Về xã Mường Tè (huyện Mường Tè, Lai Châu), nghe kể niềm tự hào của bà con nơi đây từng được chăm sóc Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - nguyên Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong thời gian bị thực dân Pháp bắt và lưu đày tại Lai Châu. Chúng tôi tìm về bản Giẳng - nơi Nguyễn Hữu Thọ bị lưu đày.
|
Bà On (phải) chụp cùng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhân dịp ông về thăm bản Giẳng năm 1993 |
Cô gái Giáy và người cách mạng bị lưu đày
Trưởng bản Giẳng xác nhận thông tin: "Các chú gặp bà On, người dân tộc Giáy trong bản. Gần 80 tuổi rồi nhưng bà ấy vẫn khoẻ và minh mẫn lắm". Ông đưa chúng tôi đến trước căn nhà nhỏ, chỉ người phụ nữ đang ngồi khâu vá: “Bà On - tư liệu cách mạng sống của bản Giẳng đấy...”.
Nghe nguyện vọng của khách, sau vài phút trầm tư, bà On lặng lẽ vào nhà, lấy trong chiếc rương cũ kỹ đặt ở đầu giường ngủ ra tấm ảnh đã nhuốm màu thời gian.
Tuổi thơ của bà On đầy éo le cay đắng. Bố chết sớm, mẹ đi lấy chồng. Ở đợ cho Trưởng bản Lý Văn Màn, bà quần quật sáng ngày dọn dẹp, giặt giũ, cơm nước cho cả gia đình. Trong nỗi tủi nhục của những năm tháng ở đợ, bà tình cờ được gặp gỡ, tiếp xúc và trở thành người chăm sóc riêng cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.
Năm 1950, Pháp bắt Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại Sài Gòn vì "tội" phát tán truyền đơn cách mạng, nhưng không dám đưa ông ra toà vì sợ phản ứng của quần chúng nhân dân. Để cách ly ông với phong trào cách mạng đang sục sôi ở miền Nam và cả nước, Pháp đày ông lên bản Giẳng (Mường Tè, Lai Châu).
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị quản thúc tại nhà Trưởng bản Lý Văn Màn. Vừa sợ cách mạng, ngại tiếp xúc trực tiếp và bất đồng ngôn ngữ nên trưởng bản giao cho người ở Lò Thị On theo dõi, hướng dẫn sinh hoạt và lo cơm nước "cho kẻ phản nghịch bị lưu đày này".
Trong những tháng ngày đau thương nhất, nhờ Luật sư Thọ giác ngộ, chúng tôi tin tưởng, vào ngày mai, tích cực tham gia cách mạng để giải phóng chính mình, gia đình mình, dân bản mình. Hơn nửa thế kỷ qua, niềm tin ấy vẫn giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, xây dựng gia đình, bản làng giàu đẹp, đoàn kết giữ gìn vùng đất biên cương của Tổ quốc.
Bà Lý Thị Pha (78 tuổi),
bạn thân bà On
Qua những câu chuyện nghe lén được về Cách mạng Việt Minh từ các thống lý, trưởng bản; nghĩ thân phận khốn khổ của mình, lại trực tiếp thấy người cán bộ Việt Minh dám vượt khổ ải, chống lại thống lý, thực dân mà sống rất đàng hoàng giữa những ngày lưu đày nơi ải Bắc, bà On rất khâm phục Luật sư Thọ. Bà tự đặt cho mình nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ người tù cách mạng này.
"Hàng ngày tôi dậy sớm hơn thường lệ, tranh thủ lúc nấu nước cho nhà quan, đun luôn nước và chuẩn bị khăn tay cho ông Thọ rửa mặt, dọn cơm để ông ăn... Sau này, ông ấy thường giao cho tôi đi gọi thanh niên trong bản đến cùng nghe ông ấy nói chuyện về thân phận người dân mất nước, cách mạng dân tộc và trách nhiệm của mọi người; tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng không chịu khuất phục làm nô lệ cho thực dân Pháp. Hàng ngày, khi công việc xong xuôi, ông Thọ gọi tôi vào dạy học...”- bà On nhớ lại.
Giữ mãi niềm tin
Ấp tấm ảnh cũ vào mặt, khoé mắt già nua của bà trào ra hai dòng lệ: “Chỉ mấy tháng sau Tết Canh Dần (1950), Pháp về chuyển ông Thọ đi lưu đày nơi khác. Bất chấp sự can ngăn của trưởng bản, tôi cùng dân bản đi bộ gần 5km ra tận bến sông Đà đưa tiễn ông.
Trước khi đi, ông Thọ hứa sẽ quay lại thăm dân bản. Rồi ông ôm tôi vào lòng, động viên tôi tin tưởng ở ngày mai, cách mạng sẽ làm người dân hết khổ...".
Sau 43 năm xa cách, năm 1993 lúc đó ông Thọ đã 83 tuổi, mới có dịp trở lại bản Giẳng thăm bà con và người con gái dân tộc Giáy năm nào. "Cuộc gặp gỡ chỉ trong giây lát, ông ấy lại phải ra đi. Chiếc khăn tay và hai mét vải của ông Thọ tặng tôi năm ấy tôi cất giữ cẩn thận như một vật quý giá của đời người. Sau này, cán bộ bảo tàng tỉnh về xin, tôi tặng lại, chỉ giữ tấm ảnh chụp chung với ông Thọ làm kỷ niệm".
Kiều Thiện - Trần Hoàng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.