Nỗ lực cải cách hành chính, Tổng cục Lâm nghiệp góp phần nâng bậc xếp hạng của Bộ NNPTNT

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 29/12/2020 08:00 AM (GMT+7)
Theo đánh giá, Tổng cục Lâm nghiệp là một trong những đơn vị của Bộ NNPTNT có nhiều sáng kiến trong thực hiện cải cách hành chính.
Bình luận 0

Điểm sáng cải cách hành chính

Được đánh giá là một trong những đơn vị có nhiêu sáng tạo trong thực hiện cải cách hành chính, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong 5 năm qua, đơn vị đã tham mưu xây dựng và hoàn thiện Luật Lâm nghiệp, 6 Nghị định và 10 Thông tư về lĩnh vực lâm nghiệp.

Trong quá trình xây dựng Luật Lâm nghiệp và các văn bản dưới Luật, Tổng cục Lâm nghiệp đã bãi bỏ 98 thủ tục hành chính, đơn giản 25 thủ tục hành chính và đến nay chỉ còn có 39 thủ tục hành chính trong toàn ngành nông nghiệp, trong đó có 19 thủ tục ở Trung ương, 16 thủ tục ở cấp huyện và còn lại là các thủ tục ở cấp dưới.

Việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng rõ ràng, minh bạch đã tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính cũng như thành phần về hồ sơ.

Nỗ lực cải cách hành chính, Tổng cục Lâm nghiệp góp phần nâng bậc xếp hạng của Bộ NNPTNT - Ảnh 1.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính của Bộ, trong đó có Tổng cục Lâm nghiệp. Ảnh: K. Lực

"Đối với 19 thủ tục ở Trung ương, chúng tôi đều xây dựng quy trình nội bộ theo hướng điện tử và vận hành trên hệ thống điện tử một cửa để giải quyết thủ tục hành chính của Bộ. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện, xử lý các quy định còn chồng chéo bất cập, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp" - ông Trị nói.

Ông Nguyễn Sông Thao, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NNPTNT) cho biết, trong giai đoạn 2011-2020, Bộ đã thực hiện quyết liệt việc kiểm soát chặt chẽ các quy định về thủ tục hành chính.

 Đến tháng 12/2020, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn có tổng số 390 thủ tục hành chính. So với thời điểm tháng 1/2016, Bộ đã cắt giảm 118 thủ tục hành chính, bao gồm: 64 thủ tục hành chính cấp bộ, 32 cấp tỉnh, 23 cấp huyện, 5 cấp xã.

Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT đã tổ chức rà soát 63 thủ tục hành chính liên quan tới kiểm tra chuyên ngành được quy định tại 27 văn bản, gồm 3 Luật, 6 Nghị định, 18 Thông tư. Bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 32/63 thủ tục hành chính, đạt 50,7%.

Về rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ đã công bố Danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp gồm 272 điều kiện. Số lượng điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đã bãi bỏ, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa gồm 251 điều kiện; trong đó, bãi bỏ 115 điều kiện, sửa đổi 136 điều kiện.

Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh ước tiết kiệm được 233.790 ngày công, tương đương 32 tỷ đồng/năm; việc cắt giảm mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành ước tính tiết kiệm trên 1.291 tỷ đồng/năm. Trong đó, Tổng cục Lâm nghiệp là đơn vị được đánh giá cao trong công tác cải cách hành chính.

4 năm nâng 9 bậc xếp hạng

Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn đánh giá, kết quả cải cách hành chính của Bộ trong 10 năm qua được thể hiện khá toàn diện trên cả 6 nội dung, tạo sự chuyển biến nhất định trong quản lý, điều hành của Bộ. Từ đó, góp phần phát triển nông nghiệp toàn diện, thúc đẩy cơ cấu lại ngành và xây dựng nông thôn mới.

Những kết quả nói trên được minh chứng bằng việc cải thiện rõ rệt Chỉ số cải cách hành chính của Bộ NNPTNT, từ xếp hạng thứ 13 (năm 2016) lên vị trí thứ 7 (năm 2017), và giữ vị trí thứ 4 trong 2 năm liên tiếp gần đây (năm 2018 và 2019).

Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, cải cách hành chính vẫn là việc phải làm thường xuyên, lâu dài vì công cuộc cải cách hành chính gắn liền với sự phát triển của Nhà nước.

Vì vậy, thời gian tới, việc cải cách hành chính càng quan trọng hơn, đó là giảm tối thiểu các thủ tục hành chính trên quan điểm là chuyển từ kiểm soát trước sang kiểm soát sau, đánh giá rủi ro. Nghĩa là người thực hiện hiện các thủ tục hành chính sẽ tự chủ, tự quản lý còn Nhà nước trên cơ sở đánh giá rủi ro sẽ có quy trình kiểm soát sau.

Cũng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn: "Một trong những giải pháp đột phá tới đây cần phải làm là ứng dụng công nghệ thông tin vào Chính phủ điện tử để làm tốt hơn và mọi người có thể tiếp xúc với Chính phủ, tham gia với Chính phủ một cách công khai, minh bạch” – ông Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Về định hướng cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho biết, Bộ NNPTNT tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng nền hành chính phát triển, xây dựng nhà nước kiến tạo, hành động, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình. Đồng thời, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; hệ thống cơ quan hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.

Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT cũng kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thủ tục hành chính mới ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo sự kiểm soát, giám sát của nhân dân đối với các cơ quan hành chính. Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo; cập nhật, công khai thủ tục hành chính dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức tìm hiểu và thực hiện.

Đồng thời, đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ; trao đổi văn bản trên môi trường mạng để nâng cao tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem