Ninh Thuận: Hàng nghìn thuyền đánh cá của ngư dân đang ở ngoài khơi vội vã vào bờ tránh áp thấp nhiệt đới

Đức Cường - Bùi Phụ Thứ ba, ngày 26/10/2021 14:12 PM (GMT+7)
Ngay sau khi tỉnh Ninh Thuận ban hành lệnh cấm biển, đồng thời kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn đề phòng áp thấp nhiệt đới có thể ập vào, uy hiếp tài sản, tính mạng của người dân. Hàng nghìn tàu thuyền đánh bắt của ngư dân đang ở ngoài khơi vội vã vào bờ tránh áp thấp nhiệt đới...
Bình luận 0

Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lúc 13h ngày 26/10, áp thấp nhiệt đới cách Khánh Hòa khoảng 196km, cách Ninh Thuận khoảng 177km. Sức gió mạnh nhất: Cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 9. Dự báo chiều 26/10, ven biển Bình Định - Ninh Thuận có gió cấp 6, giật cấp 7-8. Từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to.  

Trưa 26/10, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản gửi các ngành, các địa phương đã khẩn trương bố trí lực lượng thực hiện các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới, tổ chức vận động người và phương tiện trên biển di chuyển vào nơi an toàn.

Ninh Thuận: khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới - Ảnh 1.

Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Đông Hải, TP.Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Đức Cường)

Cụ thể, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên trong suốt đêm qua và sáng nay (26/10) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có mưa vừa, có nơi mưa to.

Sáng 26/10, ghi nhận của PV Dân Việt tại các cảng cá Đông Hải (TP.Phan Rang-Tháp Chàm), cho thấy rất đông các phương tiện tàu thuyền đã vào cập cảng. Nhiều ngư dân địa phương đang tất bật chằng chống và neo buộc tàu an toàn.

Ngư dân Nguyễn Văn Vũ, phường Đông Hải cho biết, biết tin áp thấp nhiệt đới có khả năng vào Ninh Thuận nên ngay từ sáng sớm đã ra cảng để kiểm tra phương tiện tàu thuyền của gia đình, đồng thời gia cố dây neo để đảm bảo an toàn.

Ninh Thuận: khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới - Ảnh 2.

Ngư dân phường Đông Hải gia cố dây neo để đảm bảo an toàn. (Ảnh: Đức Cường)

Tại huyện Ninh Hải có 981 phương tiện tàu thuyền vào neo đậu. Trong đó, nhiều nhất là tại cảng cá Ninh Chữ hiện có 498 phương tiện, cảng cá Mỹ Tân có 337 phương tiện… Các phương tiện chủ yếu là tàu thuyền địa phương và một số tàu thuyền các tỉnh bạn như Bình Thuận, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Quảng Bình vào neo đậu tránh bão.

Ninh Thuận: khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới - Ảnh 4.

Đa số tàu thuyền ở huyện Ninh Hải cũng đã vào neo đậu an toàn tại cảng Ninh Chữ. (Ảnh: Đức Cường)

Trước đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển kể từ 20h ngày 25/10 để đảm bảo an toàn. Theo thống kê đến sáng 26/10, tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là 2.520 chiếc/14.994 lao động. Trong đó, đã có 2.078 tàu thuyện với 10.793 lao động đã vào cập cảng an toàn. Còn lại 442 tàu thuyền với 4.201 lao động đang hoạt động trên biển là đã liên lạc được để thông báo tìm nơi tránh trú an toàn.

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã chỉ đạo Sở NN&PTN, phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công ty TNHH khai thác các công trình thủy lợi tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các khu vực trọng yếu, có khả năng bị ảnh hưởng khi áp thấp nhiệt đới tiến vào bờ. Đồng thời, đảm bảo an toàn tại các khu vực hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh.

Clip: Ninh Thuận khẩn trương phòng chống áp thấp nhiệt đới. (Thực hiện: Đức Cường)


Một số hình ảnh PV Dân Việt ghi nhận tại Ninh Thuận sáng 26/10:

Ninh Thuận: khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới - Ảnh 6.

Tàu thuyền hối hả vào cảng Ninh Chữ tránh áp thấp nhiệt đới. (Ảnh: Đức Cường)

Ninh Thuận: khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới - Ảnh 7.

Tàu thuyền neo đậu tại cảng Đông Hải, TP.Phan Rang-Tháp Chàm. (Ảnh: Đức Cường)

Ninh Thuận: khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới - Ảnh 8.

Ngư dân hối hả chằng chống tàu thuyền theo lớp đề phòng gió mạnh. (Ảnh: Đức Cường)

Ninh Thuận: khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới - Ảnh 9.

Di chuyển tài sản từ tàu thuyền lên bờ tránh thiệt hại. (Ảnh: Đức Cường)

Bình Thuận cấm tất cả tàu thuyền ra biển

Ngày 26/10, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đã yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan cấm tất cả các tàu thuyền, phương tiện vận tải rời bến để ra biển hoạt động từ 6h sáng 26/10 cho đến khi có thông báo mới.

Tỉnh Bình Thuận cũng giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các sở ngành, địa phương ven biển khẩn trương kêu gọi các tàu đang hoạt động trên biển vào bờ hoặc tìm nơi trú, tránh bão an toàn, không đi vào vùng ảnh hưởng nguy hiểm của áp thấp nhiieetj đới (ATNĐ), bão. Hướng dẫn neo đậu, sắp xếp tàu thuyền đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Các tàu nhỏ công suất dưới 30CV nên kéo lên bờ để bảo đảm an toàn khi ATNĐ dự báo mạnh lên thành bão đổ bộ trực tiếp.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 2.373 chiếc khoảng 13.750 lao động. Trong đó, tàu thuyền đánh bắt xa bờ 678 chiếc/5.364 lao động. Khu vực hoạt động tại Côn Đảo, Kiên Giang, khu vực Trường Sa - DK1. Tàu đánh bắt ven bờ 1.695 chiếc/8.404 lao động.

Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, đến cuối ngày 25/10, các hồ chứa trong tỉnh đều đạt xấp xỉ mực nước dâng bình thường.

Tại hồ Sông Quao, cao trình mực nước hiện tại 88,74m /89m thiết kế, hồ Cà Giây 74,51m/74,7m; hồ Sông Móng 75,93m/75,8m; hồ Lòng Sông 74,95m/76,95m… Ngoài ra, mực nước trên tất cả các sông chính trong tỉnh đều thấp hơn mức báo động cấp 1, riêng tại Tà Pao (sông La Ngà) đạt trên báo động cấp 1.

Hiện đã phân công trực 24/24h tại tất cả các hồ chứa, đầu mối công trình thủy lợi và phân công lực lượng ứng trực tại các điểm xung yếu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem