018 chậm 1 tháng, điều này đã tác động rất lớn đến việc tiêu thụ hàng hóa tại đại lý trong tháng 10 và tháng 11, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hàng của PVFCCo SW…

Để thực hiện được kế hoạch mà TCT và HĐQT Công ty giao, tập thể PVFCCo SW đã tập trung đánh giá tình hình và nỗ lực triển khai nhiều biện pháp.

Công ty đã tiến hành rà soát, điều chỉnh lại hệ thống phân phối; cán bộ thị trường trực tiếp đi sâu sát xuống những người tiêu thụ sản phẩm ở các hợp tác xã, nông trường, hộ tiêu thụ lớn thay vì chủ yếu chỉ dừng lại ở các đại lý cấp 1 như trước đây; đội ngũ cán bộ thị trường cũng được tăng cường về số lượng và chất lượng, kịp thời nắm bắt thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng để có những điều chỉnh, đáp ứng cho phù hợp, kịp thời thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ bán hàng…

“Nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ TCT, cộng với đồng hành, hợp tác tốt từ các đại lý, sự quyết tâm, đoàn kết và nỗ lực hết mình của toàn thể lãnh đạo và CBCNV công ty, PVFCCo SW đã cơ bản vượt qua được khó khăn, hoàn thành mục tiêu sản lượng và doanh thu”, ông Nguyễn Công Bằng - Phó Giám đốc công ty cho biết.

img

Ông Nguyễn Công Bằng - Phó giám đốc PVFCCo SW.

Trong các con số về các hoạt động của PVFCCo SW trong năm 2017, tôi rất ấn tượng với con số: tổng cộng có gần 200 cuộc hội thảo, họp nhóm, tọa đàm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân bón hiệu quả. Được biết, để tiết kiệm kinh phí, tất cả các hoạt động này đều do các cán bộ của công ty trực tiếp triển khai, từ việc chuẩn bị, thực hiện… Có khi vào vụ cao điểm, một ngày diễn ra hơn 10 cuộc. Con số này nói lên rằng, ngoài kinh doanh phân bón thì công ty còn hết mình trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng bà con trong vấn đề canh tác hiệu quả. Mà không chỉ riêng ở PVFCCo SW, đây còn là nét đẹp văn hóa doanh nghiệp trong toàn PVFCCo nói chung.

Trước đây, tôi từng trò chuyện với những người trẻ ở đơn vị kinh doanh khác của PVFCCo như Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ (PVFCCo SE), hay Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí miền Trung (PVFCCo Central), những doanh nghiệp chuyên kinh doanh phân bón và cũng dành một tình yêu đặc biệt với người nông dân, với ruộng đồng. Những khó khăn, vất vả của bà con với ruộng đồng cũng chính là nỗi trăn trở và tâm tư thường trực của họ.

Họ không ngại khó khi đồng hành cùng bà con trên những cánh đồng mưa nắng, họ ăn ngủ cùng để hiểu bà con hơn. Họ miệt mài vừa học tập kiến thức, vừa đổ mồ hôi trên những cánh đồng mẫu để đúc kết kinh nghiệm, từ đó chuyển giao, tư vấn lại cho bà con khi cần. Không chỉ dừng lại ở sản lượng, doanh thu, mong muốn cuối cùng của họ còn là được nhìn thấy những cánh đồng trĩu hạt và sự ấm no, sung túc của bà con. Họ nói, đó mới là kết quả quan trọng nhất họ đạt được.

img

Ông Trịnh Văn Khiêm - Giám đốc PVFCCo SW.

Điều đó, tôi cũng đã nhìn thấy và cảm nhận rất rõ ở tập thể PVFCCo SW. Thật bất ngờ khi biết rằng, ngay cả ở vị trí lãnh đạo công ty như anh Trịnh Văn Khiêm - Giám đốc, hay Phó giám đốc công ty như anh Bằng thì các anh vẫn làm nhiệm vụ của một cán bộ thị trường mẫn cán. Nghe nhân viên nói, các anh lăn lộn đi thị trường nhiều hơn ở công ty. Hôm gặp nhau xong, buổi chiều các anh lại rong ruổi đi về nông thôn bởi đang vào đầu vụ Đông Xuân.

Các anh tâm sự, phải lăn lộn cùng bà con mới ra được vấn đề; phải gắn bó, gần gũi với bà con mới có thể hiểu hết được những trăn trở, mong muốn của họ. Người miền Tây dễ thương vô cùng, mình thân thiện, gần gũi với họ là họ rút ruột rút gan ra tâm sự hết, không chỉ là chuyện canh tác, chuyện ruộng vườn, mà cả những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

Qua những cuộc gặp gỡ đó, cán bộ thị trường công ty còn được học hỏi những kinh nghiệm thực tiễn quý báu của nhà nông. Những kinh nghiệm đó, những kiến thức đó giúp ích rất nhiều cho công ty. Nó cũng là nguồn thông tin vô giá về đặc điểm canh tác, thổ nhưỡng của vùng để dựa vào đó, cán bộ thị trường công ty có thể tư vấn cho bà con một cách cụ thể, chính xác nhất, giúp mang lại hiệu quả cao nhất.

Vài năm trở lại đây, biến đổi khí hậu đã có những tác động rõ rệt đến vùng ĐBSCL, nghiêm trọng nhất là hạn hán và xâm nhập mặn. Câu hỏi làm sao để giúp bà con canh tác hiệu quả trong thời biến đổi khí hậu trở thành nỗi trăn trở, là đề tài mà PVFCCo SW đặc biệt quan tâm. Từ đó, hàng trăm cuộc hội thảo, từ quy mô vài trăm đến vài chục người tham gia, từ hình thức hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành nông nghiệp đến những cuộc họp nhóm ở địa phương đã diễn ra.

