Ngày xưa, vùng quê nào cũng có những đoạn đường vắng, đồng không mông quạnh, ai đi qua cũng thấy rờn rợn, rảo cẳng bước. Sợ ma, sợ cướp.
Ở các đô thị dân cư đông đúc, nhưng những chỗ đông nhất như bến xe, bến tàu, tuy đông mà vẫn coi như vắng, có ai biết ai đâu? Vì thế vẫn có trộm cướp, đặc biệt là bọn “mẹ mìn”. Dân nhà quê ra tỉnh lớ ngớ bị “mẹ mìn” dùng thủ đoạn mềm, không bắt cóc nhưng dụ dỗ rồi bán cho người khác. Lẽ đời, đã bỏ tiền ra mua là có quyền sở hữu. “Mất tiền mua mâm, đâm cho thủng”, cũng “nâu” vấn đề! Chao ôi! Mâm còn thủng nữa là con người!
Đây là chuyện ngày xưa. Ngày nay xã hội đã văn minh hiện đại hơn tỷ lần (tiền tỷ có lẽ không còn to lắm nên dân mình hay ví von thế); ấy thế mà chuyện trộm cướp, “mẹ mìn” vẫn còn, thậm chí trắng trợn hơn và... “hiện đại” hơn.
Ở TP.HCM đang rộ lên câu chuyện “bán người nhà quê”. Chuyện bán người (chủ yếu là phụ nữ, trẻ em) qua biên giới xưa nay không hiếm. Nhưng bán người ngay trong nội địa quả là chuyện lạ. Nói “hiện đại” ở đây là nói về quy trình lừa đảo kết hợp với trộm cướp “trình độ” hơn xưa nhiều. “Kịch bản” gồm ba chương hồi: Hồi một, các “mẹ mìn” (và cả “bố mìn”) về các miền quê dụ dỗ bà con lên tỉnh làm việc. Không biết các “bố mẹ” hươu vượn thế nào, nhưng dễ hiểu nhất là dân quê đói việc, nghe ra thành phố kiếm bạc triệu là tin ngay, theo ngay. Đưa người tới các bến xe “bố mẹ” nhận được “năm chục, một trăm” tiền hoa hồng, hạ màn. Hồi hai là hồi bạo lực hơn có tên “tới thiên đường”. Lên xe ôm, sẽ đến chỗ làm, có nhà ở, cơm nuôi, làm việc trong nhà, quạt máy vù vù”. Rồi xe chở qua đoạn đường “đồng không mông quạnh” như ngày xưa. “Bỏ hết tiền bạc, cả chứng minh thư ra đây, không tao xin tí tiết!”. Đến nước này thì xưa nay chỉ có hai người tên Lỗ Trí Thâm và Võ Tòng qua được!
Hồi ba (còn có tên nhái một vở kịch xưa “Khúc thứ ba bi tráng”), bây giờ đến cái giấy chứng minh để... chứng minh mình là ai cũng bị trấn mất rồi, đành để bọn cướp dẫn đi làm thuê kiếm sống, sau này may ra có cơ tìm được đường “về”. Bán cho các chủ cần lao động như phân loại ve chai hoặc một công việc khổ sai nào đó, không lương bổng, lơ mơ ăn đòn, trốn là tiêu đời. “Giá” lúc này cao hơn hồi “mẹ mìn”, hàng trao tay bọn ma cô được “ba trăm”, “dăm trăm”. Hàng hóa là lao động sống chuyển sang... chế độ nô lệ thế kỷ 21!!!
Ai bảo lao động là vinh quang, quá đúng, không bàn cãi. Nhưng ai bảo những lao động nông thôn bị lừa này là nô lệ, cũng đâu có sai?
Lý Lão Làng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.