Sáng nay (19.12) báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức toạ đàm với chủ đề “Sức bật kinh tế 2019 nhìn từ tam nông” với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia kinh tế uy tín trên cả nước cùng đại diện các cơ quan quản lý. Đây là năm thứ hai báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức sự kiện.
“Sống trên núi nợ thì làm ăn ra sao?”
Theo TS. Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế, năm 2018, Việt Nam đã thực hiện tái cơ cấu kinh tế thực chất hơn, nhưng chưa đủ. Nếu không tiếp tục tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất hơn nữa, sẽ không có nền tảng vững chắc cho tăng trưởng. Rất may mắn, một trong những điểm sáng trong thời gian vừa qua là quá trình tái cơ cấu tam nông.
Tuy nhiên, ông Lưu Bích Hồ cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại một số vấn đề lớn. Tất cả những gì xuất hiện trước mắt mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
“Gần đây, có đánh giá là tới từ một tổ chức quốc tế phản ánh chất lượng kinh tế Việt Nam xếp thứ 42/149 quốc gia, tốc độ tăng trưởng cũng khá. Nhưng tôi thấy không đúng. Nên có cảnh báo với những tổ chức nước ngoài như WB, ADB hay khen chúng ta vô lối. Chúng ta xếp hàng đầu về độ mở trong những nước có 50 triệu dân trở lên, trong đó FDI chiếm 25%, còn 75% thì chúng ta làm được những gì. Trong khi nhiều vị quan chức hô hào về mở rộng, phát triển FDI”, TS. Lưu Bích Hồ nói.
TS. Lưu Bích Hồ
Ngoài ra, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, hiện nhiều người mới chỉ tập trung vào con số nợ công chiếm tỷ trọng hơn 60% GDP. Trong khi nợ của Việt Nam bao gồm nợ của doanh nghiệp, người dân, nợ Chính phủ có thể lên tới 235% GDP.
“Sống trên núi nợ thì làm ăn ra sao? Tiếp sau đây, nếu chịu thêm tác động của chiến tranh thương mại thì chúng ta ứng phó thế nào? Đông lực tăng trưởng ở đâu?
Chúng ta nói về 4.0, nhưng Chính phủ phải là người đi đâu, triển khai Chính phủ điện tử, kết nối với doanh nghiệp. Tôi lo rằng sang năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Một vài năm tới, nếu không tái cơ cấu một cách quyết liệt và thực chất lĩnh vực tài chính - ngân hàng và khu vực DNNN thì e là khó thoát khỏi vùng trũng tăng trưởng, khó đạt được mức 7%”, TS. Lưu Bích Hồ đặt câu hỏi và đưa ra lời khuyên.
Phần nợ sẽ chiếm hết phần NSNN dùng để chi đầu tư
Trong khi đó, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng, điểm nhấn quan trọng nhất trong năm 2018 là Chính phủ đã lựa chọn ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định môi trường kinh doanh thay vì cố gắng tăng trưởng kinh tế cao nhất có thể.
“Trong những năm tới, nếu Chính phủ nhất quán, kiên định về chủ chương thì tăng trưởng của Việt Nam sẽ tương đối cao, trên 7%. Dù không đạt được mức 8-9% như trước đây nhưng cái giá phải trả cho tăng trưởng là thấp nhất”, ông Ánh nhận định.
TS. Vũ Đình Ánh
Về nợ, TS. Vũ Đình Ánh phân tích, thời gian qua, Chính phủ không để phát sinh nợ mới, còn phần trả nợ lãi được đưa vào chi ngân sách hàng năm.
TS. Vũ Đình Ánh nói: “Về nhận định thâm hụt NSNN năm nay ở mức thấp tôi cho rằng không nên quá vội vàng, vì con số thâm hụt NSNN phải đợi 1,5 năm nữa, tức là tới năm 2020 chúng ta mới biết thâm hụt năm 2018 là bao nhiêu. Tôi đã quan sát số quyết toán NSNN và số thực hiện lần 1, lần 2 qua các năm, cả hai đều cách rất xa lần đầu. Năm 2017, chúng ta bắt đầu bỏ phần trả nợ gốc ra khỏi NSNN. Nếu bỏ ra 1-2% GDP để trả nợ gốc, thì khối lượng trả nợ gồm nợ gốc và nợ lãi tăng khoảng 2-3% so với trước đó. Nghĩa vụ trả nợ, gồm trả nợ gốc và lãi của Việt Nam đã tăng vọt. Phần nợ sẽ chiếm hết phần NSNN vốn dùng để chi đầu tư. Nếu chúng ta không trả được nợ, sẽ phải đối mặt với tới vấn đề nặng nề hơn rất nhiều”.
Nói về thu NSNN, ông Ánh nhận xét, dù thu NSNN năm 2018 chắc chắn vượt dự toán, nhưng nhiều địa phương không thể hoàn thành thu NSNN, trong khi con số dự toán thu đều tăng 10-15% sau mỗi năm. Điều này sẽ gây phát sinh những khoản thu mới không hợp lý. Không loại trừ những khoản thu đó sẽ tác động tới khu vực nông nghiệp, nông thôn.
“Về nợ quốc gia, tương tự nợ công, số liệu như chúng ta công bố hiện nay là theo kiểu chúng ta thôi. Chúng ta chưa đưa ra đầy đủ số nợ công, nợ nước ngoài, nợ của tư nhân. Còn nợ Nhà nước mà trước đây chúng ta biến lớn thành nhỏ, nhỏ thành không có gì thì chỉ riêng Vinashin thôi cũng là điều chúng ta phải tính tới trong những năm tới”, ông Ánh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.