Nhưng dù với quy mô hay hình thức nào thì những vấn đề trọng tâm liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu, sử dụng phân bón hiệu quả, kỹ thuật canh tác… đều được cán bộ PVFCCo SW và các chuyên gia chuyển tải, tư vấn nhiệt tình và chi tiết.

Mặc dù tình hình năm 2018 được dự báo sẽ khó khăn hơn năm 2017, tuy nhiên tập thể PVFCCo SW đã quyết tâm đặt ra mục tiêu sản lượng tiêu thụ trong năm 2018 cao hơn năm 2017; trong đó, riêng kế hoạch sản lượng NPK Phú Mỹ tăng lên gấp 2,5 lần.

“PVFCCo SW luôn cam kết cung cấp đầy đủ những sản phẩm có chất lượng tốt nhất và giải pháp canh tác phù hợp nhất để phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con; để từ đó góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, giá trị xuất khẩu nông sản và thu nhập của bà con được cải thiện. Đó cũng là niềm vui của chúng tôi!”, ông Bằng tâm sự.

Theo phân tích thị trường thì năm 2018, PVFCCo nói chung hay PVFCCo SW nói riêng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, thậm chí dự báo còn khó khăn hơn năm 2017. Trong đó, sự cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu giá rẻ sẽ ngày càng gay gắt; ở trong nước, ngoài Nhà máy NPK công nghệ hóa học của PVFCCo chuẩn bị đi vào hoạt động thì còn một số nhà máy NPK khác cũng đã hoàn thành hoặc sắp khánh thành, do đó sự cạnh tranh ngay từ sản phẩm trong nước cũng sẽ tăng lên. Ngoài ra, thời tiết cũng được dự báo sẽ diễn biến phức tạp hơn trước những biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt.

Trước tình hình đó, thay vì điều chỉnh giảm kế hoạch sản lượng năm 2018 thì ngược lại, tập thể PVFCCo SW đã quyết tâm đặt ra mục tiêu sản lượng tiêu thụ trong năm 2018 cao hơn năm 2017; trong đó, riêng sản lượng NPK Phú Mỹ tăng lên gấp 2,5 lần. Tôi có thắc mắc là dựa vào đâu mà công ty lại tự tin như vậy?! Ông Bằng trả lời rằng, mục tiêu đó được đặt ra dựa trên những tính toán cụ thể chứ không phải là sự… liều lĩnh.

img

Ông Đặng Văn Nhiên - Phó phòng Kinh doanh PVFCCo SW tiến hành phân tích đất.

Thứ nhất, sản phẩm phân bón Phú Mỹ đã tạo được uy tín, được bà con tin dùng lâu nay; sang năm 2018, với những sản phẩm mới chất lượng do Nhà máy NPK công nghệ hóa học của TCT sản xuất, tin rằng bà con sẽ sử dụng nhiều hơn cho cánh đồng của mình. Thứ hai, hệ thống phân phối của công ty đã được xây dựng và củng cố trong những năm qua sẽ phát huy để phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng hiệu quả nhất. Thứ ba, đội ngũ cán bộ thị trường hiện đã tăng lên về số lượng và chất lượng, cũng như đã trải qua những thử thách suốt thời gian qua; họ đã có thể đáp ứng tốt nhất yêu cầu của công việc trong năm mới.

Có thể nói, với những kế hoạch được chuẩn bị kỹ càng cùng sự quyết tâm cao độ của lãnh đạo TCT, cũng như PVFCCo SW nói riêng thì tin rằng trong năm 2018, PVFCCo SW sẽ hoàn thành tốt mọi kế hoạch đề ra; và khi đó, những đồng lúa ở miền Tây Nam Bộ được trĩu hạt và người nông dân có được những vụ mùa bội thu

Vừa qua, PVFCCo SW đã kết hợp với các cơ quan, ban, ngành, nông nghiệp, các cửa hàng trong khu vực tổ chức 3 cuộc hội nghị giới thiệu sản phẩm phân bón Phú Mỹ và tư vấn kỹ thuật bón phân hiệu quả cho hơn 600 bà con nông dân sản xuất lúa và cây ăn trái trên địa bàn Cần Thơ và Tiền Giang.

Tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ - nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ đã trình bày, so sánh các công nghệ sản xuất ra phân bón NPK, đặc biệt là công nghệ hóa học đem đến xu hướng của ngành nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Thế nhưng đến nay, việc bón phân của một bộ phận bà con vẫn chưa đúng với quy trình canh tác dẫn đến lợi nhuận thu về còn thấp và tốn nhiều chi phí, ngoài ra gây hiệu ứng nhà kính. Chính vì vậy, ông Vệ khuyến cáo nông dân cần hiểu về phân bón, lựa chọn sản phẩm chất lượng, kỹ thuật bón và chọn đúng thời điểm tốt nhất để bón, như vậy sẽ mang lại hiệu quả cao.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Công Bằng đã giới thiệu về sản phẩm NPK Phú Mỹ và việc Nhà máy NPK Phú Mỹ sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2018 với các sản phẩm NPK Phú Mỹ có chất lượng vượt trội với nhiều công thức khác nhau sẽ mang đến các giải pháp dinh dưỡng tốt nhất cho cây trồng tại vùng ĐBSCL.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem